Có lẽ nhiều người không còn lạ với hình ảnh của Mẹ Teresa Calcutta: một phụ nữ vóc dáng nhỏ bé, dịu dàng nhưng cương quyết, mạnh mẽ. Ngày 10 tháng 9 năm 1979, sau khi nhận giải thưởng Nobel hoà bình, mẹ đến thăm các nữ tu của dòng tại Roma. Có đông đảo các phóng viên và nhà báo hiện diện trong buổi viếng thăm của mẹ.
Một phóng viên nọ đặt một câu hỏi khó cho mẹ: “Thưa mẹ, mẹ bây giờ đã 70 tuổi. Chắc rằng khi mẹ qua đời thì thế giới này cũng sẽ trở lại như trước thôi. Theo mẹ, đâu là giá trị thay đổi mẹ đem lại sau những lao nhọc quá đỗi của mẹ?”
Mẹ Teresa đáp: “Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ có thể thay đổi thế giới. Tôi chỉ cố gắng trở nên một giọt nước trong lành nơi đại dương, để làm lan toả tình yêu Chúa cho mọi người. Đó không là điều lớn lao sao?”. Người phóng viên còn đang chìm lặng trong câu trả lời của mẹ, bất chợt mẹ nhìn anh và hỏi: “Anh có vợ không?”. Anh trả lời: “Thưa có ạ!”. Mẹ nói: “Anh nói với vợ của anh là hãy trở nên một giọt nước trong lành!”. Rồi mẹ hỏi tiếp: “Anh có con không?”. Anh trả lời: “Dạ thưa con có ba cháu ạ!”. Mẹ nói: “Anh hãy nói với các con anh trở nên những giọt nước trong lành. Như thế, tôi, anh, vợ anh và ba con của anh, chúng ta làm nên 6 giọt nước trong lành”.
Lối trả lời duyên dáng và thẳng thắn của mẹ chuyển đến cho chúng ta một thông điệp: Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi người cố gắng trở nên một giọt nước trong lành cho thế giới.
Và tôi đã bắt gặp được một “giọt nước trong lành” trong đời sống thường ngày. Đó là thày Võ Phá, người đã từng cống hiến những bài viết giáo dục trong Chuyên đề Giáo dục Don Bosco.
Ngày 23 tháng 2 năm 2016, nhận được tin báo của gia đình về việc ra đi của thày, ai cũng bỡ ngỡ. Nhưng sự bỡ ngỡ càng tăng lên khi chứng kiến dòng người đông đảo đến viếng thăm di hài của thày. Đến viếng thầy, hầu hết là các học trò, những người đã lãnh hội được sự giáo dục của thày, mà hôm nay có những người đã trên 60 tuổi, làm việc trong nhiều lãnh vực và sống trong nhiều vùng địa lý khác nhau. Tất cả đều trở về thắp một nén hương, tỏ lòng biết ơn thầy.
Những ngày phục tang thầy tuy đông nhưng bầu khí thật êm dịu, thanh tịnh, trầm lắng như chính cuộc sống hiền hậu của thày.Trong 80 năm sống trên dương thế, thày dâng hiến phần lớn đời sống trong vai trò của người thày. Thày đã sống như một giọt nước trong lành với thiên chức của nhà giáo dục, tận tâm với học trò, thanh bạch trong lối sống, nhân bản trong giáo dục. Kỷ niệm giáo dục của thày không thiếu những giai thoại nói đến sự thông cảm, giúp đỡ và bênh vực học trò. Chị Thu Trang, con gái của thầy còn nhắc lại câu chuyện đầy cảm động, đó là vào những ngày cuối đời, khi ở trong bệnh viện, thầy vẫn còn hỏi chị về thời gian nột bài cho Chuyên đề số 41, và trong computer của thầy, vẫn còn mở ngỏ trang viết cho chuyên đề, với tên của đề tài thầy muốn viết.
Cuộc đời lớn nhưng thầy sống rất giản dị, rất đúng giờ và hết sức trách nhiệm trong bổn phận. Tâm nguyện của thầy dành trọn cho học sinh, được tiếp tục ngay cả khi thầy nằm xuống: Toàn số tiền phúng viếng trong tang lễ của thầy được gởi đến các học sinh nghèo.
Không chỉ sống như một giọt nước trong lành, thầy còn uốn nắn để mọi học trò cũng sống như những giọt nước trong lành trong thế giới. Tôi nghĩ, đây chính là tâm nguyện lớn nhất của thày. Và tôi tin, lúc này, đại dương thế giới được trở nên trong lành hơn nhờ những giọt nước trong lành, là chính đời sống của thày và những ảnh hưởng tốt mà thầy không ngừng gieo trong các tâm hồn.
Mong có một ngày thế giới đẹp nhờ sự góp phần của những giọt nước trong lành.
Bài viết: Ngọc Yến, FMA