“Con không muốn thông minh, không muốn làm người lịch sự. Con muốn giống như bố cơ!”. Một đứa trẻ 5 tuổi kiêu hãnh nói thế với mẹ của nó. Đối với nó, được giống bố là một điều hạnh phúc.
Sau một quãng thời gian dài người ta lo định nghĩa về thế giới như một xã hội vắng bóng người đàn ông, thì ngày hôm nay, mọi nhà nghiên cứu xã hội, tâm lý, nhân chủng học đã cho thấy sức nặng của vai trò của người cha trên sự quân bình tâm lý của con cái. Tuy thế, ít cha mẹ nào hiểu ra sự thật đó là người cha được dành cho con cái. Nhà danh hài Erma Bombeck viết về cha mình như sau: “Khi tôi còn nhỏ, ba của tôi giống như cái bóng điện trong tủ lạnh: mọi nhà đều có mà chẳng ai thực sự biết nó có công dụng gì một khi cửa tủ lạnh đóng lại”.
Còn Don Bosco thì nói: “Làm sao để cho học sinh luôn ở dưới ánh mắt cảnh tỉnh của Giám đốc và các Hộ trực, họ như những người cha nói với chúng những lời yêu thương, hướng dẫn chúng trong mỗi biến cố, cho chúng những lời khuyên và sửa dạy chúng cách thân tình”. Chẳng ai bẩm sinh đã được ban những phẩm chất ưu biệt của một người cha tốt lành, mà đó là điều phải trở thành. Để trở thành một người cha thực thụ đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, chuyên cần và tình thương.
Chúng ta có một mẫu gương khôn sánh về dung mạo người cha, đó chính là Thiên Chúa. Trong Kinh thánh, Thiên Chúa được gọi là Cha, và Người đã thực hiện đúng vai trò đó.
Khi Thiên Chúa phán với Môsê, Người nói: “Ta đã nhìn thấy sự bần cùng của dân ta. Ta đã nghe thấy tiếng chúng thét gào… Thực sự, ta biết nỗi khổ của chúng và ta xuống để giải thoát chúng…” (Xh 3,7-8). Trong đoạn văn ngắn, chúng ta thấy có những động từ đậm mầu sư phạm của tình phụ tử: quan sát – lắng nghe – hiểu – hành động.
Từ đây, ta có thể chuyển ngữ những từ này sang một số tư tưởng đơn sơ, để nhận biết đâu là những yếu tố cần thiết để có thể trở nên một người cha tốt.
Hãy trở nên chính mình và đừng mất công đeo cho mình chiếc mặt nạ một “Bố già”. Làm cha trong gia đình không phải là một vai diễn và vì thế đeo mặt nạ là vô ích. Một ông bố hoàn hảo thường lại là nguyên nhân của nhiều rắc rối. Những người tin rằng mình biết tất cả có thể trở thành vô cùng nguy hiểm. Một người cha đừng bao giờ đặt mình vào cuộc thi đấu với con cái, họ cũng đừng trở thành một hình tượng không thể chạm đến được. Marcello Bernardi viết: “Làm thế nào để là một người cha tốt? Ông không là một kẻ độc đoán, cũng không phải là người dễ dãi, không phải là người luôn luôn có mặt, cũng chẳng là người luôn vắng mặt”. “Rốt cuộc, ông là ai? Rất đơn giản: Là chính mình. Một người biết tôn trọng người khác và đến lượt mình, ông tỏ ra đáng kính trọng; một người biết yêu mà chẳng mong đền đáp; một người sở hữu và tìm cách tôn vinh lý trí. Mọi sự chính là đây. Tôi muốn nhắc đến một điều là, nếu như hình tượng người mẹ là biểu hiện mà qua đó đứa trẻ chinh phục thế giới và sự tự lập của bản thân, thì cùng một cách đó, hình tượng người cha là biểu hiện qua đó đứa trẻ khám phá ra gia đình. Thật vậy, thoạt đầu đứa trẻ chỉ có mẹ là người mà nó sống cộng sinh cùng, giờ đây nó có cha và mẹ, tức là một gia đình”.
Một người cha là chính mình đặc biệt khi diễn tả cảm xúc riêng và tư tưởng của mình cách thanh thản.
Hiện diện, quan tâm đến con cái. Ông sẵn lòng để cùng chơi, thảo luận và lắng nghe. Hầu hết các thống kê bộc lộ rằng trung bình một ngày một ông bố không có đến 5 phút giáo dục thật sự đối với con cái mình. Và họ cũng chỉ ra một sự nối kết chặt chẽ giữa việc vắng mặt của người cha và thành tích học tập kém cỏi, chỉ số thông minh thấp, tính hung hăng của đứa trẻ. Khoa sư phạm thần linh đề nghị người cha hãy biết quan sát, lắng nghe và nhận biết. Việc quan sát cũng đồng thời là học để nhận ra tất cả những dấu hiệu lớn nhỏ mà các thanh thiếu niên nam nữ đang không ngừng gởi đến các bậc cha mẹ.
Làm gương về sự tự chủ. Một vị thầy khôn ngoan khuyên các bậc cha mẹ như sau: “Hãy nhớ: khi con bạn nổi cơn chướng thì bạn cũng đừng nên chướng giống như chúng”. Tự chế và kiểm soát được tính khí của mình trước mặt con cái và người lạ là một gương sáng đầu tiên mà cha mẹ phải ban tặng cho con cái. Kiên nhẫn và cảm thông ngay cả trong tình huống căng thẳng nóng bỏng cho phép cải thiện mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.
Tạo niềm tin và sự bảo đảm cả trong việc lớn lẫn việc nhỏ, để dạy cho con cái thấy được điều chính yếu trong những sự kiện tích cực hay tiêu cực của cuộc sống. Làm thế nào để con cái tin tưởng vào chính người cha của mình và ông sẽ phải là người đầu tiên mà đứa con tìm tới khi cần thiết.
Dậy nghệ thuật giải quyết các vấn đề. Người cha cần có quan tâm đến đời sống gia đình, am hiểu và có khả năng đối diện với các vấn đề cách điềm tĩnh, có trước có sau, để ngang qua chính cách giải quyết các vấn đề trong gia đình và tương quan hàng xóm, các vấn đề của cuộc sống, con cái học biết cách ứng xử hợp lý và tốt nhất có thể.
Chinh phục sự tín nhiệm và lòng quý mến của các con. Người cha không nên tạo khoảng cách với con cái nhưng hãy tìm cách đồng cảm với chúng. Người cha tốt thì biết lắng nghe với cả cõi lòng, luôn nói lời thần chú này: “Ba hãnh diện vì con!”. Có thể ông chưa thực sự hãnh diện nhưng điều đó sẽ sớm đến thôi, bởi nói “tự hào vì ai đó” là một đánh giá đầy khích lệ, có sức làm cho người ta bứt phá, tiến lên.
Trước mặt con cái, người cha bày tỏ sự hoà hợp, quý chuộng và đồng thuận về cách dạy con đối với vợ. Đây là gương sáng người cha dạy cho con cái về thái độ tôn trọng, hiểu biết và cách thức làm việc chung với người khác. Bên cạnh đó, tạo nên bầu khí hiệp nhất, kính trọng trong gia đình.
Làm “bảng chỉ đường”. Hình tượng người cha là nền tảng cho việc xây dựng lương tâm. Nhất là cho tuổi vị thành niên, là tuổi cần có một sự chỉ dẫn rõ ràng của một nhân cách mạnh mẽ, để chúng có thể dựa vào trong lúc còn bồng bột và sôi nổi của giai đoạn hình thành con người xã hội nơi bản thân. Don Bosco xác nhận: “Hãy nói, hãy hướng dẫn chúng trong mỗi sự việc”.
Là hòn đảo đón tiếp cho như người chèo chống mệt nhoài trong ngày sống. Hãy tạo nên những giây phút đặc biệt của ngày. Chẳng hạn bữa tối là lúc cả gia đình quây quần, người ta có thể chuyện vãn, trao đổi trong bầu khí an bình. Người cha tốt sẽ biết cách tạo ra những kỷ niệm tuyệt vời qua những thói quen tình cảm nhỏ bé. Tại sao người cha không thử “chúc phúc cho con cái” vào mỗi tối? Một dấu thánh giá trên trán, một nụ hôn trên trán và lời chúc phúc… Rồi trước khi đi ngủ, cả nhà cùng nhau đọc kinh và cầu nguyện, xin Chúa ban cho giờ nghỉ ngơi bình an. Tất cả sẽ tạo nên một dấu ấn và tâm tình an bình cho con cái.
Thỉnh thoảng hãy nói lời cảm ơn với các con, bởi việc làm cha bắt buộc người ta phải rút ra cái tốt nhất từ mình. Nghề làm cha có ích khi nó phục vụ cho con cái. Không một người nam nào có thể hiểu được ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa của thế giới, ý nghĩa của bất cứ điều gì cho tới khi họ không có một người con để yêu mến. Và rồi khi người con xuát hiện thì cả vũ trụ thay đổi, mọi sự sẽ chẳng còn như trước kia.
Và nếu một ông bố muốn đo lường về mức độ làm cha của mình xem có thực sự xứng đáng khôn, họ hãy hỏi mẹ của các con họ: “Em có muốn các con giống như anh không?”.
Tôi sẽ chú ý đến cách mình diễn tả ý kiến riêng. Bởi những gì tôi nói hay tôi làm đều có một ảnh hưởng sâu đậm trên con cái tôi.
Chuyển ngữ từ “Cha mẹ hạnh phúc với Hệ thống giáo dục của Don Bosco”
(Bruno Ferrero)