Khi dịch bệnh ập đến, phát sinh rất nhiều tình huống trong cuộc sống mà con người chưa dự tính hay chưa thể thích nghi kịp. Nhiều người bắt đầu nghĩ đến Một Đấng Siêu Nhiên, và ngay cả người Công giáo cũng tự vấn:
– Tại sao Chúa tạo ra những nỗi khổ? (dịch bệnh, rủi ro, đau bệnh…)
– Tại sao Chúa để có người giàu sang dư thừa của cải, người thiếu ăn, đói khổ?
– Tại sao có người quyền quý, và người chịu đau khổ suốt cuộc đời?
Chúng ta thử tìm hiểu:
1. Tại sao Chúa tạo ra những nỗi khổ? (dịch bệnh, rủi ro, đau bệnh…)
Theo Giáo lý Hội thánh Công giáo:
“Sự thật thì họ (các thiên thần và loài người) đã phạm tội, do đó mà sự dữ về luân lý đã đi vào thế gian, tai hại không thể lường được so với sự ác thể lý. Thiên Chúa không hề là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp của sự dữ này. Tuy nhiên Ngài cho phép xảy ra vì tôn trọng tự do của các tạo vật Ngài đã dựng nên, và một cách bí nhiệm, Ngài biết lấy điều thiện ra từ sự ác.” (x.SGLGHCG, số 311)
Thánh Phaolo cũng phải nhìn nhận sự dữ là một bí nhiệm không ai hiểu được: “Thật vậy bí nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” ( 2 Tx : 2,7)
Như vậy, sự dữ (dịch bệnh, đau khổ, thiên tai, rủi ro, hận thù, chiến tranh…) không hề do Thiên Chúa tạo ra, mà con người đã sử dụng lý trí và tự do để làm điều sai trái tạo nên sự dữ. Hay nói khác đi, đau khổ là hậu quả tất yếu của ý muốn tự do, mà con người đã và đang sử dụng làm điều gian ác, nghịch với Chương trình và Ý muốn của Thiên Chúa.
Ví dụ: Tự do hút thuốc, sử dụng ma tuý dẫn đến ung thư và bao bệnh tật hệ lụy khác. Tự do cờ bạc đỏ đen đưa đến phá sản, nợ nần, tội lỗi và đau khổ cho biết bao cá nhân và gia đình.
Vậy nói : “Thiên Chúa là tình yêu, Ngài dựng nên con người và mong muốn họ hạnh phúc” – Thì tại sao Chúa không can thiệp để dẹp tan sự dữ ?
Thưa: Thiên Chúa biết sự dữ làm khổ con người, nhưng Ngài không can thiệp, bởi Ngài là Đấng từ nghìn đời gìn giữ giao ước, trung tín trong mọi sự, chỉ có con người vô ơn, lỗi nghịch. Theo đó, Người giữ lời hứa, tôn trọng sự tự do đã quảng đại ban tặng nhân loại, từ tạo dựng họ khác biệt với mọi tạo vật khác.
2. Tại sao Chúa để người giàu sang dư thừa của cải, người thiếu ăn, đói khổ?
Nhìn vào xã hội, chúng ta dường như thấy Chúa thật bất công, khi ban cho “người giàu sang dư thừa của cải, và cũng không thiếu người đói khổ”. Đó là cái nhìn thiển cận trần tục mà thôi.
Chúng ta giả định đứng ở góc độ làm cha mẹ: Bạn có năm người con, trong đó ba người biết làm lụng, đủ ăn, đủ sống. Còn hai đứa con nghèo, thiết hụt, nợ nần. Dám chắc rằng – là người cha mẹ chân chính, bạn sẽ tìm cách giúp đỡ đứa khó khăn, bao bọc phù trì cho nó mọi lúc.
Thiên Chúa còn hơn như vậy. Bởi Người dựng nên con người cao trọng nhất trong vũ trụ và cho họ cai quản hưởng dùng tất cả thành quả ấy. Có một thống kê rằng, lương thực trên trái đất, luôn đủ để nuôi gấp 7 lần số người hiện diện. Với ý định toàn năng ấy, Chúa cho kẻ giàu, người nghèo như một ước mong, nhắn gửi con người (cùng là con Chúa), hãy yêu thương san sẻ cho đồng loại khi cùng sống trong một hành tinh, cùng hít thở chung bầu không khí.
Nếu chúng ta cùng nghĩ, cuộc đời giống như bỏ số người vào chung khu rừng để hái lượm. Khi đó, sẽ có số người lanh lẹ, mạnh khỏe, khéo léo mau chóng thu tích được nhiều, đồng thời cũng có những người chậm chạp, yếu ớt, khờ khạo thu hái được ít, hay chẳng được tí huê lợi nào. Mình may mắn khôn ngoan, lẽ nào làm ngơ trước người khốn khó mà hưởng dùng riêng được sao!
3. Tại sao có người quyền quý, và người chịu đau khổ suốt cuộc đời?
Thưa, như nói ở trên. Khi tự do làm điều xấu, thì sự dữ xuất hiện. Tuy nhiên không phải lúc nào đau khổ cũng đều do tội phạm. Như trường hợp của ông Gióp (trong Cựu Ước), ta thấy người vô tội và công chính cũng bị đau khổ.
Khi nói đến Sách Gióp, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Mặc dù quả thực là đau khổ mang ý nghĩa trừng phạt khi nó gắn liền với một sai phạm, nhưng không phải tất cả đau khổ đều là hậu quả của sai phạm và không phải đau khổ nào cũng có tính cách sửa phạt”.
Đau khổ của ông Gióp là phép thử lòng tin của ông, mà qua đó ông được nên rất mạnh mẽ, và sau thử thách ấy, Chúa thưởng ban cho ông gấp trăm. Cũng vậy, đôi khi Thiên Chúa thử thách chúng ta, nhưng Người luôn ban thêm ân sủng để ta vượt thắng và biết cách lớn lên trong tình yêu, vốn là ý nghĩa cùng đích của sự tốt lành.
Hoặc, đau khổ mang ý nghĩa của sự thanh luyện. Ví như những điều xảy ra cho dân Israel thời ông Môsê, khi dân chúng thay đổi lòng dạ, bất tín với giao ước. Thiên Chúa đã thanh luyện họ qua một hành trình kéo dài nhiều năm trong sa mạc, hướng dẫn và dạy bảo cho đến khi họ được trang bị sẵn sàng bước vào Đất Hứa và nhận ra Thiên Chúa yêu thương, trung tín trong mọi lời Người phán.
Cũng vậy, cuộc đời mỗi người cứ cuốn vào trần thế, mải ăn, mải làm, mải vui chơi. Cho đến khi một cơn bệnh, một thất bại vật chất, hoặc một mất mát, rủi ro nào ập tới. Chúng ta mới nhận ra thế gian này thật phù phiếm. Và khi ấy, sẽ biến đổi lòng trí ta, hoán cải tâm hồn, và quảng đại bác ái với tha nhân…Thế thì, rủi ro, hoạn nạn ấy, thật ra là một ân phúc trọng đại Chúa giáng xuống để thức tỉnh con người, có cơ hội trở về mà gìn giữ phần linh hồn thiêng liêng vĩnh cửu.
Thế giới vật chất thường lôi cuốn ta bằng vẻ đẹp và sức hấp dẫn tức thời, song cũng có thể trở thành nơi đáng sợ, hủy diệt sự sống đời đời. Giống như tâm hồn ta vậy, vốn được tạo ra để yêu mến Thiên Chúa và chứa đựng cả thiên đàng, nhưng cũng có thể trở thành một nơi ảm đạm, tăm tối. Khi ta không cố gắng, để ma quỷ tự do thống trị, gieo rắc hạt giống u mê, sẽ dẫn đến diệt vong.
Cũng xin nói thêm, con người có kẻ giàu người nghèo, nhưng sự đau khổ thì không đo đếm được. Có khi người hành khất ngủ thẳng giấc, còn anh nhà giàu trằn trọc thâu đêm. Hay gia đình túng thiếu hạnh phúc ắp tiếng cười, còn người no đủ buồn chán, cô đơn…Thiên Chúa thật công bằng để mọi người đều có cơ hội lập công trạng tìm nước trời.
Mặc dù sự dữ tồn tại trong cuộc sống mỗi người ở mức độ nhất định, nhưng nếu ta phó thác cho Thiên Chúa, sự Quan Phòng của Người, có thể biến sự dữ thành phương thức giúp chúng ta đạt đến những điều tốt đẹp đích thực, và cửa ngõ thiên đàng rộng mở cho những ai vâng phục thánh ý, hân hoan bước theo đường lối Ngài hoạch định.
Dung Nguyễn