Gioan Bosco là một cậu bé linh hoạt. Một ngày kia, mẹ đi vắng, cậu ở nhà một mình. Cậu muốn lấy một vật trên nóc tủ, nhưng với không tới. Làm thế nào đây? Suy tính, cậu đặt một cái ghế bên cạnh, leo lên, ưỡn người và với tay. Khuỷu tay cậu đụng vào bình dầu, nó rơi xoảng: bình bể và dầu chảy lênh láng. Mẹ sẽ nói gì đây? Tốt hơn là phi tang. Cậu liền nhảy xuống ghế và quét dọn để xóa ngay mọi dấu vết. Không thể được; vết dầu càng lan rộng. Làm sao bây giờ? Cậu bị giằng co trong lương tâm: nói hay không nói? Thành thật với chính mình và với mẹ hay là không?
Gioan đã quyết định: cậu lấy một con dao, ra ngoài, đi qua sân đập lúa, tới hàng rào, chọn một cành cây, chặt xuống, rọc lá và chuốt thành một cái roi.
Khi mẹ về, Gioan chạy ra đón trước:
– Mẹ ơi, mẹ đi đường có bình an không?
– Bình an! Còn con cưng của mẹ có ngoan không?
Cậu đưa cành cây cho mẹ:
– Mẹ nhìn đây thì biết.
– Con làm cái gì vậy?
Một cách thẳng thắn và thành thật, cậu bé đơn sơ đáp:
– Con làm bể cái bình dầu rồi. Có sẵn roi đây, mẹ khỏi đi tìm. Nói xong, cậu cúi đầu đứng lặng. Làm thế nào người ta có thể phạt một trẻ em thành thật như thế? Bà Margherita đã tha thứ cho cậu.
Cậu bé Gioan thành thật với mẹ, nhờ đã biết thành thật với chính mình. Thành thật với chính mình không dễ. Phải làm sao để tập được sự lương thiện và thẳng thắn với chính mình? Một nhà tâm lý khuyên: “Hãy tập cho biết cười giễu chính mình. Bạn có thể cười giễu chính mình và cười thực sự, cách thành thực không? Nếu được như thế, chắc chắn bạn sẽ thành thật được với chính bạn, và không tự lấp liếm điều gì”.
* Nhờ thành thật với chính mình, trẻ em sẽ đối diện với cuộc đời cách cương quyết và sẽ dấn thân đến cùng. Muốn vậy, chúng ta là những nhà giáo dục, phải biết thành thật với chính mình trước đã. Một nhà tâm lý khác khuyên: “Hãy tự hỏi: đâu là biến cố âm hưởng mạnh nhất trên đời tôi? Có phải bệnh tật hay cái chết của người thân? Tiếp đến, hãy tự hỏi: có bao giờ tôi quên nghĩ tới điều có ý nghĩa thực sự cho cuộc đời tôi không? Nếu câu trả lời là không, thì điều chắc chắn là bạn đang sống mà không bao giờ suy nghĩ, bạn qua những ngày sống với cái đầu trống rỗng, và bạn không hoàn toàn thành thật với chính mình. Bạn sợ mình”.
* Thành thật với chính mình không chỉ là một bí quyết để thành công, nhưng còn là một cách sống. Nó được mệnh danh bằng một tên gọi tuyệt vời là “cái Tôi cởi mở”. Tuy nhiên, thành thật với mình không phải là để nản lòng. Sự thành thật đúng nghĩa đòi phải biết cả điều dở lẫn điều hay của mình. Phải biết nhìn nhận khuyết điểm đồng thời cũng phải biết rằng mình có khả năng phục thiện.
* Sự thành thật với chính mình giúp ta chấp nhận con người mình trong những giới hạn và yếu đuối và quan trọng hơn nữa, nó còn giúp ta biết chấp nhận người khác. Người ta trao một lớp học sinh vô kỷ luật và bất trị cho một cô giáo hiền lành và nhút nhát. Trong lớp đó có một học sinh cá biệt tên là Dũng, 14 tuổi, hay trốn tránh các công việc nhà trường. Một chiều nọ, sau giờ lớp, cô giáo giữ nó lại và hỏi tại sao nó hay gây lộn xộn trong lớp. Nó nhìn cô giáo cách bất cần, nhưng rồi đã trả lời: “Vì em thích làm như thế”.
Cô giáo thở dài: “Cô hiểu em. Cô luôn sợ những học sinh như em. Tuy nhiên, cô muốn giúp em. Em có muốn ai làm điều tốt cho em và giúp em nên tốt không?”
Trước sự ngạc nhiên của cô giáo, đứa học sinh ngỗ nghịch đã kể cho cô những đau khổ, nghèo túng và cô đơn thầm kín của nó. Nó đã bị khuất phục.
Don Bosco thường nói: “Không thành thật và không thẳng thắn với chính mình và với Thiên Chúa, đó là sợi dây thừng của ma quỉ”.
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB