Lễ Suy Tôn Thánh Giá: Sự khiêm nhường của Chúa Giêsu

“Chính vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài” ( Phil 2,9).

Chúng ta được mời gọi dấn bước qua nhiều nẻo đường. Có những con đường đầy thách đố gai chông, nhưng có những con đường êm ả, bình lặng và rất cuốn hút. Tin vào Thiên Chúa chính là mạnh dạn đi vào bất cứ con đường nào mà Chúa gọi mời chúng ta dấn bước, vì cuối cùng con đường đó sẽ dẫn đưa chúng ta về miền Đất Hứa. Điều này nói có vẻ dễ, khi con đường chúng ta đi qua không có chiến tranh, không có cướp bóc cũng như không có những gì làm chúng ta khiếp sợ. Nhưng điều quan trọng, là khi bước đi trên những con đường gập ghềnh lắm sỏi đá gai chông, chúng ta sẽ không đào thoát khỏi những nơi mà nhiều khi chúng ta cảm thấy cuộc sống mình trở nên vô nghĩa, vì có quá nhiều gian nan. Đó vẫn là nơi dẫn đưa chúng ta đến sự sống và ơn cứu độ.

Dân Israel lang thang trên con đường tiến về đất hứa. Đó là hình tượng nói lên sự khiêm hạ và khắc khoải của kiếp người. Họ ca thán về những gian khổ trong cuộc hành trình sa mạc năm xưa. Lời kêu trách của họ thực ra không đáng. Họ trách cứ Môise: “Tại sao ông đem chúng tôi ra khỏi Ai Cập để phải chết trong hoang mạc? Ở đây không có đồ ăn, không có nước uống. Chúng tôi đã chán ngấy thứ lương thực này”. Điều họ đòi hỏi xem ra có vẻ bình thường và dễ hiểu, nhưng họ lại bị khiển trách vì dám ‘chống lại Thiên Chúa và Môisê’. Họ mất niềm tin đặt để nơi nhân vật đã đưa họ thoát ách nô lệ Ai cập và dẫn họ bước đi trên con đường trở về cố hương. Rắn độc đã bò ra để trừng phạt, nhưng cuối cùng họ đã được cứu, bởi một động thái khởi phát từ chính Thiên Chúa. Môise đã đúc một con rắn đồng treo lên một giá cao, và bất cứ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống.

Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, Đức Giêsu cắt nghĩa sự kiện này như một biểu tượng tiên báo về cái chết của Ngài. “Cũng như Môise đã treo con rắn đồng nơi hoang địa, Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, để ai tin vào Ngài, sẽ được sống đời đời”. Con Người sẽ được treo lên, bởi vì “Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi đã ban tặng chính Con Một, để ai tin vào người con đó, sẽ không phải hư mất nhưng có cuộc sống trường tồn”. Cũng như con rắn đồng được treo lên sẽ cứu dân Israel, thì đấng Messia cũng được treo lên Thập giá để dẫn đưa chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu.

Nhưng việc treo Con Người lên cao không giống như treo một vật thể vô tri bất động. Đức Giêsu được treo lên cao, biểu thị sự khiêm tốn thẳm sâu trong thân phận làm người, nơi Đấng đã tự nguyện chấp nhận con đường ngập tràn khổ đau, tự nguyện ‘Vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá’. Nhiều học giả tự hỏi đây là loại khiêm nhường như thế nào nơi Đức Giêsu, đấng là Thiên Chúa – Người, một Thiên Chúa đã nhập thể và làm người như chúng ta. Có phải Đức Giêsu không biết rằng, Thiên Chúa sẽ đáp trả lại sự vâng phục ấy, bằng cách tôn vinh Ngài, tặng ban cho Ngài một danh hiệu cao quý hơn mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi gối sẽ bái quỳ, trên trời dưới đất hay dưới vực sâu, và mọi miệng lưỡi sẽ tung hô Đức Giêsu Kitô là Chúa và xưng tụng vinh quang của Chúa Cha?

Các thần học gia không nhất quán với nhau khi nói về thần tính của Đức Giêsu được diễn tả cụ thể như thế nào trong biến cố này, nhưng họ nhấn mạnh đến sự hiện hữu nhập thể làm người nơi Ngài. Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh, là Đức Giêsu đã trở nên một người phàm thực sự. Ngài trở nên một con người giống hệt chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Điều này được cắt nghĩa để giúp chúng ta am tường về sự vâng phục nơi Đức Giêsu. Ngài chấp nhận con đường mà Chúa Cha gọi mời. Đó là một sự chọn lựa rất con người. Đức Giêsu tiến nhận Thập giá, không phải chỉ là một động thái để tiến tới mục đích nhằm mang lại thiện ích cho con người chúng ta mà thôi, theo như chương trình Chúa Cha đã định liệu. Thánh Phaolô hiểu được rằng Đức Giêsu đã tự nguyện hạ mình xuống, sống vâng phục, không coi mình ngang hàng với Thiên Chúa, không phải để khai thác một phúc lợi nào cho chính mình, nhưng Ngài đã tự nguyện biến mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, sinh ra và nếm trải kiếp sống làm người một cách trọn vẹn.

Ở đây, chúng ta không đề cập đến thần tính của Đức Giêsu, cũng như sự vô tì vết nơi Ngài. Chúng ta nhấn mạnh đến việc Ngài đã tự nguyện trở nên hư không, khi mang lấy kiếp người, và đã vâng phục đón lấy Thập giá. Ngài cũng khai mở cho chúng ta một chỉ dẫn để dấn bước vào con đường dành riêng cho chúng ta, chứ không phải là con đường mà chính Ngài đã đi qua. Chúng ta biết rằng, hành vi khiêm nhường này dẫn đến việc tôn vinh. Chúng ta có mẫu gương về một Đấng ‘Thiên Chúa làm người’, đã lãnh nhận phần thưởng vinh thắng, sau khi thể hiện sự trung tín cho đến chết và chết trên Thập giá. Ngài đã sống lại, được hiển thăng trên cõi trời và được mọi miệng lưỡi tuyên xưng là Chúa. Chúng ta cần phải xác tín và tin tưởng rằng, khi chúng ta biết khiêm tốn dấn bước vào con đường mà Thiên Chúa mời gọi, chúng ta thâm tín rằng ‘Ai tin vào Ngài sẽ không phải hư đi, nhưng có sự sống đời đời’. Sự khiêm nhường của Người Con giúp khai sáng và khuyến mời chúng ta khiêm tốn dấn bước trên con đường của chính mỗi người, bởi vì chắc chắn chúng ta cũng được hứa ban sự sống và vinh quang trong cuộc sống bất diệt mai sau.

Khiêm nhường không có nghĩa là nhẫn nhục và câm nín, không được phàn nàn, vặn hỏi Thiên Chúa. Khiêm nhường cũng không phải là một thái độ thụ động chấp nhận một cách khiên cưỡng, để đi vào con đường đã mở sẵn. Nhưng khiêm nhường ở đây, là chúng ta tín thác vào Thiên Chúa để bước tới, và tin tưởng rằng Thiên  Chúa sẽ ban tặng chúng ta phần thưởng sau cùng. Đó chính là sự sống vĩnh cửu, sự sống mà chúng ta được thông dự cùng với Người Con đã được tôn vinh.

John Martens

Văn Hào, SDB chuyển ngữ


Visited 5 times, 1 visit(s) today