Một chàng trai nọ tên Torri cả một đời chỉ suy nghĩ đến điều duy nhất là đi tìm hạnh phúc. Hồi còn nhỏ, mỗi lần ai đó lên tiếng hỏi: “Lớn lên cháu làm gì?”, Torri đáp ngay lập tức: “Cháu sẽ là cầu thủ bóng đá”, “Cháu sẽ là ca sĩ”, hay “Cháu sẽ là một tác giả nổi tiếng”. Đây là những ngành nghề mà giới truyền thông thường tôn vinh là hái ra tiền, tức là đem lại hạnh phúc, nên nó luôn hiện diện trong những giấc mơ của Torri, và lớn lên cùng Torri theo năm tháng.
Khi lớn hơn, Torri hiểu rằng điều quan trọng bậc nhất để đem lại hạnh phúc là tiền. Thế là chàng trai Torri lao mình vào thương trường, chàng làm ngày làm đêm như một gã điên, chàng thành công và trở nên một đại gia thuộc hạng nhất nhì.
Mọi người tán dương chàng, họ gọi chàng là “vị chỉ huy”, nhưng riêng chàng lại chẳng cảm thấy hạnh phúc. Chàng sống trong nỗi phập phồng vì lo sợ rồi sẽ có ai đó giỏi hơn, xuất sắc hơn, có khả năng kiếm tiền nhiều hơn, và hơn nữa, có thể phỗng tay trên sản nghiệp của chàng.
Một hôm, một ý tưởng loé lên trong tâm trí chàng: “Hạnh phúc ở trong các cuộc du lịch. Tất cả những ai đi du lịch đều hạnh phúc!”
Nói là làm, chàng rút tất cả tiền bạc trong ngân hàng và bắt đầu cuộc hành trình chu du khắp thế giới. Sau những chuyến đi dài, chạm đến các nước xa xôi nhất, chàng chưa hề thấy bóng hạnh phúc mà toàn là mệt mỏi buồn chán.
Chàng trai tự nhủ “Có lẽ trở thành một tay viết thành công sẽ đem lại hạnh phúc!”. Chàng bắt tay vào viết những cuốn tiểu thuyết và triết lý dầy hàng ngàn trang. Quanh đi quẩn lại chỉ vài năm chàng đã có một lượng sách đáng kể được bán ra trên khắp thế giới, lại còn được tái bản nhiều lần. Danh tiếng chàng nổi như cồn trên thế giới.
Khuôn mặt chàng tràn lan trên mặt báo và các bìa tạp chí như hiện tượng siêu nhân. Tuy nhiên, chỉ riêng chàng cảm thấy trống rỗng, buồn bã, thất vọng. Dân chúng đọc những tác phẩm của chàng mà chẳng ai quan tâm đến có một “gã Torri” tồn tại.
“Cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì, và hạnh phúc không hề có trên trái đất”, chàng trai thầm nhủ và ý nghĩ này ngày càng cắn rứt. Đến nỗi một lần kia, chàng lấy một quyết định đầy tuyệt vọng là sẽ kết thúc đời mình dưới tầu lửa.
Chưa bao giờ giải pháp kết thúc cuộc đời lại thú vị cho chàng bằng lúc này. Chàng liền đến nhà ga để tìm một chiếc xe lửa phù hợp và để chuẩn bị cho tư thế của mình.
Tại nhà ga, chỉ ít phút sau, một chiếc tàu lửa dài chuyên chở các công nhân trờ tới. Lúc ấy, đứng bên cạnh chàng là một phụ nữ trẻ rất dễ thương, tay đang ẵm một đứa trẻ sống động. Một anh công nhân bước xuống từ chiếc tàu lửa với cái sắc tay dính đầy dầu mỡ và nhăn nhúm. Vừa thấy người phụ nữ và đứa trẻ, mắt anh bừng sáng và lao nhanh về phía hai mẹ con. Đứa trẻ đưa hai cánh tay bé tí xíu ôm lấy cổ người công nhân, miệng cười như nắc nẻ. Cả gia đình ôm lấy nhau quấn quýt, sau đó họ bước lên chiếc xe hơi nhỏ xíu, cũ kỹ và lao vút đi với niềm vui rạng ngời.
Thế là, Torri chợt khám phá ra rằng hạnh phúc là có thật. Nhưng khốn cho Torri vì anh đã luôn tìm kiếm hạnh phúc không đúng chỗ.
NHỮNG CHỈ DẪN SƯ PHẠM
Bài học sư phạm ẩn giấu trong câu chuyện
Theo đuổi hạnh phúc là một trong những lý tưởng lớn của con người. Như bao người, chàng trai Torri theo đuổi ước mơ hạnh phúc, với đích nhắm là tiền bạc, sự thành công, danh vọng, bởi đó là hạnh phúc theo tiêu chuẩn của xã hội. Tuy nhiên khi đạt tới đỉnh cao của quyền lực và giầu sang, chàng chợt nhận ra điều chàng bỏ ra cả đời để đạt đến không là điều chàng tìm kiếm. May thay, cuối cùng chàng tìm được niềm tin về một hạnh phúc có thể có, và hạnh phúc ấy thật gần gũi, nó không ở những gì người ta có, những gì là hào nhoáng, nhưng ở trong tình thương mến con người dành cho nhau.
Ngày hôm nay, quảng cáo và phương tiện truyền thông khoe khoang với luận điệu khiến người ta bị ám ảnh về niềm hạnh phúc được xây dựng trên tiền bạc, thành công, sắc đẹp và chủ nghĩa khoái lạc. Từ đó dễ dàng tạo nên nơi người trẻ sự nhầm lẫn. Họ thay vào chỗ hạnh phúc là sự “giải trí”, thích khoa trương, giật tít, tạo “thương hiệu” và sở hữu những thứ mau qua, thoả mãn bản năng. “Giải trí” là một loại đòi hỏi thuộc bản năng và là một ảo tưởng liên tục. Vì thế, người trẻ cần được hướng dẫn để hiểu thế nào là hạnh phúc thực sự.
Câu hỏi gợi ý
- Torri đi tìm hạnh phúc ở đâu?
- Tại sao chàng Torri lại cho đó là hạnh phúc?
- Em có đồng ý với suy nghĩ của Torri không?
- Sự tuyệt vọng của Torri đã dẫn chàng đến quyết định gì?
- Sau cùng, Torri tìm thấy hạnh phúc thật ở đâu?
- Torri đã rút ra định nghĩa gì về hạnh phúc?
- Đâu là sai sót của Torri khi đi tìm niềm hạnh phúc?
- Ngày hôm nay, em nhận thấy bạn bè và xã hội nghĩ gì về hạnh phúc?
- Điều gì ảnh hưởng trên suy tư về hạnh phúc của bạn nhiều nhất?
- Em kinh nghiệm thấy mình hạnh phúc khi nào?
Những hoạt động gợi ý
- Để các học sinh tiếp cận với khái niệm hạnh phúc và nội tâm hoá tư tưởng này, giáo lý viên có thể đặt một tấm giấy lớn mầu trắng trên bảng, trên đó ghi “HẠNH PHÚC LÀ …”. Các học sinh được mời lên để điền vào định nghĩa mà em thích nhất. Hoạt động này cũng có thể cho các em bàn bạc trong nhóm để có định nghĩa chung nhất, và Giáo lý viên mời đại diện tổ lên ghi trên tấm giấy, sau đó cho cả lớp thảo luận trên những tư tưởng này.
- Giáo lý viên cũng có thể cho các em đi một vòng, làm phỏng vấn với Cha xứ, với dì, với một bác sĩ, hay với một cụ già… để xem những người này suy nghĩ gì về hạnh phúc.
Kinh Thánh cũng kể lại
Phúc âm Luca (24,13-35) kể lại câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus. Trong khi trò chuyện, Chúa Giê-su đến gần họ mà họ không ngay lập tức nhận ra. Sau khi Chúa biến mất, chỉ còn hai người, họ nói với nhau: “Chúng ta đã chẳng thấy lòng mình nóng lên khi Ngài cùng đi đường và giải thích Kinh thánh cho chúng ta sao?” Việc sống gần Chúa Giê-su là niềm vui đích thực. Hãy theo Ngài cả khi khó khăn vì Ngài mới là hạnh phúc đích thực.
Ngọc Yến