Trong đời sống của một Kitô hữu, sự khiêm tốn là một phẩm chất không thể thiếu được, đó là một điều cần thiết để Ân sủng của Chúa Thánh Thần được lớn lên. Đây là suy nghĩ của Đức Thánh Cha được diễn tả trong bài giảng của Thánh lễ sáng thứ Ba, tại Nhà nguyện Thánh Marta ở Vatican. Lấy cảm hứng từ sách Ngôn sứ Isaia, Đức Thánh Cha đã nói rằng mọi Kitô hữu giống như “một chồi non mà Thần Khí của Đức Chúa ngự vào, Thần khí của khôn ngoan và minh mẫn, Thần khí của dạy bảo và dũng cảm, Thần khí của hiểu biết và kính sợ Đức Chúa”. Đức Thánh Cha nói tiếp, “những điều này là ân huệ của Chúa Thánh Thần mà làm phát triển từ chồi non còn nhỏ bé cho tới sự tròn đầy của Chúa Thánh Thần. Đây là lời hứa, và là Nước Thiên Chúa”.
Sự Khiêm nhường
Đức Thánh Cha nói, bổn phận của một người Kitô hữu là phải nhận thức được rằng, mỗi chúng ta là một “chồi non của nguồn cội đó mà phải được phát triển với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, tới sự viên mãn của Thánh Thần trong chúng ta”. Và Đức Thánh Cha nói tiếp: “Bổn phận của chúng ta là bảo vệ chồi non này, vì sự lớn mạnh là do Thần Khí”. Đức Thánh Cha nói, điều này được thực hiện bằng cách áp dụng lối sống của một Kitô hữu giống với lối sống của Chúa Kitô, đó là con đường của sự khiêm tốn.
Đức Thánh Cha nói rằng phải đưa đức tin và sự khiêm nhường tới việc tin rằng chồi non này, món quà nhỏ bé này sẽ lớn mạnh đạt đến sự tròn đầy của những ân huệ nơi Chúa Thánh Thần. Ngài nói tiếp, phải đưa sự khiêm nhường tới việc tin rằng Chúa Cha, Chúa của Trời Đất, như Tin mừng đã nói, Ngài đã không mặc khải những điều này cho những người thông thái và khôn ngoan biết nhưng lại tỏ lộ cho những kẻ bé mọn. Sự khiêm tốn có nghĩa là sự nhỏ bé, giống như chồi non được lớn lên từng bước để đạt đến sự tròn đầy của cuộc sống nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Sự sỉ nhục
Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng khiêm nhường không có nghĩa là lịch sự, nhã nhặn hoặc nhắm mắt lại trong lời cầu nguyện. Khiêm nhường còn có nghĩa là có thể chấp nhận sự sỉ nhục. Ngài nhấn mạnh, “Sự khiêm nhường mà không có sự sỉ nhục thì không phải là khiêm nhường”. Một người khiêm tốn hay một người phụ nữ là người có thể chịu đựng những nhục nhã như Chúa Giesu là người “chịu nhục nhã vĩ đại”, Đức Thánh Cha mô tả như thế.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhớ lại mẫu gương của nhiều vị thánh “những người không chỉ chấp nhận sự sỉ nhục mà còn đòi hỏi sự sỉ nhục” để nên giống Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng của mình là nài xin Chúa ban cho chúng ta Ân sủng này để bảo vệ chồi non nhỏ bé này để hướng tới sự viên mãn của Thánh Thần mà không quên căn tính và chấp nhận sự sỉ nhục.
Văn Chỉ, SDB chuyển ngữ