Đã có lúc hình như Kitô giáo được mọi người đồng nghĩa với u buồn, bi quan khi nhìn vào một Kitô giáo Tây phương như mất sức sống. Tuy nhiên, từ ngày Đức Giáo hoàng Phanxicô lãnh trách nhiệm lèo lái Giáo hội, thế giới như thể chứng kiến một sự hồi sinh nào đó. Niềm vui lại tràn ngập. Thái độ lạc quan của đức tin được thắp sáng, được canh tân. Đó là thái độ lạc quan của một giáo hội sẵn sàng bị bầm dập để phục vụ con người hơn là một giáo hội trang nhã và bóng bảy trước nhân loại. Đó là một Giáo hội sung sướng tiêu hao chính mình vì hạnh phúc đích thực ngay cả của những kẻ bách hại mình, bởi thâm tín Thiên Chúa không mỏi mệt để tha thứ cho con người, và con người không thể nào dẹp yên khát vọng về Thiên Chúa nơi chính mình. Dấu vết và gánh nặng của thời gian vẫn còn đó, nhưng Giáo hội luôn trẻ trung và lạc quan vì ân sủng không chào thua sự cứng cỏi của con người và con người luôn đi tìm chân lý, bình an và thiện hảo.
Đức Giáo hoàng Phanxicô cho thấy thái độ lạc quan của đức tin đến từ tình mến dành cho Thiên Chúa. Yêu mến đi liền với hạnh phúc. Tông huấn Niềm vui Tin mừng nói rõ điều này: Giáo hội được Thiên Chúa yêu mến quá đỗi và đến lượt mình Giáo hội hạnh phúc vì yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự trong sự chân thành của mình. Giáo hội là tội nhân được xót thương. Như Thánh Augustinô nói rằng trong tình yêu không có đau khổ. Mà giả như có đau khổ đi nữa thì họ yêu mến luôn cả đau khổ. Đúng là thế. Có người mẹ, người cha nào mến thương con cái hết lòng mà lại cảm thấy nặng nhọc kiếm tìm từng bữa cơm ngon cũng như học vấn cho con mình đâu?
Khởi từ tình yêu như thế, Giáo hội không thể hạnh phúc vì được thống trị. Ích kỷ không bao giờ mang đến hạnh phúc. Nó luôn giết chết hạt mầm lạc quan nơi lòng người. Đức Giáo hoàng nói rõ “Ý muốn quyền lực và sở hữu thì bất tận”; nó chỉ dẫn đến bạo tàn, ung thối và ích kỷ, nói tắt, ngõ cụt mà thôi. Niềm vui tin tưởng vào con người theo nhãn quan Tin mừng không đi chung với những cách thả lỏng của thế gian duy tục. Khi chối từ đích điểm cao cả, con người sẽ bước đi trong thế giới như người lữ hành vô vọng.
Để được điều này, Đức Giáo hoàng cho thấy giáo dục phải là thiết yếu. Tự bản tính, con người luôn ích kỷ. Tin mừng có giá trị giáo dục, vì nhắm đến thay đổi con người tận bên trong, tận sâu thẳm. Giáo dục để yêu thương và giáo dục trong niềm vui đi liền với nhau. Tình yêu hạnh phúc khi hy sinh và hy sinh tăng trưởng niềm hạnh phúc trong yêu thương. Đức Giáo hoàng chỉ ra rằng giáo dục tới niềm vui đích thực sẽ phải luôn đi nghịch lại tiêu chuẩn “con người thành thước đo của mọi sự”, một tiêu chuẩn chỉ giảm hạ nhân vị tới độ thất vọng. Dấu chứng quan trọng nhất về sự mất mát này là sự cô độc, nền văn minh của chán chường, trong xã hội hôm nay. Con người như một ‘kẻ xa lạ’ trong một vũ trụ ngẫu nhiên, nhìn tha nhân như những kẻ ngẫu nhiên sống cạnh nhau mà thôi. Chính vì thế, phải giáo dục người trẻ tới tình liên đới; thế gian từng coi tình liên đới như thể một sự khó chịu, nó tương đối hóa tiền tài và quyền lực; nó là một sự đe dọa bởi vì nó chống lại việc thao túng lèo lái và bắt con người lụy phục.” Càng làm cho con người thỏa mãn ý riêng mình, ta sẽ chỉ thấy được một người chán chường và kinh sợ. Một nền giáo dục chỉ đề cao bản thân mình sẽ tìm cách giữ lấy mình bằng súng ống, đạn dược và bạo lực mà thôi. Theo ánh sáng này, Đức Giáo hoàng nói: “Chúng ta không được bỏ mặc giới trẻ, hay bỏ mặc chúng bên đường; chúng rất cần cảm thấy có giá tri trong phẩm giá, được vây bọc bởi tình yêu và được cảm thông, hiểu biết”.
Rốt cục, giáo dục sống lạc quan sẽ giúp người trẻ biết rằng “Đức Kitô không phải là một nhân vật trong tiểu thuyết, song là một ngôi vị sống động, một ngôi vị muốn chung chia ước muốn không dập tắt nổi của họ trước sự sống, cam kết và tận hiến. Nếu nhà giáo dục chỉ hài lòng và dừng lại với việc cống hiến cho họ sự tiện nghi an nhàn nhân loại, những miếng cơm canh ngon miệng, ngay cả kiến thức phức tạp và hiệu quả, nhà giáo dục chỉ khoét sâu hố thất vọng cho họ mà thôi. Cống hiến cho chúng điều tốt nhất chúng ta có là Đức Giêsu Kitô, Tin mừng ngài, quả là quan trọng hàng đầu, bởi lẽ chính Ngài mới là cội nguồn của hy vọng và lạc quan. Rồi cùng với ngài, cả một chân trời mới, chân trời làm người trẻ có thể đối diện cuộc đời với sự nhất quán, ngay thẳng và cao thượng.”
Những hướng dẫn này cần phải được khắc sâu vào những nhà giáo dục đầy thiện chí, muốn tiêu hao chính mình cho sự thiện hảo của quê hương đất nước. Nhờ đó, chúng ta tạo được niềm vui của tín nhiệm và yêu thương trong các môi trường giáo dục.
Văn Am, SDB