Gioan Bosco và tình yêu đối với tha nhân

Cuộc đời của Cha Thánh Bosco là một chuỗi ngày sống trong lao tác khó nhọc vì các thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi. Nhiều người chất vấn Cha Bosco là tại sao ngài lại phải lao khổ đến thế? Tại sao ngài không nghỉ ngơi cho khoẻ mà lại phải để mình phải dính líu đến những đứa trẻ thiếu giáo dục và nghèo khổ?

Có nhiều lý do và nhiều câu trả lời, nhưng một trong những lý do đó là tình yêu đối với tha nhân mà ngài đã được giáo dục từ người mẹ thánh, mà sau này ngài đã phát biểu như một xác tín: “Chúng ta được đặt trong thế gian này vì người khác”. Sau đây là một giai thoại dễ thương về tình yêu đối với tha nhân nơi Gioan Bosco.

BÁNH MÌ TRẮNG VÀ BÁNH MÌ ĐEN

Để phụ giúp công việc với mẹ, Gioan thường dắt bò đi ăn trên những cánh đồng cỏ. Thường ngày, cậu gặp một cậu bé trạc tuổi cậu cũng đi chăn bò, cậu ấy tên là Secondo Matta. Mỗi buổi sáng, cậu bé này từ trên đồi xuống bãi cỏ, dắt theo con bò của ông chủ. Bữa điểm tâm của cậu luôn là một ổ bánh mì đen, là thứ bánh mì khô khó nuốt, làm bằng thứ bột xấu. Ngược lại, Gioan được mẹ chuẩn bị cho một ổ bánh mì trắng tinh, mềm mại, thơm ngon.

Ngày nọ, Gioan nói với bạn:

  • Secondo, bạn có thể giúp mình một điều không?
  • Được chứ! Cứ nói đi.
  • Chúng mình trao đổi nhé! Bạn đưa mình ổ bánh mì đen, còn mình sẽ đưa bạn ổ bánh mì trắng.
  • Tại sao thế?
  • Vì bánh mì của bạn ngon hơn bánh mì của mình! Vả lại, mình thích ăn bánh mì đen.

Vì còn là một đứa trẻ ngây thơ nên Secondo nghĩ đúng là thế. Cậu bé chấp nhận đổi bánh mì đen vì cho rằng mình đã làm một hy sinh, và cậu cũng thích ăn bánh mì trắng này nữa.

Từ đó, trong suốt hai năm cùng đi chăn bò, hai đứa trẻ đều vui vẻ gặp nhau trên đồng cỏ và trao đổi bánh mì cho nhau.

Nhiều năm sau, khi Secondo đã lớn, ông nhớ về những kỷ niệm này và thường kể lại cho các cháu nghe câu chuyện tuổi thơ này, một trong các cháu của ông đã trở thành một linh mục Sa-lê-diêng. Ông nói bây giờ ông mới hiểu lý do mà Don Bosco đổi bánh cho ông: đó chính là tình yêu mà ngài có dành cho người khác, cho dù lúc ấy ngài mới chỉ là cậu bé Gioan.

Chúng ta suy nghĩ…

  • Gioan kiếm được gì từ việc đổi bánh mì cho bạn? Tại sao cậu lại làm chuyện ấy?
  • Gioan cũng có thể giúp đỡ cậu bé Secondo bằng cách khác. Bạn hình dung xem thế nào? Bạn hãy lấy một vài ví dụ.
  • Có bao giờ xảy ra việc bạn giúp đỡ một bạn trẻ nào không? Nếu có thì bạn đã giúp họ cách nào?

 

Visited 6 times, 1 visit(s) today