Thưa cha, con có hai đứa con, con gái lớn 17 tuổi thì học khá, nhưng con trai 15 tuổi của con đã khiến con lo lắng. Hai ngày qua, cháu làm con buồn lắm. Chuyện rất đơn giản là con vào phòng của cháu, thấy đồ lộn xộn, mỗi thứ một chỗ nên con dọn dẹp lại. Bỗng nhiên cháu trở về và nó phản ứng rất mạnh. Nó hậm hực rồi quát con là: “Mẹ đi ra khỏi phòng của con. Mẹ đừng làm những chuyện vô ích đấy. Mặc kệ con!”. Con vừa ra đến cửa là cháu đóng sập cửa lại. Thưa cha, con rất đau lòng. Con không biết tại sao cháu lại có thái độ như thế? Trước đây cháu rất ngoan, hiền lành và luôn gắn bó với con, nhưng tự nhiên bây giờ nó hỗn hào và dễ làm con tổn thương. Con tìm cách ngọt ngào gần gũi cháu, nhưng chồng của con lại nói rằng vì con chiều chuộng nên con trai hư hỏng, và từ giờ con phải trở nên cứng rắn và nghiêm khắc hơn với cháu. Vậy con phải làm gì?
(vicon@gmail.com)
Chị thân mến,
Theo tôi, đây là tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà nhiều cha mẹ gặp phải. Khi con còn nhỏ, vì yêu thương, cha mẹ đã đáp ứng tất cả để đứa trẻ không hề thiếu thốn thứ gì và không cảm thấy bị thua kém bạn bè. Nhưng rồi khi lớn lên cha mẹ liền nhận ra nơi con cái lấp ló thái độ nổi loạn và hung hăng. Trong thực tế thì phản ứng này không lạ. Thường một thiếu niên để có thể trở thành người lớn thì chúng phải giải thoát mình khỏi cha mẹ mình. Để làm điều này, em cần phải có một sư điều chỉnh bằng cách tỏ ra không kính trọng cha mẹ, lên tiếng tranh luận về giá trị mà theo em là tốt, bộc lộ cách suy nghĩ riêng của mình, và sau đó có thể em sẽ phải tự điều chỉnh bản thân.
Các bậc phụ huynh từ trước đến nay vốn được con trẻ tôn thờ, vâng lời tuyệt đối nên cảm thấy bị tổn thương rất mạnh từ thái độ “dứt bỏ” này của em thiếu niên. Tuy nhiên, đây là một tiến trình tiếp tục kéo dài trong suốt đời sống, từ khi đứa trẻ được “cắt dây rốn” ra khỏi người mẹ của mình.
Để chị có thể chấp nhận được sự thực này, thì chị phải hiểu điều này rằng nếu một thiếu niên mà không phản kháng bao giờ, hoặc chưa từng từ khước ý kiến của cha mẹ nhưng luôn thụ động vâng theo, thì điều ấy cho thấy thiếu niên này không có khả năng tự lập. Hoặc ngược lại, cậu thiếu niên con của chị lại không cần có sự trợ giúp của cha mẹ . Cả hai trường hợp đều không tốt, bởi con của chị sẽ có nguy cơ lớn lên trong sự bất quân bình, nhân cách của cháu mỏng dòn dễ vỡ, thiếu trưởng thành và không có khả năng đương đầu với những tương quan với thế giới bên ngoài. Cho nên, tốt hơn, chị hãy bình thản coi hiện tượng này như một bước chuyển bắt buộc của sự tăng trưởng nơi con của chị trong tuổi thiếu niên, và hãy tiếp tục yêu thương cháu như trước đây, nếu thực sự chị đã thiết lập được mối tương quan tình cảm vững chắc với cháu trong quá khứ.
Trong tâm lý, tuổi 13 đến 15 là tuổi khó chịu, bởi một mặt nơi cơ thể thanh thiếu niên đã có những dấu hiệu phát triển đầu tiên về giới tính, khiến em tin rằng mình “quá lớn” để không còn chịu đặt mình dưới những luật lệ cũ trước đó nữa. Nhưng mặt khác, các bậc phụ huynh lại cứ luôn coi cậu thiếu niên này mãi mãi là trẻ thơ. Như thế, sớm muộn gì thì em cũng sẽ nổi loạn dưới hình thức “chiến tranh gia đình” để bắt buộc cha mẹ phải nhận biết thực tế mới của em. Lúc này thực là vô ích việc bắt các em chấp nhận lối cư xử độc đoán khô cằn, bởi nó sẽ dẫn đến nguy cơ đào nên một rãnh sâu khó lấp trong mối tương quan giữa cha mẹ và con cái. Nhưng cả sự dễ dãi châm chước cũng dẫn đến những thiệt hại, điều này diễn tả qua việc cha mẹ tảng lờ như không biết đến những tâm tình hay phản ứng nơi em thiếu niên. Vậy thì giải pháp nào chị cần có đối với cháu?
Đó là chị hãy bắt đầu thực hiện việc từng bước tập cho cháu sống tự lập và với thời gian, hãy đòi cháu phải có trách nhiệm đến tận cùng đến những việc mình đã làm. Cụ thể là hãy gần con của chị hơn, trao đổi với cháu nhiều hơn về những ý kiến, và để cháu tự làm những việc mà cháu cho rằng vô ích, chẳng hạn tập cho cháu tự chuẩn bị bữa điểm tâm, giặt quần áo, tự sắp tập vở, làm bài tập, biết tiết kiệm để có những khoản chi tiêu cá nhân, tự chuẩn bị cho cuộc dã ngoại … Về phía chị, hãy quan tâm âm thầm, nhắc nhở chứ không thay thế, và nếu như cháu chưa hoàn thiện, hãy cùng rút kinh nghiệm với cháu. Nhưng nhất là hãy tạo nên trong gia đình một bầu khí thân thiện, đừng để cháu xem cách đối xử này là hình phạt, trái lại, cháu được hiểu đây là cách giúp cháu từng bước làm chủ đời sống mình.
Chúc chị thành công.
Trích CĐ Don Bosco số 32