Bài viết của cha Alfred Maravilla SDB, Tổng Cố vấn Truyền giáo
Rôma 11/11/2020. Vào ngày Thứ Năm 11/11/1875, tức 145 năm trước đây, sau giờ kinh chiều tại Đền Thánh Đức Mẹ Phù hộ ở Valdocco, Don Bosco đã tiến lên bục giảng và nói với các con cái của Ngài về chương trình tông đồ dành cho các vị thừa sai Salêdiêng đầu tiên. Chương trình đó gồm 2 phần : Rao giảng Tin mừng cho các di dân người Ý ở hải ngoại và Truyền giáo cho các thổ dân vùng Patagonia ở Nam Mỹ. Kết thúc bài huấn từ, Don Bosco đã nói những lời mang tính tiên tri như sau : “Biết đâu, đây là bước khởi đầu giống như hạt cải bé nhỏ được gieo vào lòng đất, sẽ mọc lên thành một cây to lớn và xum xuê ? Sau này, hạt cải bé nhỏ ấy có thể sẽ hứa hẹn một mùa gặt bội thu đầy hoa trái ?”. Sau đó, Cha Thánh xuống ôm hôn từng người một trong số 10 vị truyền giáo tiên khởi của Tu hội. Ngài trao cho mỗi vị một món quà kỷ niệm, đó là những lời tâm huyết Ngài đã viết sẵn trên một tờ giấy nhỏ trong một lần Ngài đi xa trở về Valdocco. Vài ngày sau, chính Don Bosco đi tháp tùng các vị truyền giáo tiên khởi ấy tới tận bến cảng Genoa để từ biệt trước khi họ lên tầu Savoi của Pháp để bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo. Hôm đó là ngày 14/11/1875. Một nhân chứng đã thuật lại rằng, lúc đó khuôn mặt của Don Bosco đỏ hồng như đang muốn khóc vì Ngài quá xúc động. Nhưng Cha Thánh cố gắng kìm hãm những giọt nước mắt để cùng đồng hành với những vị thừa sai đầu tiên trên bước đường dấn thân đi truyền giáo.
Quang cảnh cảm động ấy vẫn thường được các anh em SDB gợi nhớ lại với nhiều nét tưởng tượng thêm rất lãng mạn và phong phú. Tuy nhiên, chúng ta cần đặt ra một câu hỏi, đó là ngày hôm nay việc dấn thân ra đi truyền giáo như thế có còn cần thiết và hợp thời nữa hay không ? Nhiều tỉnh dòng trên thế giới vẫn đang thiếu hụt ơn gọi cách trầm trọng, vậy tại sao chúng ta lại gửi các nhà truyền giáo đi đến các tỉnh dòng khác để làm việc ?
Chúng ta đều biết rằng, Thiên Chúa muốn cứu rỗi tất cả nhân loại, không loại trừ ai. Mọi người đều có quyền biết Đức Giêsu để tin vào Ngài hầu được ơn cứu độ. Vì thế, chúng ta cần phải biến ước muốn đó trở thành hiện thực cách cụ thể. Ngày xưa, các tông đồ được chỉ thị phải đi khắp nơi rao giảng Tin mừng cho mọi người (Mt 28, 19-20) hầu ‘Muôn dân có thể khám phá ra sự giầu có khôn dò của Đức Kitô (Eph 3,8). Tuy nhiên chúng ta đều biết rằng, ngày hôm nay cũng như trong quá khứ, rất nhiều người chưa từng có cơ hội để biết về Đức Giêsu hầu tin nhận Ngài. Hiện nay hơn bao giờ hết, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy tiến lên phía trước để dấn thân, sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Thần Khí, làm sáng lên ngọn lửa truyền giáo với lòng hăng say và can đảm giống như ngọn lửa đã thiêu đốt các vị truyền giáo năm xưa (x. Redemptoris Passio 30 và Evangelii Gaudium 24).
‘Ơn gọi Salêdiêng của chúng ta định vị chúng ta trong lòng Giáo hội (Hiến luật số 6)’mà bản chất là ơn gọi truyền giáo, vì Giáo hội được sai đến với các dân tộc (Ad Gentes số 2). Don Bosco đã cưu mang nguyện xá với đích nhắm nhằm truyền giáo cho các bạn trẻ nghèo và bị bỏ rơi, không thuộc về bất cứ một giáo xứ nào. Được thúc đẩy bằng ý hướng truyền giáo, Don Bosco đã nảy sinh nhiều sáng kiến, như thành lập nhà in, xuất bản các sách báo Công giáo, hình thành nhà xuất bản Salêdiêng, thành lập Tu hội SDB, dòng Con Đức Mẹ Phù hộ, sáng lập Hiệp hội Cộng tác viên Salêdiêng, Hiệp hội ADMA…Cuối cùng, Cha Thánh đã quyết định khai mở một trang sử mới cho Tu hội mà Ngài mới thành lập, đó là gửi đi các vị thừa sai SDB đầu tiên vào năm 1875 và các thừa sai FMA đầu tiên vào năm 1877. Ngoài ra, Don Bosco còn muốn thổi lên ngọn lửa truyền giáo nơi tất cả mọi thành viên khác trong Gia đình Salêdiêng. Chính vì thế, trong các Tổng Tu nghị 19 và 20, Tu hội đã gợi lại mẫu gương của Don Bosco và minh định rằng, dấn thân cho sứ mệnh truyền giáo chính là một phần thuộc bản chất cũng như mục đích của Tu hội (TTN 19, 178; TTN 20, 471).
Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng, tỉnh dòng của chúng tôi không thể chia sẻ ơn gọi truyền giáo cho các tỉnh dòng khác, vì chúng tôi cũng đang rất thiếu các hội viên để làm việc. Ơn gọi truyền giáo Salêdiêng được thể hiện nơi bất cứ hội viên nào, miễn là người anh em đó có thể đáp ứng sứ mệnh truyền giáo trong ơn gọi Salêdiêng của mình. Vì thế, hằng năm Tu hội vẫn cử hành ngày ‘Xuất phát truyền giáo Salêdiêng’ như một cách thức cụ thể diễn bày lòng trung thành của chúng ta đối với tinh thần dấn thân truyền giáo của Don Bosco.
Ghi chú : Hai câu hỏi để gơi ý suy tư và chia sẻ :
1- Tại sao hoạt động truyền giáo vẫn còn phù hợp và mang tính thời sự đối với thế giới ngày hôm nay ?
2- Tại sao ơn gọi truyền giáo là lời mời gọi gắn liền với ơn gọi Salêdiêng ?
Văn Hào, Sdb lược dịch