Một vị truyền giáo trở lại, 34 vị khác lên đường

Thông điệp của Cha Bê Trên Cả  ÁNGEL FERNÁNDEZ ARTIME

Cha chọn tên đề tài lờ mờ khó hiểu thế này vì cha muốn gợi nhắc mình đến sự trở về của một anh em Sa-lê-diêng đã bị bắt cóc và bị bắt giữ trong suốt 18 tháng bởi những kẻ bắt cóc, và gần như đồng thời, 34 Sa-lê-diêng Don Bosco cùng những Nữ tu Con Đức Mẹ Phù Hộ lên đường truyền giáo.
Kể từ ngày 11 tháng 11 năm 1875 đến nay, đã có 148 đợt lên đường truyền giáo của Gia Đình Sa-lê-diêng. Một con số gợi lên trong trong chúng ta một cảm thức tạ ơn sâu xa.
Một lời “Tạ ơn” mà cha cảm thấy mạnh mẽ và chân thực trước một sự kiện phải nói là lời “Tạ ơn” đầy xúc động và là Hồng ân của Thiên Chúa cho Gia đình Sa-lê-diêng chúng ta. Vào chiều ngày 12 tháng 9 vừa qua, chúng ta đã nhận được cuộc gọi thông báo rằng Cha Thomas Uhzunnalil đã được trả tự do và đã bay tới Rô-ma trên một máy bay của Sultanato dell’Oman.
Sau 18 tháng bị bắt cóc, thời gian của hy vọng lẫn khiếp đảm, thì tin tức này đã là một lời loan báo kỳ diệu. Chúng ta đã chạy bay đến mà ôm lấy cha Tom, người anh em Sa-lê-diêng của chúng ta. Thân xác ngài thật yếu ớt; ngài đã bị sụt mất 30 ki-lô-gam và hao đi 38% khối lượng thân thể, bước đi ngài xiêu vẹo vì đã bị giam giữ trong suốt thời gian dài, nhưng tinh thần của ngài thì rất mạnh mẽ, thanh thản, sáng suốt, đầy an bình và vui tươi. Trong giọng nói trình bày và trong sức mạnh nơi cha Tom, tất cả làm cha phải nghĩ đến phúc lành của Thiên Chúa có sức biến đổi những gì là yếu đuối và dễ vỡ.
Cha Tom đã kể cho chúng ta rằng ngài đã sống 18 tháng khủng khiếp ấy trong sự thanh thản và an bình, trong lời tạ ơn Thiên Chúa vào mỗi tối vì ngày sống mà Thiên Chúa đã thương ban, cho dù cha Tom không thể ra khỏi phòng giam, cũng chẳng nhìn thấy một chút ánh sáng nào. Thỉnh thoảng ngài nói với Thiên Chúa rằng nếu như ngày mai là ngày cuối cùng của đời ngài, thì ngài cũng thanh thản để đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Người anh em Tom của chúng ta đã cầu nguyện mỗi ngày cho những người canh giữ cha và cho sự sống của ngài. Ngài cầu nguyện cho các sơ Truyền giáo Bác ái của Mẹ Tê-rê-sa mà họ đã bị sát hại trước mắt ngài. Ngài cầu nguyện cho những người thân yêu, cho Gia đình Sa-lê-diêng và những người trẻ.
“Hiến tế Thánh thể chính là bản thân tôi, chính thân xác tôi là của lễ sống động đẹp lòng Thiên Chúa”
Người anh em Sa-lê-diêng đã kể lại rằng trong thời gian bị bắt cóc và giam giữ, ngài sống và tìm được sức mạnh từ việc “Hiệp lễ thiêng liêng”: “Tôi đã cử hành thánh lễ cách thiêng liêng mỗi ngày, bằng việc nhớ thuộc lòng các bài đọc Kinh thánh và các phần phụng vụ, lúc ấy, tôi chẳng có bản văn phụng vụ lẫn bánh hay rượu để cử hành Thánh thể”. Nhưng ngài nhấn mạnh, trong những khoảnh khắc trong tay của những kẻ tra tấn, những người có thể chấm dứt sự sống của ngài trên trần gian, thì “Hiến tế Thánh thể chính là bản thân tôi, chính thân xác tôi là của lễ sống động đẹp lòng Thiên Chúa”.
Nhờ thế mà ngài đã trở lại giữa chúng ta với sự an bình và thanh thản. Dĩ nhiên, kinh nghiệm đau thương này đã làm cho ngài lớn lên rất nhiều trong đời sống nội tâm. Giờ đây, ngài chẳng có tham vọng gì, ngài cũng không chờ đợi sự tưởng nhớ hay ghi công nào. Ngài chỉ muốn tiếp tục phục vụ bằng cách thanh thản làm việc.
Cha Tom đơn sơ nói với chúng ta về tình hình truyền giáo của ngài. Ngài đã ở Yemen như một người truyền giáo và trong suốt 18 tháng bị giam giữ, ngài đã liên tục cảm thấy mình là người truyền giáo hơn bao giờ hết, ngay cả khi ngài tưởng như “không thể làm gì” thì ngài đã “làm tất cả”, bởi vì mỗi ngày ngài đã trao hiến chính bản thân, với sự hồn nhiên tuyệt đối.
Những vị anh hùng truyền giáo vĩ đại của Giáo Hội
Trong những ngày này, trong khi Cha Tom đang được chăm sóc tại Roma thì Tu hội có 21 anh em Sa-lê-diêng và 13 nữ tu Con Đức Mẹ Phù Hộ đã nhận Thánh giá truyền giáo để sau đó lên đường như những nhà truyền giáo.
Tất cả ra đi với con tim sẵn sàng để phục vụ ở những nơi cần thiết và nóng bỏng hơn cả. Họ từ bỏ thế giới thân quen, phá vỡ vòng vây tình bạn và tình cảm gia đình, để ôm ấp sự sống của những dân tộc khác, cảm xúc khác, ngôn ngữ khác và các khuôn mặt khác.
Có một cây cầu đức tin và sự can đảm giữa Cha Tom và những nhà truyền giáo mới. Sứ điệp của cha Tom, người anh em của chúng ta, cho các vị truyền giáo mới là hãy trao ban chính sự sống.
Cha nhớ đến câu chuyện của một nữ tu truyền giáo, người đã hết lòng chăm sóc cẩn thận từng vết lở loét của một bệnh nhân cùi. Chị làm việc ấy với nụ cười trên môi và vui vẻ hàn huyên với bệnh nhân, như thể đó là một chuyện hết sức bình thường trên thế giới.
Đột nhiên, chị hỏi người bệnh: “Ông có tin vào Thiên Chúa không?”.
Người đàn ông nhìn chị lúc lâu rồi đáp: “Tôi tin, bây giờ thì tôi tin vào Thiên Chúa”.
Cha lấy sứ điệp của Đức Thánh Cha để nói với các anh chị em: “Hãy loan báo Đức Giê-su Ki-tô bằng chính đời sống! Cha ngỏ lời với các người trẻ: Hãy nghĩ đến điều gì bạn muốn làm cho đời sống mình. Đây là thời điểm để suy tư và xin Thiên Chúa cho bạn cảm nhận được ý Chúa. Nhưng xin vui lòng đừng loại bỏ khả thể trở thành nhà truyền giáo, để đem tình yêu, tình nhân loại, đức tin đến các Xứ sở khác. Đừng làm để kêu gọi cải đạo, xin đừng. Điều ta làm và những điều ta tìm kiếm là một chuyện khác. Đức tin phải được rao giảng trước hết với chứng tá và rồi bằng lời nói. Một cách chậm rãi”.
Những sự kiện cha nói đây xảy ra vào tháng 9, trong tất cả thực tế sinh động của nó. Các nhà truyền giáo đã trao ban cuộc sống của họ cách trọn vẹn và tận căn. Chẳng ai gọi họ là “anh hùng”, nhưng chứng tá của họ đánh động tâm hồn chúng ta.

Bài viết:  Chuyển ngữ: Ban Truyền Thông SDB Việt Nam 

Visited 14 times, 1 visit(s) today