
Hẳn rằng sống trong thời buổi này, mọi người chúng ta đã trải nghiệm những ngày đại dịch bùng phát mạnh, rồi hạ dần xuống. Tuy nguy cơ lây lan vẫn còn và mỗi người vẫn lấy trách nhiệm cho mình. Thế nhưng, nay cũng chính là lúc chúng ta cùng nhìn về nó để rút ra được những điều thiết yếu, hầu giúp cho hành trình làm người của mình được sung mãn.
Đại dịch đến làm cho con người nhận biết mình yếu đuối biết bao. Muôn vàn hình thức vui chơi, khách sạn, sân vận động,… đều vắng người toàn diện. (x. Bill Gates) Nhưng điều yếu đuối khủng khiếp hơn nơi con người lộ ra lại nằm ở chỗ khác: Đó là sự ích kỷ, bỏ mặc người anh chị em mình. Đại dịch Covid cho chúng ta chứng kiến cảnh biết bao người chết cô đơn trong chính căn phòng của mình: Không có một cuộc giao tiếp nào vì ai cũng lo bảo vệ cho bản thân mình. Mọi người như chỉ lủi thủi miễn sao mình sống là được, và con đường rộng mở của các mối tương giao với tha nhân trở thành ngõ cụt. Tuy nhiên giữa cảnh tăm tối đó, ánh sáng vẫn không hề bị dập tắt. Nhiều y sĩ, bác sĩ vẫn đã xả thân chăm sóc những bệnh nhân tội nghiệp đó. Những người này đã không ngại hy sinh tính mạng mình để mở ra một con đường mới: Con đường của tình liên đới.
Đại dịch làm sáng tỏ lên chân lý quan trọng hàng đầu của kiếp người: “Chẳng thể có chỗ cho ích kỷ nơi tâm hồn Kitô hữu”. (Đức Phanxicô) Con người thấy mình thật đẹp. Đúng! Như một bình pha lê, rất đẹp, rất quý, nhưng cũng rất mỏng dòn. Chỉ khi con người trong suốt trước Thiên Chúa – vị Bác sĩ tài giỏi nhất – thì sự mỏng dòn mới biến thành phúc lành. Đúng vậy, đang khi vật lộn với virus của đại dịch, con người có thể quên mất một virus khác còn gây chết người hơn. “Có một nguy hiểm rằng ta sẽ quên lãng những kẻ bị bỏ lại đằng sau. Nguy cơ là chúng ta bị kẹt chết bởi một virut tệ hại hơn, virút sự dửng dưng ích kỷ. Vi-rút này lan rộng nhanh chóng, không phanh bởi nghĩ suy rằng cuộc đời tốt đẹp hơn nếu nó tốt hơn cho riêng tôi; mọi sự sẽ tuyệt vời nếu nó tuyệt vời cho mình tôi. Nó bắt đầu ở đó và kết tận khi lựa lọc người này trên người khác, loại bỏ người nghèo và hy sinh những kẻ bị bỏ lại sau trên bàn thờ của tiến bộ” (Đức Phanxicô).
Đóng kín mình lại, lo cho riêng mình, chẳng tương tác với ai, chắc chắn sẽ không bị lây nhiễm, sẽ được yên ổn. Hấp dẫn thật. Tuy vậy, một sự thật chúng ta cần biết là trong mỗi lời dối trá luôn có một chút ít sự thật. Nhưng bạn à, tình trạng này làm cho mỗi người tựa như một căn nhà không có lỗ thông gió. An toàn, song đó chỉ là ảo tưởng!!! Không lỗ thông hơi sẽ làm cho căn phòng nên ô nhiễm cực độ. Phải, một mình, cô độc, sẽ chẳng sản sinh và phong nhiêu được. Kinh nghiệm đã nói cho Giáo hội biết rằng, nếu chỉ dựa vào chính mình, Giáo hội chẳng thể sinh sôi nảy nở được, đó chỉ là một bà mẹ già nua, cằn cỗi… Quả thế, “Gốc rễ của lạc thuyết Pelagio vô sinh đến từ ích kỷ và từ quyền lực và khiến Dân Chúa sẽ cằn cỗi vô sinh” (Đức Phanxicô). Chỉ khi nào mở rộng cho Thiên Chúa, tạo thành mới sẽ đến thế chỗ cho tạo thành cũ.
Thời đại dịch sẽ trở thành phúc lành khi các Kitô hữu học lại điều quan trọng này: “Người Kitô hữu miệt mài lắng nghe lời dạy các tông đồ; họ áp dụng cao độ những mối tương giao liên vị qua chia sẻ của cải thiêng liêng và vật chất; họ nhớ đến Chúa qua bẻ bánh, nghĩa là Thánh Thể, và họ đối thoại với Chúa trong cầu nguyện. Đây là những thái độ của người Kitô hữu tốt lành.” (Đức Phanxicô) Hoàn toàn không có chỗ cho ích kỷ. Rõ ràng, “nếu tâm hồn bạn ích kỷ, bạn không là Kitô hữu, bạn là thế tục và chỉ tìm lợi ích của riêng mình, tìm lợi lộc riêng…. sự gần gũi và hiệp nhất là phong thái cúa các tín hữu: gần gũi, quan tâm đến nhau, không nói xấu người khác, nhưng giúp đỡ và gần gũi.” (Đức Phanxicô).
Mở ra một con đường có nghĩa rằng phá đổ bức tường và xây một cây cầu. Một nhân loại đóng kín nơi chính mình chỉ tìm thấy ngõ cụt. Các Kitô hữu cần phải làm chứng cho một chân lý khác. “Rộng mở trước sự mới mẻ của Thiên Chúa và sức mạnh của Thánh Thần khiến Giáo hội có thể trở nên một người mẹ sinh sôi nảy nở và làm cho muôn dân tiến về.”
Bài viết: Văn Am, SDB