GIÁO DỤC SỨC MẠNH CHO TÂM HỒN

          Một trong những năng lực được nghiên cứu nhiều nhất và huyền bí nhất nơi thân thể con người là hệ miễn dịch. Cả trong tinh thần con người cũng có hệ miễn dịch riêng, đó là sức mạnh tự vệ để chống lại những sự tấn công của những tình huống tiêu cực. Thông thường sức mạnh này có sự uyển chuyển chứ không mãi mãi thụ động. Ta gọi sức mạnh tâm hồn này là nội lực có sức đương đầu và tái phục hồi.

           Nguồn nội lực và khả năng tự vệ ở mỗi người có mức độ khác biệt nhau, bởi phần lớn chúng được viết trong gien di truyền, tuy nhiên, hai sức mạnh này là điều có thể giáo dục được.

          Trong tiến trình làm người, hai nguồn lực này có thể phát triển, được củng cố hay bị suy yếu tùy theo kinh nghiệm mà người ta đã trải qua, đặc biệt trong những năm đầu của đời sống. Đừng nghĩ rằng sức mạnh của tâm hồn giống như một điều gì đó có được hay không có, nhưng nội lực ấy là kết quả của một lộ trình tăng trưởng trong đó có sự góp phần của muôn vàn nhân tố.

          Điều không nghi ngờ trước tiên phải nói đó là môi trường tốt. Môi trường này được hình thành bởi gia đình, nhà trường, khu phố, nhóm bạn, giáo xứ… nó giống như bến cảng bảo đảm cho tàu bè qua lại. Sự trợ giúp của xã hội luôn có những hiệu quả tích cực. Những mối ràng buộc xã hội và bạn hữu đại diện cho yếu tố an toàn nền tảng.

          Thông thường, một người chỉ được mãn nguyện khi họ cảm thấy mình được nhận biết, công nhận, nâng đỡ và được người khác đối xử cách tế nhị. Cách tự nhiên, cha mẹ là những hình tượng quan trọng nhất để giáo dục cho con cái về sức mạnh tâm hồn, nhất là nếu họ giúp đứa trẻ quan sát thế giới chung quanh, khích lệ đứa trẻ phát triển tư duy logic. Chính cha mẹ là người giúp con cái biết ứng xử trước sự căng thẳng, đối phó với những tâm trạng thất vọng, sự sợ hãi và đau khổ; đặc biệt nếu như cha mẹ biết tạo điều kiện giúp con cái đạt đến một sự quân bình giữa tự lập và lệ thuộc.

          Con cái cần có một không gian để chơi đùa, để tưởng tượng và để suy nghĩ cách riêng tư có sức bảo đảm nguồn tiềm năng sáng tạo. Ngày nay, những người trẻ lớn lên trong một thế giới “cắt – dán” của kỹ thuật số. Họ sao chép, xào nấu lại và bắt chước, do đó họ càng ít bị kích thích để có sáng kiến và lên kế hoạch là những yếu tố cho phép người ta có được sức mạnh để đương đầu với những thay đổi và khó khăn.

          Cha mẹ cần phải cố gắng truyền thụ cho con một thái độ chủ động. Những ai đảm nhận một thái độ chủ động sẽ luôn biết nhìn về phía trước và nhìn “lên cao”. Họ biết rõ ràng rằng thực tế là những gì có thực xảy ra chứ không phải là theo điều mà người ta nghĩ; nó trái ngược với với thái độ giả định đầy tiếc nuối vốn làm cho người ta dễ than thân trách phận: “Giá như, … nếu như mà…” của người luôn có ấn tượng rằng cả thế giới này hùa lại để chống đối họ. Người có thái độ chủ động sẵn sàng đón nhận mọi sự thay đổi và có sự dự liệu để không phải ngỡ ngàng trước những phát sinh trong cuộc sống.

          Cha mẹ cần vun trồng nơi con cái xu hướng đi vào cuộc dấn thân. Việc giúp cho con cái quen với việc nỗ lực, tham gia, đi đến tận cùng, hiểu chuyện, tháo vát trong các tình huống và không thất đảm trước vất vả là điều hết sức quan trọng. Đây chính là chỉ số AQ, tức khả năng vượt khó, nó sẽ giúp đứa trẻ không dễ dàng bỏ cuộc, không để mình bị thống trị bởi sự lo lắng thái quá về bản thân, vốn làm cho chúng trở nên dễ vỡ và dễ bị tổn thương.

          Tuy nhiên, nỗ lực này cần vươn đến một mục tiêu: tức là điều gì đó để đạt tới, vì nó mà người ta chiến đấu, người ta tin tưởng vào. Dĩ nhiên, để phấn đấu người ta cần tìm thấy một ý nghĩa nào đó để làm hay cống hiến bản thân, theo những giá trị có tầm quan trọng bậc nhất.

          Dấu chỉ đầu tiên cho thấy một não trạng uyển chuyển là cách thức đối diện với những lỗi lầm. Sự sai lỗi phải được xem là những cơ hội để học tập chứ không là sự phán xét vĩnh viễn. Cha mẹ và nhà giáo dục tốt là những người biết tận dụng khía cạnh có thể sinh lợi của những lầm lỗi, là có trải nghiệm và có cái nhìn thật về bản thân hơn; thay vì biến nó thành sự kiện gây thất vọng. Nếu như người thầy chỉ tự giới hạn trong việc báo hiệu về những lầm lỗi mà không đưa ra phương thức để vượt qua chúng, thì rồi những lầm lỗi ấy dễ dàng được sống như ấn tượng và kinh nghiệm về sự bẽ mặt.

          Để hội nhập vào xã hội, mỗi đứa trẻ cần có cả một hòn đảo những kỹ năng và năng lực. Tuy nhiên, em cần đắc thủ nó thành như của mình chứ không sự áp đặt.

          Một đứa trẻ sẽ lớn lên cách “mạnh mẽ” nếu như em được nuôi dưỡng bằng nguồn mạch của sự an toàn vốn được bồi bổ bởi thái độ tự tin, bởi niềm tin vào chính khả năng bản thân, bởi sự ổn định tình cảm, bởi sự hiểu biết và chấp nhận luật của phép ứng xử, từ sự tin tưởng vào việc tuân giữ luật từ phía người khác, bởi khả năng cộng tác, bởi tinh thần khoan dung cao độ, sự thấu cảm, sự thông cảm và khả năng tha thứ trong khi đối diện với những người mà họ gặp gỡ.

          Vẫn còn có hai yếu tố có thể tóm lại ở hai điều chính yếu: Các “Thiên thần bản mệnh” và đức tin.

          Tất cả nhân sinh thuộc mọi lứa tuổi sẽ càng hạnh phúc, lạc quan, và sống an bình với chính mình nếu như họ biết ở gần những con người được mệnh danh là “Các thiên thần bản mệnh”, chẳng hạn như người thân, bạn bè, thầy cô, những nhà giáo dục. Những thiên thần này thực sự đáng tin và sẵn sàng giúp đỡ họ trong những khoảnh khắc khó khăn.

          Trong cuộc sống, đây là những con người đem lại cho ta sự an toàn nền tảng, để từ đó ta rút ra nguồn năng lượng, để rồi bản thân ta có khả năng thấu hiểu và nâng đỡ khi ai đó cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi, không được thừa nhận.

          Niềm tin tôn giáo cung ứng sự trợ giúp mãnh liệt cho niềm hy vọng vô biên, cho sự tích cực tuyệt đối của vũ trụ và tình bạn đầy yêu thương của Thiên Chúa và cộng đồng.

          Tác giả: Sa Mạc Xanh

Visited 187 times, 1 visit(s) today