Lễ Phục Sinh: Ngôi Mộ Trống

Mầu nhiệm Phục sinh là nền tảng căn bản của niềm tin Kitô giáo. Thánh Phaolô đã xác quyết: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi và đức tin của anh em hoàn toàn trống rỗng, và chúng ta là những kẻ đáng thương nhất trong tất cả mọi người” (1Cor 15,14-19). Vì vậy, toàn bộ đời sống đức tin của mọi Kitô hữu đều quy chiếu vào mầu nhiệm quan trọng này.

Chúa đã chỗi dậy

Tuy nhiên, trong cái nhìn hiện đại, việc Chúa sống lại không phải là một sự kiện mà con người dễ dàng chấp nhận. Người ta có thể nêu ra những nghi vấn dựa trên lý luận thông thường, đó là con người chúng ta sau khi đã chết thật sự, thì không thể sống lại. Nếu chỉ chết lâm sàng, tức là con tim tạm ngưng đập, và sau đó sự sống thể lý được phục hồi khi huyết quản được lưu thông, thì đó chưa phải là cái chết thật sự. Còn nơi Đức Giêsu, Đấng chúng ta đặt trọn niềm tin, là một ‘Thiên Chúa – Người’, cái chết đã thật sự đến với Ngài. Chúa đã chết trên Thập giá, được mai táng trong mồ ba ngày, và ‘đã trỗi dậy’. Điều này đã được các Tông đồ tận mắt mục kích và các Ngài đã can trường làm chứng, đặc biệt qua các chứng từ của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Chúng ta cần đào sâu về những chứng từ này.

Trước hết, sách Công vụ Tông đồ thuật lại rất nhiều lần những lời rao giảng của thánh Phêrô. Vị thánh Tông đồ quả quyết: “Họ đã treo Người lên cây gỗ và Người đã chết. Nhưng vào ngày thứ ba, Thiên Chúa cho Người sống lại và Người đã hiện ra không phải với mọi người, nhưng với chúng tôi và những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn để làm chứng cho Người, là những kẻ được ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,39-41).

Không phải chỉ thánh Phêrô mà tất cả các môn đệ đã đồng lòng xác quyết một việc đã xảy ra rất lạ lùng và khác thường. Họ không chỉ nói trên lý thuyết nhưng đã kể lại chính kinh nghiệm cụ thể mà họ từng nếm trải. Trong cộng đoàn Giêrusalem có rất nhiều nhân vật được Kinh Thánh nhắc tới, như Phêrô, Maria Mađalêna, Salômê, Maria – mẹ của ông Giacôbê, bà Gioanna, Gioan, Nathanael thành Cana, ông Tôma và các môn đệ khác. Phải chăng, tất cả họ đều là những người khờ khạo, gian dối hay tự đánh lừa chính mình ?

Cleopas trên đường đi Emmaus đã nói về cảm giác hụt hẫng: “Chúng tôi kỳ vọng Ngài sẽ là người giải cứu Israel” (Lc 24,21). Maria Mađalêna đứng bên ngôi mộ trống đã buồn bã thốt lên: “Người ta đã lấy cắp xác Chúa tôi và mang đi khỏi mộ. Tôi không biết người ta để Người ở đâu”. Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần tiên báo về việc Ngài sẽ bị giết chết, nhưng sau 3 ngày sẽ sống lại, nhưng các môn đệ ngơ ngác không hiểu, lại còn ra sức can ngăn. Chỉ khi các ông trực tiếp gặp gỡ ‘Đấng đã trỗi dậy’, đầu óc u tối của các ông mới được khai sáng.

Người ta có thể đặt ra giả thuyết và cho rằng có thể các môn đệ bị rơi vào ảo giác hay hoang tưởng, giống như một sự bù đắp về tâm lý. Đấng mà họ kỳ vọng đã không còn nữa, nên họ cố tạo ra một nhân vật huyền thoại theo trí tưởng tượng, giống như kiểu nói cường điệu hoá trong xã hội ngày nay ‘Vị lãnh tụ này hay anh hùng nọ… đời đời sống mãi’.

Đối với các Tông đồ và cộng đoàn Giêsusalem tiên khởi thì không bao giờ có chuyện đó. Niềm tin của họ là một niềm tin rất chắc chắn vì đã được trải nghiệm cụ thể. Họ đã tận mắt mục kích và đã làm chứng, cho dầu phải đối diện trước cái chết. Trong suốt hơn 20 thế kỷ qua, niềm tin đó được truyền thụ lại cho các thế hệ và cho chính chúng ta là con cháu các ngài ngày hôm nay.

Những người cổ đại thời Chúa Giêsu, cho dầu có vẻ ngây thơ và dễ tin, nhưng họ có rất nhiều kinh nghiệm về thế giới người chết và tiếp cận người sắp chết hơn những người Đông phương chúng ta hiện nay. Họ hiểu rõ thế nào là sự chết và những gì họ thuật lại không phải là những câu chuyện giả tưởng hay hoang đường.

Ngôi mộ trống.

Vào ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna là người đầu tiên đã đón nhận Tin mừng Phục sinh. Bà về báo cho Phêrô và Gioan, người môn đệ được Chúa yêu dấu nhưng hai vị này ban đầu đã không tin, chỉ cho là chuyện vớ vẩn (Lc 24,11). Cuối cùng Gioan và Phêrô cũng đi ra, đến bên ngôi mộ trống và ngạc nhiên về sự việc trước mắt. Riêng Thánh Gioan đã ghi lại cảm  nghiệm của chính mình: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Dần dần các Ngài mới am tường, vì ‘Trước đây họ chưa hiểu rằng theo Kinh thánh, Đức Giêsu sẽ trỗi dậy từ cõi chết (Ga 20,9).

Cuộc hành trình dẫn đến đức tin của các chứng nhân đầu tiên, khởi đầu bằng việc tiếp cận ‘ngôi mộ trống’. Hành trình này quả không giản đơn chút nào nếu chỉ đứng trên góc nhìn của khoa học thực nghiệm. Maria Mađalêna cùng hai Tông đồ Phêrô và Gioan đã đi sâu vào cảm thức đức tin vì họ đã biết trải lòng mình ra để cho ơn thánh tác động. Cũng vậy, hình ảnh về ngôi mộ trống năm xưa cũng rất ý nghĩa đối với chúng ta trong cuộc sống đức tin ngày hôm nay. Nó biểu thị một tâm hồn hoàn toàn rỗng tuếch khi không có Thiên Chúa ở trong đó. Đồng thời, hình ảnh này cũng gọi mời chúng ta phải biết cách làm cho tâm hồn của mình trở nên trống rỗng, để được Thiên Chúa lấp đầy. Sự khao khát đi tìm kiếm Thiên Chúa sẽ được Chúa cho no thỏa, nếu chúng ta biết chân thành chạy đi để kiếm tìm Ngài.

Kết luận

Buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, cũng phải trở nên một khởi đầu mới với ánh bình minh chiếu dọi để xua tan những chỗ u tối trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta cần tiếp bước dấu chân của Maria Mađalêna, của Phêrô và của Gioan, khi mặt trời vừa mới ló rạng (Mc 16,1) để đến với Chúa, và chúng ta sẽ tiếp cận được Đấng Phục Sinh trong cuộc sống đời thường của chúng ta mỗi ngày.

Lm. Văn Hào, SDB

Visited 27 times, 1 visit(s) today