CÓ KHÔNG VÒNG TRÒN ĐỒNG TÂM ?

“Ba mẹ không hiểu con!”, “Cô nói thế thôi, chứ ba mẹ không thương con”, “Ba mẹ con cổ hủ nhất trên đời!”…

Nghe những phản ánh của trẻ vi phạm kỷ luật của trường, tôi không khỏi suy nghĩ khi hàng ngày chứng kiến các phụ huynh đưa con đi học. Không thiếu một thứ gì cho con cái. Không một môn học nào bị bỏ qua. Thế mà tại sao con trẻ vẫn một mực phủ nhận những nỗ lực rất đáng trân trọng ấy của cha mẹ?

Làm một nghiên cứu nhỏ trên học sinh của trường trong tháng 11 năm 2013, chúng tôi thu nhận được có 39 điều trẻ đánh giá là CẦN, trong số đó, 15 điều có tỷ lệ cao được xếp ưu tiên trước sau theo thứ tự:

  1. Tình thương;
  2. Sự quan tâm của người lớn;
  3. Ăn ngon, mặc đẹp, chơi thoải mái;
  4. Có tiền để tự mua sắm món mình thích;
  5. Được học;
  6. Có người thân, có bạn;
  7. Cần có người chia sẻ;
  8. Được chăm sóc;
  9. Được tôn trọng;
  10. Được sống chung với ba, mẹ;
  11. Được bạn bè quan tâm và giúp đỡ;
  12. Được bảo vệ;
  13. Có sức khỏe tốt để vui chơi;
  14. Sống và là người có ích cho xã hội;
  15. Có quyền lợi

Từ khảo sát này, chúng tôi tiếp tục cho trẻ xếp hạng về những đáp ứng mà các em nhận được từ quý phụ huynh, ngang qua 15 điều được xem là nhu cầu của các em. Và các em đã ghi nhận như sau:

  1. Được học;
  2. Ăn ngon, mặc đẹp, chơi thoải mái;
  3. Có sức khỏe tốt để vui chơi;
  4. Có tiền để tự mua sắm món mình thích;
  5. Được chăm sóc;
  6. Có người thân, có bạn;
  7. Được bảo vệ;
  8. Sự quan tâm của người lớn;
  9. Được sống chung với ba, mẹ;
  10. Được bạn bè quan tâm và giúp đỡ;
  11. Sống và là người có ích cho xã hội;
  12. Tình thương;
  13. Được tôn trọng;
  14. Cần có người chia sẻ;
  15. Có quyền lợi;

Qua bảng so sánh giữa nhu cầu của trẻđáp ứng của quý phụ huynh, tôi thấy có sự khác biệt lớn về việc đánh giá về các giá trị giữa trẻ và người lớn. Điều này lý giải cho tôi về những cảm nhận mà trẻ phát biểu khi đánh giá thấp hiệu quả giáo dục của phụ huynh. Sở dĩ trẻ chưa thấy cha mẹ quan tâm, yêu thương mình, cho dù người lớn lại cho rằng mình không còn điều gì tốt lành mà đã không làm cho con cái, đó là vì có sự bất đồng giữa vòng tròn nhu cầu của trẻ và vòng tròn đáp ứng của phụ huynh. Có thể minh họa như sau:

Một cách đơn sơ, quý phụ huynh nhận ngay ra được mối tương quan giữa ba vòng tròn: nhu cầu, đòi hỏi, đáp ứng. Trong thực tế, có nhiều điều trẻ CẦN nhưng chúng không nhận ra, hoặc đòi hỏi những thứ không cần. Cộng vào đó, phụ huynh lại sẵn sàng đáp ứng điều mình nghĩ là tốt cho trẻ, trong khi chúng không CẦN cũng không ĐÒI. Thành thử, trẻ chưa thể nhận ra được tình thương của cha mẹ.

Chỉ khi nào trẻ có nhu cầu, trẻ đòi hỏi, và ta đáp ứng thì lúc ấy, trẻ mới đánh giá sự can thiệp của ta. Trong khi đó, phụ huynh có thể thấy phần giao của nhu cầu, đòi hỏi và đáp ứng  (7) là rất nhỏ.

Làm thế nào để cho phần giao ấy trở nên lớn nhất? Thưa rằng, chỉ khi cả ba vòng tròn đồng tâm mới cho hiệu quả can thiệp lớn nhất. Và vòng tròn nhu cầu của trẻ phải làm nền cho ba vòng đồng tâm.

Nói như thế, quý phụ huynh được chất vấn xem việc chăm sóc và giáo dục trẻ của mình có đáp được nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của trẻ không?. Nhưng làm sao có thể hiểu được nhu cầu của trẻ nếu ta không kiên nhẫn lắng nghe và đồng hành với các em? Để việc giáo dục trẻ đem lại hiệu quả tốt đẹp, những nhà giáo dục chúng ta bị đặt trước vấn đề: “Tôi có tạo nên những vòng tròn đồng tâm trong việc giáo dục?”

Chỉ khi trẻ nhận ra tình thương, bị thuyết phục bởi tình thương thì khi trưởng thành vào đời, trẻ mới ý thức vai trò của mình trong cộng đồng xã hội. Vì thế, đòi hỏi phụ huynh cần hiểu con cái của mình hơn.

Visited 8 times, 1 visit(s) today