CHUYỆN CỦA QUẢ TIM

Quả tim là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể con người. Con người sống khi quả tim còn đập. Nó đập và hoạt động không ngừng nghỉ từ lúc thai nhi bốn tuần tuổi cho đến lúc con người qua đời. Quả tim còn là biểu tượng của tình cảm yêu thương. Phải biết yêu đúng, con người mới được hạnh phúc. Chỉ có con người mới có tình cảm. Cảm xúc và tình cảm của con người thật phong phú, đa dạng và được biểu lộ dưới muôn vàn dáng vẻ, nó ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ đến đời sống của con người. Tình cảm tốt nâng con người lên, tình cảm xấu hủy hoại, kéo ghì con người xuống.

Quả tim để trên đầu

Nhiều người không khỏi xót xa khi nhớ đến truyền thuyết An Dương Vương, Mỵ Châu, Trọng Thủy. Bằng những vần thơ, Tố Hữu kể như sau:

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu

An Dương Vương là vua nước Âu Lạc. Triệu Đà là chúa của vùng đất bên cạnh Âu Lạc. Nhiều lần Triệu Đà đem quân đánh vua An Dương Vương nhưng đều thất bại vì vua có nỏ thần. Ông bày mưu cho con mình là Trọng Thủy lấy Mỵ Châu để cướp nỏ thần. Mỵ Châu vì quá thương Trọng Thủy, dẫn chồng đi xem nỏ thần. Lúc nàng không để ý, Trọng Thủy đã đánh tráo nỏ thần và vì thế mà nước Âu Lạc bị mất trong tay Triệu Đà.

Quả tim không được yêu

Một lần kia, tôi có dịp trở lại thăm một ngôi trường cũ, nơi dành cho các thanh thiếu niên thuộc gia cảnh nghèo, cơ nhỡ. May mắn quá, các em học sinh ở đó vẫn còn nhớ tôi và dành cho tôi một nụ cười rất thiện cảm. Được biết khi ở trường thì các em ngoan, vâng lời thầy cô, nhưng bước ra khỏi môi trường này, các em lại ngang bướng, vô lễ, khó bảo. Thắc mắc vì điều đó, tôi nhẹ nhàng xin các em giải thích lý do. Ngỡ ngàng hết sức khi các em trả lời tôi: “Không thương, chúng em không ngoan!”.

Đã là người, ít nhiều ai cũng có nhu cầu về tình cảm, nhưng nơi người trẻ, mối tương quan tình cảm chiếm một vị trí rất quan trọng. Thánh Phanxicô Salê xác tín: “Ai thu phục được trái tim của một người là thu phục toàn diện con người ấy”.

Quả tim nhạy bén

Hồi còn nhỏ, Gioan Bosco là một cậu bé rất giàu tình cảm. Một trong những sở thích của Gioan là rất mê chơi chim. Cậu bé tìm đâu được một con chim nhồng nhỏ rất dễ thương. Cậu dạy nó huýt gió, thường xuyên thăm, vui thích nhìn ngắm nó nhảy nhót, nhất là khi nó biết huýt gió chào cậu. Nhưng vào một buổi sáng, con chim nhồng ấy bị một còn mèo nhẩy vào phá lồng và cắn xé cho đến chết. Nhìn cảnh tượng ấy, không cầm nổi nước mắt, đau đớn lòng, cậu khóc như mưa. Với Gioan, mất đi con chim như mất đi một người bạn mà cậu sẽ chẳng bao giờ gặp được nó nữa. Cậu buồn phiền nhiều ngày và chẳng ai có thể an ủi được cậu.

Vào tuổi thanh thiếu niên, quả tim nhạy bén của Gioan Bosco lại bị khủng hoảng và suy sụp rất nặng về tình cảm trước biến cố cha Calosso qua đời cách đột ngột. Cha Calosso là vị linh mục lớn tuổi, ngài rất thương yêu Gioan, dạy dỗ cậu từng chút, nhất là giúp cậu về đời sống thiêng liêng. Vì bị mồ côi cha từ lúc hai tuổi, thiếu vắng tình phụ tử, nên được gặp cha Calosso, Gioan thật hạnh phúc như tìm thấy một người cha đích thật, nhưng niềm hạnh phúc ấy chỉ vỏn vẹn có một năm. Ngài qua đời là nỗi mất mát quá lớn và phải mất một thời gian khá dài, cậu mới nguôi ngoai cơn buồn phiền.

Quả tim dành cho người trẻ

Gioan Bosco không chỉ là một người trẻ có quả tim giàu tình cảm, cậu còn là một người trẻ biết suy nghĩ, có nghị lực, có lòng đạo đức, dễ dạy và mở ra cho Thiên Chúa, cho sự giáo dục khôn ngoan của mẹ Margarita và của các bậc thầy trong trường học và chủng viện. Vì thế, từ những tình cảm nhất thời, thiếu chín chắn của tuổi thanh thiếu niên nơi cậu, dần dần chúng được huấn luyện thành những tình cảm lành mạnh, quân bình và trưởng thành.

Tình yêu của Don Bosco được kín múc từ nguồn mạch của tình yêu là chính Thiên Chúa. Từ tình yêu này, ngài đã yêu mến người trẻ cách trong sáng và mãnh liệt. Trong lá thư 1884, Don Bosco thổ lộ cõi lòng: “Hơn bốn mươi năm, cha đã chịu nhiều đau đớn, cực nhọc vì chúng, cho đến bây giờ, cha vẫn đang chịu bao đau khổ, lao lực, chống đối, bách hại chỉ vì để mang lại cơm ăn, nhà ở, thầy dạy, nhất là để lo những gì cha có thể để yêu thương chúng, và suốt đời, cha chỉ có một tình yêu duy nhất đó”.

Biết bao người trẻ cảm nhận được tình thương cá vị của ngài và đáp lại tình thương đó bằng cách vâng lời và sống tốt.

Quả tim tốt

Không thể sống mà không có tình cảm. Cần cảnh giác trước những tình cảm xấu như đố kỵ, ghen tương, ích kỷ, nóng nẩy, giận hờn, muốn thống trị, chiếm hữu… Cần huấn luyện quả tim cho mạnh mẽ, dần dần thoát khỏi tình cảm ủy mị, bồng bột, thiếu chín chắn. Cần nuôi dưỡng tình cảm tốt như tình yêu đối với cha mẹ, gia đình; tình cảm chân thành như tình bạn, tình yêu nam nữ; tình yêu rộng mở như tình làng, nghĩa xóm, tình yêu quê hương, tình yêu nghệ thuật … Tình cảm tốt đem lại hơi ấm, niềm hy vọng, niềm vui, niềm hạnh phúc, làm phát triển con người và xây dựng thế giới ngày thêm đẹp tươi.

Quả tim còn đập con người sẽ sống. Nhờ biết yêu, con người mới trở nên người hơn và nếm cảm được niềm hạnh phúc tròn đầy.

Trích CĐ Don Bosco số 35

Visited 11 times, 1 visit(s) today