HÃY DẠY TRẺ EM BIẾT THA THỨ

Giuse Brosio là một thiếu niên rất yêu mến Don Bosco. Một Chúa Nhật nọ, cậu nhận thấy Don Bosco không có trong sân chơi. Lạ thật! Cậu liền đi tìm ngài ở khắp mọi ngóc ngách trong nhà. Tìm đi, tìm lại nhiều lần, sau cùng cậu tìm thấy ngài ở trong một căn phòng; ngài đang buồn, buồn đến phát khóc. Cậu mau mắn hỏi ngài:

– Thưa cha, có chuyện gì xảy ra vậy?

Don Bosco im lặng, chìm ngập trong đau khổ. Cậu lại hỏi tiếp, bởi muốn biết vì đâu mà ngài phải đau khổ dữ dằn như vậy. Sau cùng, Don Bosco đã nói:

– Một trong các học sinh đã lăng mạ và sỉ nhục cha. Phần cha, cha không chấp nhất điều ấy. Nhưng điều tệ hại là em đang đi trên con đường xấu và ai biết rồi em sẽ kết thúc như thế nào.

Brosio cảm thấy bị xúc phạm. Cậu vung tay với vẻ tức giận và đoan chắc với Don Bosco là cậu sẽ tìm cách trả thù cho ngài. Don Bosco chăm chú nhìn cậu và nói:

– Con muốn trả thù cho cha, phải không? Con có lý; nhưng với một điều kiện: chúng ta sẽ cùng nhau trả thù. Thế nào, con có chịu không?

– Thưa cha, chịu.

– Vậy, con đi với cha.

Ngài liền dẫn cậu tới nhà thờ để cầu nguyện cho đứa học sinh hỗn láo đã xúc phạm tới ngài.

Sau này Brosio nhớ lại: “Tôi tin chắc Don Bosco đã cầu nguyện cho cả tôi nữa, vì trong lúc đó tôi cảm thấy mình trở nên một người khác, tôi dã thật sự thay đổi. Sự tức giận đối với học sinh ấy đã chuyển thành sự tha thứ”.

Don Bosco thường khuyên như sau: “Các con hãy nhớ rằng tha thứ có nghĩa là quên đi mãi mãi”. “Nếu các con muốn nhận được nhiều, nơi học sinh của các con, các con đừng bao giờ tỏ ra giận dỗi đối với bất cứ em nào. Hãy luôn tha thứ”.

Có một cái gì linh thiêng và huyền diệu trong sự tha thứ, vì tha thứ có thể giải hòa điều mà người ta cho là tuyệt đối không thể giải hòa được.

* Sự tha thứ là tột đỉnh của đức ái. Nếu đức ái la một hồng ân, thì sự tha thứ là hồng ân lớn gấp bội. Nó là một hồng ân cứu rỗi. Tâm lý học hiện đại dạy rằng khả năng tha thứ và tiếp nhận sự tha thứ là dấu chỉ một tính khí rất quân bình.

* Thật khó có thể tránh được một ngày mà không có ai làm ta bực mình, chạm đến lòng tự ái của ta, lợi dụng hay lạm dụng ta, tỏ ra khinh dể hay vô ơn đối với ta. Thông thường, những xúc phạm nhỏ bé cũng có thể chịu đựng được; nhưng khi trở nên thường xuyên hoặc nghiêm trọng, chúng có thể gây nên nơi chúng ta một ý muốn mù quáng là lấy điều ác báo trả điều ác. Không biết tha thứ, sự xúc phạm sẽ sinh ra sự xúc phạm và sự trả thù sẽ đưa tới việc tiêu diệt lẫn nhau. Phải chuẩn bị cho trẻ em nắm được những kinh nghiệm cam go ấy của cuộc sống và dạy chúng phải biết tha thứ. Phải tha thứ mấy lần? Có phải bảy lần? Chúa Giêsu trả lời: “bảy mươi lần bảy, nghĩa là cho tới vô tận”.

* Tha thứ không chỉ là một hành vi bác ái, mà còn mang lại cho chúng ta hai cái lợi: vừa giúp thứ tha vừa làm cho ta được tha thứ. Vì thế, mỗi người cần tự mình chứng nghiệm một trong những nghịch lý của bản tính nhân loại được Đức Kitô cứu chuộc: đó là chúng ta càng mau mắn tha thứ bao nhiêu thì càng ít được kêu gọi tha thứ bấy nhiêu. Cha Keller, người sáng lập phong trào “Cristofoci” (những người mang Chúa Kitô), đã khuyên: “Hãy tập cho con em của quí vị ngay từ nhỏ đã biết tha thứ cho mỗi sơ xuất không đáng kể. Chúng cũng cần được tha thứ, nhất là từ phía người lớn. Tôi thiết nghĩ rằng khi các bạn trẻ cưới nhau trước bàn thờ, ngoài sự chung thủy và tình yêu, họ còn phải hứa tha thứ cho nhau. Sự tha thứ cho nhau sẽ cứu được rất nhiều đôi vợ chồng và làm cho họ được hạnh phúc.

* Muốn biết tha thứ, trước hết cần phải cầu nguyện. Không có cầu nguyện, người ta sẽ luôn cay đắng nhớ tới những xúc phạm người khác đã gây ra. Sự cầu nguyện sẽ rút hết nọc độc còn sót lại trong tư tưởng. Cha mẹ và nhà giáo phải dạy cho trẻ em bí quyết này. Một nhà giáo dục đã viết: “Bạn muốn trả thù ư? Hãy cầu nguyện cho người đã xúc phạm tới bạn. Chỉ cần đọc một kinh Kính mừng. Nó giống như nhỏ một ít dầu vào nước sôi của cơn nóng giận. Mọi sự sẽ êm dịu ngay”.

Don Bosco đã nói với Giuse Brosio: “Con muốn trả thù cho cha, phải không? Con có lý. Hãy đi với cha!” Và ngài dẫn cậu tới nhà thờ cầu nguyện.

“Tha thứ có nghĩa là quên đi mãi mãi”. (Don Bosco)

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


 

Visited 3 times, 1 visit(s) today