Trong một giấc mơ, Don Bosco thấy mình ở giữa các học sinh trong sân Nguyện xá Valdocco, ở Torinô. Thình lình một quái vật tiến đến: nó giống một con sư tử có cái đầu hung dữ và miệng há hốc. Đám trẻ sợ hãi chạy trốn: ẩn nấp ở đâu? Don Bosco khuyên chúng chạy tới tượng Đức Mẹ. Phút chốc, tượng Đức Mẹ tỏa chiếu ánh sáng và lên tiếng nói thật dịu dàng và đầy tình mẫu tử: “Các con đừng sợ. Hãy vững tin. Đây chỉ là một thử thách Con Chí Thánh của Mẹ muốn dành cho các con”.
Bỗng nghe có ai hô to bằng tiếng Latinh:
– Chúng ta hãy đứng dậy. Hãy hướng lòng lên Thiên Chúa!
Theo lời mời gọi đó, Don Bosco khuyên các học sinh cầu nguyện hết sức sốt sắng; tất cả đều quì gối trước tượng Đức Mẹ đang mỉm cười và đầy lòng thương mến. Sau đó, chính giọng nói ấy ra lệnh:
– Hãy đứng dậy!
Vừa khi đứng dậy, Don Bosco và các học sinh cảm thấy được một sức mạnh siêu nhiên nâng lên khỏi đất. Đang khi Don Bosco và lũ trẻ lơ lửng trên không, con sư tử nhảy chồm lên, theo sau là một đàn thú dữ đang cố gắng nhảy bổ vào đám trẻ để tấn công. Đúng lúc ấy, Đức Mẹ hát những lời của Thánh Phaolô: “Hãy mang lấy khiên thuẫn của đức tin”. Đó là một bài hát du dương làm cho ngây ngất. Mỗi đứa trẻ được trao cho một cái thuẫn lóng lánh tỏa chiếu ánh sáng rạng ngời của Đức Nữ Trinh. Trung tâm của cái thuẫn bằng thép, được đính nhiều viên kim cương, còn mép thì bằng vàng ròng. Khiên thuẫn biểu trưng cho đức tin. Nhờ được trang bị bằng cái khiên đó, đám trẻ bắt đầu tấn công con sư tử và các thú dữ. Chúng không sợ hãi nữa. Chúng can đảm chiến đấu. Lúc ấy, với giọng nói vui vẻ, đượm tình mẫu tử, Đức Mẹ bảo: “Đây là thắng lợi của kẻ chiến thắng thế gian: đức tin của các con”. Vừa nghe những lời đó, các thú dữ khiếp sợ chạy trốn mau lẹ. Bấy giờ đám trẻ vô cùng vui sướng, chúng được bao trùm trong ánh sáng rạng rỡ của Đức Nữ Trinh đang mỉm cười hài lòng: chúng đã chiến thắng!
Kết luận về giấc mơ ấy, Don Bosco khuyến cáo: “Vì thế, cha khuyên các con hãy làm cho đức tin của mình được hồi sinh”.
Kể từ ngày sinh ra cho tới khi chết, chúng ta thay đổi liên tục. Thông thường, đó là một bước nhảy tới kỳ diệu; và cũng thật thường tình, đó là một bước thụt lùi thảm hại. Vì thế, chúng ta liên tục gặp khó khăn và khủng hoảng. Đặc biệt các thanh thiếu niên gặp phải nhiều hơn những người khác. Làm thế nào để họ vượt qua được? Người ta ghi nhận rằng những khủng hoảng ấy bên ngoài có vẻ giống nhau; nhưng đối với người này, đó là sự suy sụp; còn đối với người khác, lại là cơ hội để khơi dậy những năng lực đang tiềm ẩn. Đây là vài lời khuyên:
* Những người vượt qua khủng hoảng cách tốt đẹp là những người biết nhìn thẳng vào nó và can đảm đương đầu: nghĩa là họ cố gắng giải quyết. Họ tìm hiểu cẩn thận và biết tự chuẩn bị.
* Phải dạy cho trẻ em biết không hổ thẹn khi bày tỏ những lo âu và sợ hãi của chúng. Che giấu những điều nghiêm trọng là một sự đầu hàng, một sự trốn tránh dẫn đến sụp đổ.
* Phải dạy cho trẻ em biết nghỉ ngơi khi mệt mỏi, sức chịu đựng suy yếu, và sau khi đã nghỉ ngơi, chúng biết cố gắng trở lại chiến đấu và vượt thắng các khó khăn.
* Việc xin Chúa trợ giúp trong những lúc khó khăn nhất bằng kinh nguyện là dấu chỉ sự trưởng thành. Quay về Chúa có nghĩa là trở nên vững mạnh và chắc chắn trong Chúa.
Thánh Phêrô đã viết cho các Kitô hữu tiên khởi: “Thù địch của anh em là ma quỉ, như sư tử gầm thét, đang rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự. Các Kitô hữu là những lữ khách và ngoại kiều trên thế gian này, họ phải có cái nhìn hướng về sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. Họ phải được cắm neo cách thiêng liêng ở nơi chúa đang khi bão táp dữ dội. Chính đức tin sẽ ban cho họ sức mạnh để chống cự và đứng vững, ngay cả khi họ phải trải qua đêm tối mà không còn một tia sáng trần thế nào để định hướng.
“Nếu các con cầu nguyện, thì từ hai hạt mà các con đã gieo xuống, sẽ nảy sinh bốn bông lúa. Ai cầu nguyện, thì sẽ bước đi hiên ngang như ông hoàng”. (Don Bosco)
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB