GẶP GỠ CHÚA GIÊSU

     Chúng ta gặp gỡ Chúa mỗi ngày ở đâu?

     Trong bài giảng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng dành cho các trẻ em tại một Giáo xứ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Điều quan trọng nhất có thể xảy ra với mỗi người, là chúng ta gặp được Chúa Giêsu, Đấng yêu mến chúng ta, Đấng đã cứu chuộc chúng ta, và hiến ban sự sống của Ngài cho chúng ta”. Trong thời đại kỹ thuật số ngày càng tăng triển hiện nay, chúng ta dễ quên đi sự hiện diện của Đấng Phục Sinh đang đồng hành với chúng ta trong cuộc sống đời thường mỗi ngày. Làm sao chúng ta có thể gặp được Chúa, và gặp gỡ Ngài ở đâu? Chúng ta cần gặp Chúa để cuộc sống ta được biến đổi, và để chúng ta có được niềm vui, được hạnh phúc.

     Được khởi hứng từ những giáo huấn của Đức Thánh Cha Biển Đức 16, và tiếp tục quy chiếu vào những huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi đề nghị 3 phương thức để chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu một cách sống động. Trước hết, Chúa Giêsu đang sống trong Lời của Ngài, trong các câu chuyện Kinh Thánh được khởi hứng cũng như trong truyền thống của Giáo Hội. Thứ đến, chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu qua các Bí tích, nhất là khi chúng ta đều đặn tham dự bàn tiệc Thánh Thể và đến với tòa cáo giải. Và thứ ba, chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu khi yêu mến và phục vụ anh chị em mình, nhất là những người túng thiếu, những người bị xã hội gạt ra bên lề.

     Đây là 3 cách thức để gặp Chúa, đặc biệt được gợi hứng từ giáo huấn của Đức Thánh Cha Biển Đức 16. Trong thông điệp ‘Chúa là Tình yêu’, Ngài viết: “Bản chất sâu xa của Hội Thánh được diễn tả qua sứ vụ với 3 chiều kích “Công bố Lời Chúa (Kerygma- matyria), cử hành Bí tích (Leitourgia), và thi hành đức ái (Diakonia)”. Cả 3 bổn phận này hàm ngậm lẫn nhau và không thể tách rời nhau. Đây là 3 cách thức giúp chúng ta có thể gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hôm nay. Gặp Chúa để được biến đổi là tia hy vọng và niềm vui cho tất cả những ai đang khao khát kiếm tìm Ngài.

     1. Gặp Chúa qua Lời của Ngài

     Trong tông huấn đầu tay với tựa đề ‘Ánh sáng đức tin’, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết : “Lời đầu tiên mà Thiên Chúa nói với chúng ta nơi Đức Giêsu, không phải là một lời nói xuông, song đây chính là ‘Ngôi Lời’ hằng sống”. Nhưng làm sao chúng ta có thể tiếp cận với Đức Giêsu, hiểu biết Ngài và mang lấy âm hưởng từ Ngài, xuyên qua việc cầu nguyện và chiêm niệm những lời thánh thiêng của Ngài. Câu chuyện Chúa gọi Phêrô, một ngư phủ, có thể soi sáng cho chúng ta. (Lc 5, 1-11). Ở đây, Simon Phêrô gặp Đức Giêsu trong Lời của Chúa và được biến đổi trở nên người rao giảng Tin Mừng. Tất cả chúng ta cũng được gọi mời giống như thế trong chính trạng huống đặc thù nơi cuộc sống mỗi người.

     Thánh Luca trình thuật lại việc đám đông chen lấn quanh Đức Giêsu để nghe Ngài giảng. Ngài đã xuống thuyền của Thánh Phêrô và nói ông chèo ra xa một chút. Sau khi giảng cho đám đông, Chúa nói với ông: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu và sẽ bắt được cá”. Phêrô trả lời: Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm, mà chẳng bắt được gì, nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Phêrô đã phải cực nhọc thâu đêm và không đánh bắt được con cá nào. Ông thực sự nản lòng và toan tính bỏ cuộc vì quá mệt mỏi. Ông muốn nói với Chúa là ông mệt quá rồi, chẳng ăn thua gì. Thôi, về nhà là tốt nhất. Có thể chúng ta đã trả lời với Chúa như thế khi Ngài đòi chúng ta phải quyết định làm một việc gì. Chúng ta có thể đã không nghe theo lời chỉ dạy của Chúa, mà chỉ buông xuôi theo bản năng riêng của mình. Nhưng, Phêrô đã không hành xử như thế.

     Phêrô quyết định vâng theo lời chỉ dạy của Chúa Giêsu. Ông đã chộp lấy cơ hội, và thả lưới vào chỗ sâu. Ông cũng hơi liều lĩnh một chút, tạm quên đi những mệt nhọc, và gác lại những e ngại, không sợ bị các đồng nghiệp cười chê. Chúa Giêsu đã huấn luyện Phêrô để ông không những trở thành một Tông đồ, một người rao giảng Tin Mừng, nhưng còn uốn nắn ông trở nên thủ lãnh sau này. Chúa Giêsu đã giúp Phêrô thấy được rằng việc tuân phục Lời của Chúa sẽ dẫn đến thành công đầy kinh ngạc. Các Ngài đã bắt được cá nhiều đến nỗi lưới gần rách. Nhưng quan trọng hơn, chính kinh nghiệm đầy kịch tính này đã biến đổi Phêrô. Ông đã hối hận về tội lỗi mình và bước theo Chúa Giêsu.

     Chúng ta phải học lấy bài học này. Vì Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải liều lĩnh ngay cả khi chúng ta đã quá mỏi mệt trong cuộc sống Kitô hữu, với bao luật lệ đầy thách đố mà Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài mời gọi chúng ta thực hành. Nhiều khi chúng ta sẽ phải sống với một cảm giác trống vắng và vô vị, khi nghĩ rằng giả như Thiên Chúa không hiện hữu. Để bước theo Chúa Giêsu, điều đòi hỏi duy nhất nơi chúng ta cũng chính là điều mà Chúa Giêsu đã đòi hỏi nơi Thánh Phêrô.

     Là những người thực hành sứ vụ Tân Phúc Âm hóa, chúng ta có thể tìm thấy nơi bản văn của Thánh Luca nêu trên, một năng lực biến đổi do Lời của Chúa. Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện trong con thuyền của đời ta, và Lời của Ngài luôn khích lệ chúng ta hãy ra xa mà thả lưới. Những con cá đang chờ đợi chúng ta đến bắt, khai mở sứ vụ Tân Phúc Âm hóa, vì chúng ta đã biết lắng nghe và hành động theo sự chỉ dẫn của Ngài. Trong những trạng huống như thế, chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa Giêsu với niềm vui tròn đầy. Chúng ta sẽ được đổi mới, và như Phêrô, chúng ta sẽ trở nên những con người được biến đổi tận căn, dám từ bỏ mọi sự để bước theo Chúa.

     2. Gặp Chúa qua các Bí tích

     Chúng ta có thể gặp Chúa nơi các Bí tích của Hội Thánh, các Bí tích đức tin. Trong tông huấn ‘Ánh sáng đức tin’, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả các Bí tích như là ‘phương thế chuyên biệt’ giúp chúng ta vươn đạt đến sự viên mãn trong việc gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng chân thật. Cuộc gặp gỡ đó chạm đến căn lõi hữu hiệu nơi chúng ta, khơi dậy lòng trí, ước muốn, tình cảm, mở ra cho chúng ta mối thân tình sống hiệp thông với Ngài.

     Trình thuật Chúa chữa người bất toại (Mc 2, 1 -12) là câu chuyện rất tuyệt vời, giúp chúng ta am hiểu về nền tảng của Bí tích Hòa Giải, như một cuộc gặp gỡ của ngày hôm nay giữa chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng chữa lành. Vào những thời điểm khác nhau trong cuộc sống, mỗi người chúng ta có thể hình dung ra tình trạng bất toại nơi mình dưới nhiều dạng thức, do tội lỗi làm suy yếu. Mỗi người chúng ta cần được chữa lành giống như người bất toại trong câu chuyện Tin Mừng nêu trên.

     Thánh Marcô mô tả một khung cảnh đáng nhớ. Khi Chúa Giêsu đang giảng thì có một sự kiện đầy kịch tính cắt ngang. Chúng ta thử tưởng tượng mọi người đang tề tựu trong phòng khách nơi nhà của Ngài, bất ngờ một đám gạch vụn lả tả rơi xuống trên đầu đám đông. Một lỗ hổng vừa đủ một người chui qua được tháo dỡ từ mái ngói, và rất bất ngờ, một cái cáng cột chặt một người nằm trên đó từ từ được thả xuống. Nhóm 4 người đã rất liều lĩnh, can đảm và kiên trì quyết định làm sao đưa được người bất toại đến với Chúa để được chữa lành.

     Điều xảy ra ngay sau đó, chắc chắn là điều họ không nghĩ trước trong đầu. Chúa Giêsu đã không tra vấn người bất toại bất cứ điều gì về tình trạng linh hồn của anh ta, nhưng Ngài nói ngay: “Này con, tội của con đã được tha rồi”. Nhóm 4 người này thân hành đem bệnh nhân đến với Chúa với dự định được Ngài chữa lành bệnh tật thể lý, nhưng bất thình lình họ đón nhận được sự chữa lành thiêng liêng, được tha thứ mọi tội lỗi. Không phải mãi về sau trong câu chuyện, sau khi những ký lục thách thức và tra hỏi Chúa lấy quyền gì để tha tội, thì ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã quay sang nói với người bất toại: “Hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”.

     Chúa Giêsu trước hết tha tội cho bệnh nhân, sau đó mới chữa lành sự bất toại nơi thân xác anh ta. Một cách nào đó, Thánh Marcô thách đố chúng ta hãy nhìn vào tội lỗi như là một sự bất toại thiêng liêng. Tình trạng bất toại như thế, cũng giống như căn bệnh thể lý, sẽ không được chữa lành nếu không có sự trợ giúp của người khác. Một bác sĩ tài giỏi, cũng cần có các trợ tá bên cạnh đưa bệnh nhân đến với ông để được ông chữa trị. Trong trường hợp này, bạn bè cũng có thể giúp đưa người bất toại thiêng liêng đến gặp một vị Linh mục. Ngài có thể chẩn đoán và chữa trị bệnh tật thiêng liêng ẩn sâu nơi họ, đó là căn bệnh do tội lỗi gây ra.

     Tác vụ chữa lành của Chúa Giêsu vẫn được tiếp nối ngày hôm nay. Đó chính là Bí tích Hòa Giải, một thứ linh dược đã tồn tại bao đời nay chuyên để chữa lành và tha thứ. Khi chúng ta chịu khó vén bức màn để mở toang cánh cửa căn phòng hòa giải, chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giêsu, Đấng đã chữa lành người bất toại ở Capharnaum. Mỗi người trong chúng ta, khi này hay khi khác, đều đang nằm trên chiếc chiếu của người bất toại cần được chữa trị. Chúng ta cần phải thay đổi cõi lòng, metanoia, thực hiện một cuộc trở về để đến với Chúa.

     Bí tích Hòa Giải là một cuộc gặp gỡ cá nhân giữa chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng đã dành cả đời mình để chữa lành và tha thứ mọi tội lỗi. Chúng ta không thể gửi tội của chúng ta đến với Chúa bằng Fax, qua e-mail, hay bằng thư tín chuyển phát nhanh. Vả lại, hối nhân phải gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, qua con người của Linh mục, thừa tác viên của Giáo hội. Sự gặp gỡ này bao gồm việc xưng thú tội lỗi, thực hành sám hối, quyết chí sửa mình, và làm việc đền tội đã được chỉ dẫn. Có cuộc gặp gỡ nào thân tình với Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, Đấng tha thứ và chữa lành, hơn là cuộc gặp gỡ như thế nơi tòa cáo giải?

     Sự tha thứ là một ưu tiên và là một đặc ân mang chiều kích linh thánh. Nó giải thoát chúng ta. Nó cũng đầy ắp tình yêu, một thứ tình yêu dẫn đến một khởi đầu mới. Giống như người bất toại được chữa lành, mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa chữa trị và tha thứ trong cuộc sống hôm nay, mỗi khi chúng ta đến tòa cáo giải để gặp gỡ Ngài.

     3. Gặp Chúa nơi các việc thực hành bác ái

     Cuối cùng, chúng ta gặp gỡ Chúa qua các công việc chia sẻ bác ái. Trong Tông huấn ‘Ánh sáng đức tin’, Đức Thánh Cha Phanxicô viết : “Bàn tay đức tin chúng ta hướng lên trời, như thể chúng ta đang xây dựng một lâu đài đức ái dựa trên những tương quan thân hữu, trong đó tình yêu Thiên Chúa trở nên nền móng của tòa lâu đài này”. Trong khi thực thi các việc bác ái dựa trên tình yêu Thiên Chúa, chúng ta sẽ gặp được Chúa. Đức Thánh Cha cũng nói rằng : “Trong Đức Kitô, cuộc sống chúng ta được rộng mở tận căn hướng đến một tình yêu đi bước trước, một tình yêu giúp biến đổi con người từ sâu tận bên trong, hoạt động nơi ta và ngang qua chính chúng ta. Khi chúng ta sao chép tình yêu Đức Kitô, chúng ta sẽ gặp gỡ chính Ngài trong nội tâm lòng mình, cũng như gặp được Ngài nơi những người chúng ta giúp đỡ”. Nguồn năng động lực đặc biệt được khai sáng qua dụ ngôn người Samaritanô nhận hậu. (Lc 10, 25-37).

     Chúng ta đã quá quen thuộc với câu chuyện này. Một người đi từ Giêrusalem đến Jerikhô và sa vào tay bọn cướp. Anh ta bị tước hết đồ đạc và bị đánh nhừ tử, nằm vật vã bên đường. Một Tư tế và một Thầy Lêvi đi ngang qua, có lẽ họ vô cảm hơn là sợ hãi. Nếu họ sờ chạm đến xác chết, thì theo luật, họ phải tham dự một nghi thức thanh tẩy trước khi thi hành phần vụ trong đền thờ. Tuy nhiên, người Samaritanô đã động lòng trắc ẩn và đã hết lòng trợ giúp nạn nhân. Rồi Chúa Giêsu hỏi vị luật sỹ: “Theo thiển ý của anh, trong những người này, ai là cận nhân đối với người bị nạn?” Vị thông luật trả lời: “Người đã tỏ bày lòng thương xót”. Rồi Chúa nói tiếp : “Anh hãy đi và làm như vậy”.

     Có hai loại ‘người thân cận’ được nói tới trong đoạn văn nêu trên: người hành xử với lòng thương xót và người cần đến sự đồng cảm của lòng xót thương. Trong một ý nghĩa sâu xa nhất và rõ ràng nhất, chúng ta hiểu rằng người thân cận đó chính là Chúa Giêsu nơi cả hai nhân vật. Trong dụ ngôn, người Samaritanô ít được xem như cận nhân của người bị nạn, nhưng anh ta đã hành xử như một người thân cận thực sự. Giống như người Samaritanô, chúng ta là môn đệ Đức Giêsu cũng được mời gọi để trở nên người thân cận của anh em mình, biết vun trồng nơi mình một cảm thức nhanh nhạy của cõi lòng để đến với tha nhân, và mang chở chứng tá được thực hiện qua những công việc cụ thể hằng ngày.

     Đức Giêsu cũng là ‘hình ảnh của Thiên Chúa vô hình’. Ngài đang gào thét nơi con người gặp nạn bị trấn lột và nằm vất vưởng trên đường. Chúa Giêsu cũng hiện diện nơi một thành viên nào đó trong gia đình chúng ta đang gặp trắc trở, nơi một ai đó ở nhà bên cạnh đang sống trong cô đơn và chán chường. Ở nơi những con người đó, chúng ta thấy được khuôn mặt của Chúa Kitô và gặp được Ngài. Trong ngày phán xét chung thẩm mà Tin Mừng Thánh Matthêu đã trình thuật lại, Chúa Giêsu đã nói: “Tôi nói cho các ngươi, những gì các ngươi đã làm cho một trong những người bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Chúa Giêsu đồng hóa chính mình với những ai đói khát, những ai là khách lạ, những người phiêu bạt, ở tù, ốm đau, không nhà cửa – tất cả những người này, nói theo thuật ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô, “là những người sống ở vùng ven và bị gạt ra bên lề xã hội.”

     Con đường từ Jerikhô đến Giêrusalem biểu trưng cho một thế giới đầy ắp những cận nhân, một thế giới đầy những con người cần được giúp đỡ, những con người mà một khi chúng ta biết khám phá ra, họ đang mang lấy dung mạo của chính Đức Kitô. Đó là tính nhân bản hiện sinh khi chúng ta được mời gọi để gặp gỡ Chúa và để được Ngài biến đổi. Khi chúng ta chủ động và cụ thể cố gắng để ‘đi và làm giống như vậy’, chúng ta cũng sẽ không ngờ gặp được một cận nhân, và cũng là một người bạn tốt có tên là Giêsu. Ngài vừa sống trong ta, và nơi cả những con người đón nhận chia sẻ tình yêu bác ái của chúng ta. Tất cả những cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu: nơi Lời của Ngài, nơi các Bí Tích và nơi các việc bác ái, sẽ giúp biến cải chúng ta và mang lại nhũng giá trị trường tồn.

     (Bài suy niệm của Đức ông J. Vaghi – tiến sĩ Y khoa, Cha sở nhà thờ Little Flower ở Bethesda, và là tuyên úy tu đoàn Thánh Gioan Carroll ở Washington D.C. Bài này được viết trong tác phẩm “Gặp gỡ Chúa trong Lời của Ngài, trong các Bí tích và trong những việc thực hành bác ái)

Văn Hào SDB chuyển ngữ

Visited 323 times, 1 visit(s) today