Don Bosco và phương cách giáo dục

Hậu Tập Viện Micae Rua, Đà Lạt, 13/01/2019 – Sermonette Tuần 9 ngày kính Don Bosco – Ngày thứ 8

Nelson Mandela, một nhà hoạt động chính trị và hòa bình của Nam Phi đã từng nói:
“Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới.” Nhưng chính ông cũng cảnh báo rằng: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi.” Như vậy chúng ta thấy được rằng giáo dục là một vấn đề cực kỳ quan trọng và cấp bách của toàn nhân loại từ xa xưa đến nay trong đó có Việt Nam.

Kính thưa cha Giám Đốc, quý bề trên và cộng đoàn thân mến, hôm nay con muốn chia sẻ một chút hiểu biết của con về Don Bosco qua chủ đề “Don Bosco và phương cách giáo dục”. Con ước mong rằng qua bài viết này, mỗi người trong chúng ta có thêm lòng yêu mến Don Bosco và thấm nhập phương cách giáo dục của ngài trong việc giúp đỡ người trẻ hôm nay.

Theo thông tin từ Bộ GD – ĐT và công an  đăng trên báo Pháp luật cho biết trong khoảng 5 năm gần đây có gần 8000 vụ học sinh, sinh viên vi phạm hình sự. Cụ thể, trong số hơn 8.000 vụ việc trên, liên quan tới gây rối trật tự công cộng là 935 vụ, tội phạm ma túy 357 vụ, giết người 37 vụ, cướp, trộm cắp tài sản trên 6.000 vụ…và hàng ngàn vụ bạo lực học đường giữa các học sinh với nhau, thậm chí là giữa thầy cô giáo với học sinh. Có thể nhận ra rằng, một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên hiện nay quá đề cao giá trị vật chất, có lối sống hưởng thụ, coi thường kỷ cương pháp luật, lệch lạc về đạo đức, lối sống. Vậy đâu là nguyên do chính dẫn đến tình trạng trên. Chắc hẵn rằng sẽ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, thế nhưng nguyên nhân sâu xa là đến từ một nền giáo dục xuống cấp, một nền giáo dục mà chỉ biết dạy con người hướng chiều đến kiến thức, bằng cấp, thành tích mà chưa thực sự quan tâm đến nhân bản và đạo đức của con người. Các học sinh, sinh viên đang ở trong một vòng xoáy mê trận của nền giáo dục luôn thay đổi và cải cách nhưng chưa có một phương pháp nào thật sự hiệu quả. Trong bối cảnh ấy, một phương pháp giáo dục dường như nổi bật lên, hướng con người đến cả hai khía cạnh tri thức và đạo đức, hầu nhằm giáo dục con người  trở nên tốt hơn, đó chính là phương pháp sư phạm của Don Bosco.

Thật vậy, khác với những triết gia và những nhà cách mạng cùng thời, là những người đã ra sức cổ vũ sự tiến bộ xã hội, một sự tiến bộ chỉ xây dựng trên nền lý trí thực nghiệm hay chỉ dùng lý tưởng thuần nhân loại, không cần đến đức tin, loại trừ Thiên Chúa, Don Bosco, một Kitô hữu và là một linh mục lại đặt Thiên Chúa trên tất cả các bình diện. Don Bosco xác tín Thiên Chúa là Đấng yêu thương, là giá trị cao cả nhất của cuộc sống con người, là nền tảng cho việc giáo dục, cho gia đình, cho tương lai và sự sống của xã hội và Giáo hội.

Thế nên, ngài luôn tin tưởng vào giá trị nhân phẩm của con người, ngài nhắc nhở rằng tất cả mọi người đến trong nhà ngài phải được hưởng sự tôn trọng. Don Bosco “trân trọng” con người vì tin rằng trong mỗi con người, nhất là nơi bạn trẻ, có phần linh hồn quý giá và mỏng dòn, họ là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa.

Ngài tin vào tài năng và tương lai của người trẻ, vì vậy Don Bosco khẳng định rằng tuổi trẻ là phần quý báu nhất, là tương lai của xã hội và của Giáo hội. Ngài cũng nhìn thấy tương lai của một xã hội hệ tại nơi người trẻ và nền giáo dục mà họ thừa hưởng. Từ một nền giáo dục với chọn lựa căn bản tốt hay xấu cho người trẻ sẽ kéo theo niềm vui hay nỗi buồn diễn ra sau này với nếp sống của toàn xã hội. Nếu tuổi trẻ hư hỏng thì xã hội trong tương lai sẽ trở nên tồi tệ.

Ngài luôn nhắc nhở người trẻ: “các con hãy nhớ rằng tuổi trẻ là niềm vui của Thiên Chúa.” Cũng từ đó, Don Bosco dành hết tâm huyết, sức lực cho người trẻ và vì người trẻ: “Cha đã cống hiến toàn bộ cuộc sống của cha vì lợi ích của tuổi trẻ, vì cha tin rằng từ việc nuôi dạy lành mạnh thế hệ trẻ sẻ kéo theo sự thăng tiến của xã hội.”

Chính vì thế, giáo dục bao giờ cũng cần có mục tiêu, mô hình và phương pháp thích hợp. Với Don bosco, chúng ta không thể bỏ qua mục tiêu là “hướng con người về với Thiên Chúa – nguồn Chân, Thiện, Mỹ đích thực” và mô hình của ngài là “người Kitô hữu tốt lành và là công dân lương thiện”, với phương pháp giáo dục của ngài là hệ thống Giáo dục Dự phòng với ba yếu tố hòa quyện: Ái, Trí, Đạo. Cách thức mà Don Bosco chọn lựa để thực hiện hóa việc giáo dục là sự hiện diện của nhà giáo dục giữa người trẻ với lòng thương mến.

Thế nên giáo dục có nhiệm vụ là phải hướng con người đến những sự tốt lành. Đúng hơn , phải giúp người trẻ thực hành những việc tốt, can đảm làm điều tốt, tin vào giá trị của việc mình làm. Don Bosco đã khuyên các bạn trẻ như sau: “Nếu các con muốn sống hạnh phúc và được bao bọc, che chở bởi Thiên Chúa, muốn được mọi người yêu mến, tôn trọng… thì cần thiết phải biết sống yêu thương, tốt bụng với bạn bè, kiên nhẫn và rộng lượng với kẻ thù, khóc với người buồn rầu, không ghen tị với hạnh phúc của người khác, làm điều tốt cho tất cả mọi người và tránh làm bất cứ điều xấu nào cho người khác”“Hãy làm cho tốt việc con có thể làm mà không cần phải nghĩ nhiều đến việc mình sẽ được mọi người nhận biết ra sao.” Bông hoa tím Vi-ô-lét rất nhỏ bé và ẩn mình trong bụi cây, nhưng mọi người nhận ra ngay vì hương thơm của nó.

Nhằm thực hiện sứ mệnh giáo dục giới trẻ, Don Bosco đã sử dụng hệ thống Giáo dục Dự phòng, là tinh hoa của những kinh nghiệm giáo dục của ngài. Phương pháp Dự phòng luôn đặt các em vào cái thế không thể lỗi phạm được. Với phương pháp đàn áp có thể dẹp những lộn xộn, nhưng khó mà có thể dạy các em sửa mình. Người ta để ý rằng các em không quên những hình phạt đã phải chịu, và thường các em có một kỷ niệm cay đắng về chuyện đó. Các em có thể làm bộ dửng dưng, nhưng nếu sống gần các em, người ta sẽ thấy rằng tuổi trẻ nhớ dai ghê sợ lắm: Các em dễ dàng quên những sự sửa phạt do cha mẹ, nhưng rất khó quên những sự sửa phạt do các nhà giáo dục. Có những em đến tuổi tuổi già vẫn còn báo thù về những hình phạt đích đáng đã phải chịu khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trái lại, phương pháp Dự phòng chiếm được cõi lòng các em. Đối với các em, thầy hộ trực là một ân nhân lo bảo trước các em, làm cho các em nên tốt hơn, và tránh cho các em khỏi những phiền phức, những hình phạt và khỏi mất danh dự. Từ đó các em ngày càng thăng tiến hơn trên các mặt đạo đức và học tập.

Sự thành công của phương pháp Giáo dục Dự phòng đã cống hiến cho Giáo hội rất nhiều vị thánh và chân phước, trong đó có những vị thánh đã được thụ hưởng phương pháp này như Đaminh Saviô, Laura Vicuna, Phanxico Kesy và 4 bạn tử đạo. Và cả những vị thánh là người trao ban hệ thống giáo dục dự phòng như thánh Versiglia và Caravario, chân phước Don Rua, Zattti. Như vậy, một lần nữa ta có thể khẳng định rằng hệ thống giáo dục dự phòng là một hệ thống mà làm cho người trao ban và người thụ hưởng mỗi ngày trở nên tốt và tiến dần trên con đường nên thánh.

Người trẻ luôn luôn muốn vượt lên và tìm kiếm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thế nhưng những phương pháp giáo dục như hiện nay của Việt Nam chưa thể đáp ứng được niềm khát vọng đó của các em. Vì thế, mỗi người Salêdiêng chúng ta phải là một nhà giáo dục biết cống hiến cho các em một nền giáo dục tốt đẹp nhất thông qua hệ thống Giáo dục Dự phòng của Don Bosco.

Cuối cùng, nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Don Bosco ban cho cha Giám đốc, và toàn thể cộng đoàn những ngày cuối năm thật nhiều sức khỏe, bình an và một năm mới với đầy tràn hồng ân Chúa xuân.

Visited 451 times, 1 visit(s) today