Don Bosco viết trong cuối Hồi ký: “Khi ba tôi qua đời, tôi chưa đầy hai tuổi. Tôi không còn nhớ diện mạo của người. Tôi không biết trong hoàn cảnh tang thương đó tình trạng của tôi ra sao. Tôi chỉ nhớ, và đó là sự kiện đầu tiên trong đời tôi còn nhớ được rằng mẹ tôi đã nói với tôi: “Thế là con không còn ba nữa!”. Tất cả mọi người ra khỏi căn phòng của người quá cố, nhưng tôi nằng nặc xin ở lại. Mẹ tôi bưng ra khỏi phòng một cái rổ trong đó có mấy quả trứng. Người đau khổ gọi tôi: “Gioan, con ơi, hãy lại đây với mẹ”. Tôi đáp: “Nếu ba không đến, con cũng không đi với mẹ”. Mẹ tôi lặp lại: “Tội nghiệp con tôi quá! Con đến đây với mẹ; con không còn ba nữa”. Nói xong, người khóc nức nở, cầm lấy tay tôi và kéo ra ngoài, tôi cũng khóc vì thấy mẹ khóc. Đương nhiên vào tuổi đó, tôi chưa hiểu được sự bất hạnh to lớn của một đứa bé mất cha. Dầu vậy tôi vẫn luôn nhớ những lời này: “Thế là con không còn ba nữa”. Lúc bấy giờ tôi cũng nhớ người ta đã làm gì cho anh Antôn của tôi cũng quằn quại trong đau khổ.
* Mẹ Margherita là một bà mẹ kỳ diệu! Một cách tự nhiên bà thấy cần phải chuẩn bị và giáo dục con bà biết đối phó với những khó khăn và thử thách của cuộc sống. Phải dạy chúng biết rằng trong cuộc sống, chúng sẽ cảm nếm nỗi khổ cũng như niềm vui. Từ thời Ađam và Eva, loài người của mọi thế hệ đều phải chăm sóc kẻ ốm đau và chôn cất người qua đời.
Thông thường cha mẹ và nhà giáo dục chỉ cho trẻ em thấy những khía cạnh đẹp của cuộc sống. Do đó khi một vài em bỏ học bởi nhận ra rằng để học cần phải chịu khó; khi người lớn bỏ việc vì khó khăn và phiền toái: khi vợ chồng đoạn hôn vì khám phá ra rằng tuần trăng mật của thời gian đầu chỉ là tạm bợ, thì hỏi có gì đáng ngạc nhiên? Chúng bị lường gạt; chúng không được chuẩn bị một chút nào để có những năng lực nội tâm thích hợp hầu có thể chống trả những ảo tưởng không thể tránh được.
Xin cống hiến quí vị năm gợi ý được rút ra từ cuộc sống:
* Hãy nói thật với trẻ em. Hãy nói cho chúng biết rằng ngoài niềm vui cũng có đau khổ; ngoài hạnh phúc cũng có nỗi bất hạnh; đừng giấu trẻ điều này; cũng như trong các mùa, mùa thu và mùa đông sẽ luân chuyển với mùa xuân và mùa hè.
* Hãy kịp thời dạy cho trẻ em biết một vài đau khổ của cuộc sống; nhưng đồng thời, cũng hãy cống hiến cho chúng một nền tảng tôn giáo để có thể chịu đựng những đau khổ đó. Ông Manzoni nói: “Chắc chắn sẽ có những đau khổ. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ khuấy đục niềm vui của con cái Ngài, nếu không phải để chuẩn bị cho họ một niềm vui chắc chắn và to lớn hơn”. Tất cả chúng ta, lúc này hay lúc khác, đều phải đau khổ khi có người thân qua đời; vậy mà người ta lại tìm cách che dấu trẻ em thực tại của sự chết. Mẹ Margherita đã không làm như thế với cậu bé Gioan của bà.
* Hãy động viên và nâng đỡ để trẻ em có thể đương đầu với những biến cố khó chịu. Nếu có thể, quí vị hãy là người nâng đỡ chúng nhờ sự cảm thông và lòng thương mến của quí vị; hãy dẫn chúng đến với Chúa để nghỉ ngơi, vì Chúa Giêsu đã phán: “Hỡi tất cả những ai đang đau khổ và mệt nhọc, hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho”.
* Không cho phép trẻ em trốn tránh những điều phiền toái và đau khổ. Đối với trẻ em, một điều khó chịu có thể là cuộc gặp gỡ với nha sĩ hay giờ lớp ở trường mà em đã không được chuẩn bị. Trẻ em có khuynh hướng trốn tránh những điều đó, kể cả trốn học. Trong những trường hợp khác, có thể xảy ra những điều nghiêm trọng hơn. Một học sinh đã không đến lớp để tránh điểm xấu. Khi biết được điều đó, bà mẹ nên nói với em: “Làm như vậy không được đâu con. Con phải tới lớp và đừng tìm cách chữa lỗi cho điều con đã làm”. Em đó đã không muốn nói tất cả cho thầy giáo, nhưng bà mẹ phải dẫn em tới trường, đừng để mình bị mềm lòng. Đang khi đi đường, bà có thể cắt nghĩa cho em hiểu rằng, dù đã trốn học, em cũng chưa phải là học sinh xấu và thầy giáo sẽ hiểu em. Khi gặp thầy giáo, bà mẹ cầm lấy vai đứa con mình đang khi em ấp úng xin lỗi và kể lại mọi sự.
* Hãy nói sự thật cho trẻ kể cả khi đó là sự thật phũ phàng. Một ông bố thích tiêu xài và chi tiêu thoải mái cho cô con gái nhỏ của mình. Tới ngày công việc làm ăn bắt đầu thua lỗ, ông vẫn giấu không cho cô biết, mặc dù cô đã đến tuổi để có thể hiểu được. Vì thế cô cứ tiếp tục phung phí tiền bạc. Khi lập gia đình, cô đòi tổ chức một lễ cưới lộng lẫy đến độ ông bố, vì khả năng không cho phép, đã phải vỡ nợ và chết. Nhiều năm sau, cô gái ấy tuyên bố: “Nếu cha tôi đã nói sự thật cho tôi, tôi đã trở nên một đứa con tốt hơn và cũng trở nên một người vợ hiểu biết hơn. Trái lại, khi chồng tôi nói với tôi là phải tiết kiệm, tôi giận dữ và cho đó là một thói xấu. Nếu tôi đã biết được sự thật, tôi đã có thể làm cho cuộc sống nên dễ dàng hơn cho cha tôi và sau đó cho chồng tôi”.
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB