HÃY NÓI NHỎ VÀO TAI CÁC EM

Một lần kia, đang dùng bữa chiều, Don Bosco nghiêm nghị quay qua cha Ruffino nói nhỏ:

– Bên cạnh vòi nước ngoài sân, có hai em cần phải được lưu ý. Xin cha cho người ra bảo chúng về chơi chung với các bạn ngay.

Cha Ruffino nhờ một thầy hộ trực[1]. Thầy đi và trở lại cho biết:

– Thưa cha, không còn em nào ở bên vòi nước. Nhưng con có gặp hai em T.T. đang rời khỏi vòi nước. Con hỏi hai em làm gì ở đó thì chúng đáp: “Chúng con uống nước”.

Sau kinh chiều, cha Ruffino gọi hai em đó lại và hỏi:

– Hồi nãy các con đã làm gì vậy?

– Thưa cha, chúng con không làm gì cả

– Vậy, các con hãy đi với cha: Don Bosco đang chờ các con. Ngài muốn nói với các con một vài điều.

Và cha dẫn chúng tôi tới Don Bosco. Thánh nhân nhìn thẳng vào chúng một lúc lâu, rồi mới nói nhỏ vào tai chúng một lời. Mặt chúng đỏ như gấc; chúng xin lỗi vì những câu chuyện xấu chúng đã nói, rồi hứa với Don Bosco sẽ không tái phạm và sống tốt hơn.

Ở đây bài học Don Bosco dạy ta là: cha mẹ và nhà giáo dục tuyệt đối cần phải theo dõi sự phát triển của trẻ em. Toàn thể khoa sư phạm hệ tại ở chỗ đó.

Trước hết, cha mẹ cần hiểu rằng đã đến lúc sự phát triển của đứa con kéo theo nhiều thay đổi nơi em, họ phải lưu tâm sao cho các thay đổi này đều ở trong nhận thức của mình.

Tuy nhiên, trẻ em lại sợ sự phát triển của em bị ngăn chặn, nên em nghi ngờ mọi hành động của cha mẹ và nhà giáo dục. Vì thế, em càng khó bảo, ta càng không được sửa dạy em ngay tại chỗ; cần phải theo dõi em; nhưng đừng để em nhận ra. Hơn nữa, phải làm sao để được em tín nhiệm thì mới có thể can thiệp trên em được. Do đó, cha mẹ và con cái phải làm sao để có thể nói chuyện hầu cảm thông được với nhau. Don Bosco đã chinh phục được trẻ em cách kỳ diệu. Bí quyết của Ngài là “yêu trẻ em thôi chưa đủ, song còn phải làm cho chúng cảm thấy chúng được yêu mến”.

Không bao giờ bỏ qua một hành vi tốt hay xấu của trẻ em, nhưng phải theo dõi và cứu xét. Một trong những bổn phận của nhà giáo dục là biết khen hay khiển trách, thưởng hay phạt một cách công minh. Chỉ có như thế, các nhận xét, lời khen hay khiển trách mới có hiệu quả, đánh động lòng trẻ và làm cho chúng hoán cải.

Mới đây, một cụ già ở Milano kể lại rằng cụ đã được đánh động bởi câu nói của ông Arturô Toscanini, một nhạc trưởng vĩ đại: trong cuộc gặp gỡ thân hữu, sau khi nói về cha mẹ và gia đình, ông Toscanini đột nhiên hỏi những người hiện diện:

– Các bạn thân mến, nếu có thể ban cho con cái một món quà, các bạn sẽ cho cái gì?

Người trả lời cái này, kẻ trả lời cái kia, nhưng Toscanini làm cho mọi người phải ngạc nhiên khi ông nói:

– Tôi sẽ ban cho con tôi sự hứng khởi và mỗi ngày thủ thỉ một lời khuyên vào tai nó.

________________

[1] Thầy hộ trực: người sống với học sinh, theo sát chúng để hướng dẫn, giáo dục và nâng đỡ.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


Visited 1 times, 1 visit(s) today