GIÁO DỤC TIỀN HÔN NHÂN – MỘT ĐỊNH HƯỚNG TỪ TRUYỀN THỐNG CHO HIỆN ĐẠI

 

Hôn nhân và gia đình hiện nay tại Việt Nam đã và đang là vấn đề xã hội gặp nhiều khủng hoảng. Khủng hoảng lớn nhất mà xã hội Việt Nam đang phải đối diện chính là hiện tượng ly dị ngày càng tăng. Luật hôn nhân gia đình Việt Nam cho phép ly dị; nhưng điều đó không hoàn toàn có nghĩa là luật ủng hộ việc làm này.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Người ta có thể nhận dạng được rằng: đa số thanh niên hiện nay không được chuẩn bị để bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Thế nhưng, một vài phản biện cũng đang được đặt ra: liệu đó có phải là nguyên nhân chính, khi mà trước đây, các thế hệ trưởng thành đã không được chuẩn bị gì nhưng hôn nhân của họ vẫn bền vững? Hoặc việc giáo dục tiền hôn nhân được chuẩn bị khá kỹ lưỡng nơi những người Công giáo nhưng họ vẫn phá luật cấm ly dị?

Đúng, những thế hệ trước đây không hề được giáo dục tiền hôn nhân theo đúng nghĩa của những khoá học. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ đã không được học. Hôn nhân gia đình, theo truyền thống Việt Nam, có một giai đoạn khá quan trọng: thời kỳ đính hôn. Chính trong giai đoạn này, các thế hệ trước đã trải qua một quá trình tự đào luyện khá nghiêm túc. Trong khi đó, giai đoạn này đang mất dần trong nhiều cuộc hôn nhân hiện đại với lý do tiện lợi hơn về thời gian.

Trong phạm vi bài viết này, với kinh nghiệm tư vấn và giáo dục tiền hôn nhân trong nhiều năm, chúng tôi xin được góp bàn một định hướng cho công việc này khởi đi từ truyền thống của gia đình Việt Nam.

Trước hết, có thể nói, giai đoạn tiền hôn nhân – thời kỳ đính hôn chính là thời kỳ để học đối thoại. Trong giai đoạn đính hôn xưa, vì chưa có dịp để tìm hiểu nhau trước đó, những người chuẩn bị kết hôn thường gặp nhau tại gia đình bên nữ để trò chuyện nhằm tìm hiểu nhau, bàn luận với nhau nhiều chuyện về tương lai của gia đình sắp thiết lập như: vấn đề kinh tế, nơi ăn chốn ở, con cái… Chính trong khung cảnh gia đình, họ thường phải chịu sự kiểm soát rất gắt gao của cha mẹ, anh em. Vì thế, họ đã phải tập cho mình khả năng biết làm chủ cảm xúc trong đối thoại ngay từ những ngày chuẩn bị. Bên cạnh việc đối thoại về những vấn đề chung, đây cũng là giai đoạn họ bắt đầu nói cho nhau về bản thân mình: tôi là ai? Nhờ đó, mỗi bên bắt đầu có khả năng nhận dạng về “người phối ngẫu” của mình.

Với thời hiện đại, việc đối thoại đã và đang được bàn đến ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Trong đời sống hôn nhân và gia đình, những mâu thuẫn nảy sinh giữa những cá nhân là điều tất yếu. Tự bản chất, mâu thuẫn không phải là điều xấu, tiêu cực; nhưng trái lại, nó còn là động lực để phát triển. Vấn đề là mỗi cá nhân sẽ chọn lựa giải pháp như thế nào để xử lý những mâu thuẫn xảy ra. Kết quả nghiên cứu [1] năm 2001 cho thấy, những đôi vợ chồng càng dành nhiều thời gian để trò chuyện với nhau, họ càng ít gặp những mâu thuẫn trong đời sống chung, và ngược lại.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, các bạn trẻ đang yêu thường xuyên gặp nhau, nhưng rất ít khi học trao đổi với nhau về những vấn đề của tương lai đời sống gia đình của mình. Học kỹ năng đối thoại phải là một trong những chuyên mục ưu tiên cho quá trình chuẩn bị tiền hôn nhân. Đối thoại trong đời sống gia đình mang một đặc tính rất đặc thù : tình yêu. Vì thế, bên cạnh việc học đối thoại, các bạn trẻ cần học cho biết thế nào là tình yêu đích thực. Theo Erich Fromm, tình yêu đích thực là một nghệ thuật. Nghệ thuật đúng nghĩa phải mang tính sáng tạo. Sáng tạo trong tình yêu cũng là con đường của giáo dục. Từ “giáo dục” trong tiếng Anh (education) và tiếng Pháp (éducation) có nguồn gốc từ gốc latin (edecere = kéo ra, rút ra và nâng lên). Sự trưởng thành tình yêu không tách rời sự trưởng thành về mặt cảm xúc. Vì thế, bên cạnh việc dạy cho người trẻ nhận dạng một tình yêu đích thực, họ còn cần được chuẩn bị kỹ năng để trưởng thành cảm xúc. Đó chính là khả năng nhận biết cảm xúc của mình và của người khác với tất cả nguyên nhân và hậu quả của nó; cũng như biết cách điều khiển và điều chỉnh những cảm xúc đó cách đúng đắn.

Dạy bài học tình yêu không thể thiếu bài học dạy cho người trẻ kỹ năng nhận biết mình và biết người. Vì đời sống hôn nhân gia đình không chỉ là hai người mà còn là cả một cộng đồng xã hội thu nhỏ. Nhiều thành viên khác nhau, với những tính cách khác nhau cùng sống chung với nhau trong một gia đình. Ngay cả khi với hình thái gia đình thời hiện đại, gia đình cũng ít nhất bao gồm cha mẹ và con cái luôn luôn khác biệt nhau về thế hệ. Thậm chí, chỉ riêng đôi vợ chồng, về mặt tâm lý, ở mỗi giai đoạn đời người cũng có những biến động ít ai hiểu thấu. Vì thế, việc chuẩn bị hôn nhân cũng không thể thiếu việc chuẩn bị những kiến thức về sự phát triển con người.

Kế đến, giai đoạn đính hôn cũng là giai đoạn học tính kiên nhẫn. Tính kiên nhẫn đầu tiên là sự kiên nhẫn trong giáo dục. Chính trong đối thoại, họ khám phá dần ra sự thật về nhau với những nét tương đồng và khác biệt trong tính cách mỗi cá nhân và thậm chí, cả tật xấu của nhau. Bởi thế, vì đã bắt đầu học làm chủ cảm xúc mà mỗi người đi vào tiến trình sửa lỗi cho nhau cách kiên trì hơn và tế nhị hơn. Đồng thời, họ cũng học được cách tha thứ cho nhau thay vì kết án và loại trừ nhau như nhiều cặp hôn nhân hiện nay.

Bên cạnh đó, dù trong khung cảnh gia đình, mối quan hệ nam nữ không thể tránh khỏi những rung động của những cảm xúc tính dục trong mỗi người. Nhờ thế, tính kiên nhẫn họ có thể học được là chính sự kiên nhẫn trong đời sống tình dục vợ chồng.

Thời kỳ công nghiệp được mệnh danh là thời sống nhanh. Điều đó cũng làm cho con người mất dần đi khả năng kiên nhẫn. Người ta sống “tốc độ” trong mọi lĩnh vực đời sống. Chính trong nền “văn hoá tốc độ” mà người ta luôn đi tìm kiếm những giá trị tức thời. Ngay cả trong hôn nhân gia đình, người ta cũng đi tìm kiếm những mối tương giao “tốc độ” như thế. Đó chính là lý do, nhiều bạn trẻ hôm nay, không đủ kiên nhẫn để chờ đợi trong hôn nhân : yêu vội, sống vội, cưới vội và cũng tan vỡ vội vàng.

Tình yêu – hôn nhân – gia đình không thể là những thực thể phát sinh bởi tốc độ. Nó được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển qua thời gian. Chỉ những ai có đủ kiên nhẫn, họ mới có thể đạt tới chiều kích đích thực của tình yêu viên mãn. Tự bản chất, tình yêu – hôn nhân – và gia đình vốn là một cuộc đợi chờ : người yêu chờ tới giờ hẹn, vợ chồng chờ nhau, cha mẹ chờ con cái sinh ra, lớn lên,… Chính trong chờ đợi mà người ta tiếp tục sống trong niềm hy vọng. Chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình không thể thiếu việc chuẩn bị kỹ năng sống kiên nhẫn và hy vọng. Bao lâu còn kiên nhẫn và còn hy vọng, người ta vẫn còn cố gắng để làm điều gì đó để đổi mới. Bao lâu mất đi sự kiên nhẫn và không còn hy vọng, người ta sẵn sàng bỏ lơ tất cả, kể cả người họ đã từng đoan hứa yêu thương, kể cả con cái họ đã nặng lòng sinh ra bởi tình yêu của họ. Thậm chí, những hành động bởi sự nóng vội thiếu kiên nhẫn thường dẫn đến thái độ từ chối trách nhiệm bản thân.

Hiện tượng nạo phá thai vô tội vạ đang là một trong những hệ quả của thứ văn hoá “vội vàng” này. Câu trả lời “không biết như thế!” thực ra chỉ là như một thứ ngụy biện cho kết qủa của lối sống “tốc độ”: thiếu làm chủ cảm xúc, thiếu kiên nhẫn đợi chờ, thiếu tinh thần trách nhiệm….

Trong tương giao sống, họ luôn trút lên nhau những lỗi lầm thay vì nhận biết trách nhiệm của mỗi cá nhân và học cách sống tha thứ cho nhau. Trong khi đó, hôn nhân và gia đình là một cuộc sống chung và chia sẻ tình yêu và trách nhiệm. Mỗi người không chỉ có trách nhiệm trên đời sống cá nhân mình, trên gia đình mình mà còn là cả trên người “phối ngẫu” cũng như con cái của mình nữa. Học kiên nhẫn và hy vọng trong hôn nhân cũng là học biết cách đảm nhận trách nhiệm của mình đối với gia đình và cộng đồng.

Hơn nữa, đính hôn còn là thời kỳ của chuẩn bị. Không chỉ là những cuộc đối thoại. Giai đoạn đính hôn chính là lúc cả hai người phải học chuẩn bị những hành trang cần thiết cho đời sống gia đình của họ. Họ phải chuẩn bị cho mình tài năng, sức khoẻ, công việc… cần thiết để có thể làm vợ, chồng và làm cha, mẹ. Việc chuẩn bị này không có được những trường lớp như chúng ta ở thời hiện đại nhưng những thế hệ trước lại được chuẩn bị khá nghiêm túc qua những giáo huấn của ông bà, cha mẹ… những người đi trước. Chẳng hạn, việc ông bà chuẩn bị những hình ảnh của các trẻ thơ bụ bẫm xinh đẹp treo trong phòng ngủ của đôi tân hôn, kinh nghiệm về việc “phạm phòng”… những vấn đề mà khoa y học, tâm lý và giáo dục học… ngày nay đã và đang tiếp tục đưa ra những lý lẽ giải thích mang đầy tính thuyết phục.

Với thời hiện đại, việc chuẩn bị của những bạn trẻ xem ra quá hời hợt. Nếu có thể so sánh, chúng ta dễ dàng nhận thấy, người ta mất ít nhất khoảng thời gian 1-2 năm để chuẩn bị cho mình một nghề nghiệp. Trong khi đó, họ lại dành quá ít thời gian cho việc chuẩn bị để làm vợ chồng, làm cha mẹ, làm ông bà… Đã tới lúc, việc giáo dục tiền hôn nhân phải giúp cho các bạn trẻ có những chuẩn bị tích cực cho công việc hệ trọng cả đời này. Những bạn trẻ cần được dạy những kỹ năng làm vợ chồng, làm cha mẹ, làm ông bà. Những kỹ năng đó bao gồm những khả năng:

  • Thích ứng và hoà hợp nhân cách giữa vợ chồng. Mỗi cá nhân là một khác biệt. Sự khác biệt này không phá vỡ nhưng làm cho đời sống của mỗi gia đình trở nên đa dạng và góp phần bổ túc làm hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Chỉ khi họ không có những hiểu biết và không có kỹ năng thích ứng, những khác biệt mới có nguy cơ phá vỡ mối tương giao gia đình.
  • Nhận dạng và biết cách xử lý những mâu thuẫn trong đời sống gia đình. Mâu thuẫn có dẫn đến những xung đột hay không tuỳ thuộc vào quá trình này. Chịu đựng lẫn nhau không phải là con đường dài lâu của hôn nhân gia đình. Nó cần phải được giải quyết một cách đúng đắn bằng những tiến trình khoa học và bằng con đường của tình yêu.
  • Biết những chu kỳ phát triển của gia đình với những niềm vui và nỗi buồn riêng của nó cũng như biết cách thực hiện chức năng riêng của vợ chồng, cha mẹ trong mỗi chu kỳ đời sống hôn nhân gia đình.
  • Khả năng sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Đối với các loài động vật, đây là vấn đề thuộc bản năng. Đối với con người, đó là kết quả của tình yêu và trách nhiệm. Vì thế, mỗi người cần được học để có thể làm tròn trách nhiệm này một cách nhân bản và khoa học.
  • Lập gia đình, theo đúng cách gọi của ông bà xưa, là đi vào tiến trình lập thân. Tiến trình này, trước đó, phải được đánh dấu bằng tiến trình lập nghiệp. Đó cũng là con đường để họ thi hành trách nhiệm vợ chồng, cha mẹ. Học chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân cũng là học con đường lập nghiệp.
  • Trách nhiệm với gia đình và xã hội, ngang qua việc hiểu biết những luật lệ cần thiết cũng không thể thiếu trong quá trình chuẩn bị này. Việc cung cấp cho các bạn trẻ những yếu tố cần thiết của luật cũng là điều không thể thiếu.

Cuối cùng, giai đoạn đính hôn phải là giai đoạn có những quyết định sáng suốt trong những chọn lựa. Đây là việc làm không hề có trong những cuộc hôn nhân truyền thống. Họ đã được “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Không thể có những thay đổi dù họ nhận ra được những vấn đề bất ổn của tương lai gia đình họ.

Tình yêu – hôn nhân và gia đình thời hiện đại đặt nền trên sự tự do và trách nhiệm. Tuy thế, nhiều bạn trẻ đã không có những quyết định một cách nghiêm túc và dứt khoát cho chuyện gia đình của họ. Giáo dục tiền hôn nhân phải giúp cho những người trẻ có khả năng quyết định này. Một quyết định chia tay trong dù ở thời điểm nào cũng là một quyết định khó khăn. Tuy thế, thời điểm chuẩn bị là lúc mà những quyết định rõ ràng và dứt khoát sẽ gây ít hậu quả nghiêm trọng nhất.

Tóm lại, giáo dục tiền hôn nhân cũng phải là một tiến trình giáo dục theo đúng nghĩa của nó trong sự phát triển nhân cách và cộng đồng. Vì thế, giáo dục tiền hôn nhân “không những phải cung cấp bản đồ của toàn cục (về gia đình)trong thế giới luôn náo động, vừa phải cung cấp la bàn để tìm đường đi trong đó”.

Nhiều trung tâm văn hóa và phần lớn các giáo xứ Công giáo đã và đang có những chuẩn bị tích cực cho tiến trình giáo dục này nhưng kết quả vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân có thể thấy được chính là ý thức của chính các bạn trẻ chưa cao cho quá trình chuẩn bị này. Đàng khác, hiện nay, những người có trách nhiệm vẫn đang chỉ cung cấp “bản đồ” hơn là cung cấp “la bàn”. Nói cách khác, người trẻ đang tiếp tục được nhồi nhét một mớ kiến thức về tình yêu – hôn nhân và gia đình hơn là dạy kỹ năng sống tình yêu – hôn nhân và gia đình một cách có hiểu biết và trách nhiệm.

Thích nghi và sáng tạo là hai phẩm chất quan trọng của con người trong mọi lĩnh vực đời sống của thời đại ngày nay. Nó đặc biệt cần thiết cho đời sống tình yêu – hôn nhân và gia đình. Đã tới lúc, cần mở rộng hơn những mô hình chuẩn bị giáo dục tiền hôn nhân cho các bạn trẻ chuẩn bị kết hôn. Mục đích cuối cùng cho tiến trình giáo dục này, phải dẫn các bạn trẻ tới đích: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” (giáo dục thế kỷ XXI của UNESCO).

__________________________________

[1] Trần Anh Thụ, Những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng trẻ nhìn từ góc độ tâm lý học, luận văn TNĐH, ĐHSP TPHCM 2001.

Lm. Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ – Tiến sĩ Tâm lý học


 

Visited 10 times, 1 visit(s) today