“Quyền năng Đấng tối cao sẽ phủ bóng trên Bà” (Lc 1,35).
Hai Chúa Nhật vừa qua, các bài đọc Kinh Thánh trong phụng vụ giới thiệu cho chúng ta sứ mạng của Gioan Tiền hô. Lời Chúa hôm nay trình thuật biến cố truyền tin cho Đức Maria, khi Gioan còn trong bụng mẹ. Xét về trình tự thời gian, trình thuật có vẻ như không hợp lý, nhưng các bài đọc Kinh Thánh lại ẩn chứa một ý nghĩa thần học rất sâu xa. Gioan Tiền hô tổng tóm những gì Cựu ước nói tới. Ngài là hình tượng của Isaia, khi công bố kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa. Isaia từng loan báo rằng, ngày của Chúa sẽ đến, một ngày đầy khiếp hãi. Gioan Tẩy giả vang vọng lại lời hứa ấy, trong khi Đức Giêsu đến trần gian để làm cho lời Thiên Chúa hứa được thực hiện cách tròn đầy.
Lời Chúa hứa được nhắc tới trong bài đọc thứ nhất. Vua Đavid đã đến cư ngụ tại Giêsusalem và lúc bấy giờ ông mong muốn xây một ngôi đền cho Đức Chúa Giavê. Ngôn sứ Nathan, dưới triều vua Đavid, coi đó như một ý định tốt lành, nhưng Thiên Chúa lại có một kế hoạch khác. Thay vì Đavid xây nhà cho Thiên Chúa, thì chính Chúa lại xây nhà cho ông. Từ ngữ bayit là một cách chơi chữ, vì nó vừa có nghĩa là nhà ở, đồng thời cũng mang chở ý nghĩa là triều đại. Đavid có ý định xây một đền thờ, xây một ngôi nhà, một bayit cho Chúa, nhưng Thiên Chúa lại củng cố bayit của Đavid, cũng là xây nhà cho Đavid, hay xây dựng triều đại của ông. Thiên Chúa hứa một điều rất khác thường. “Nhà của Ngươi và triều đại Ngươi sẽ đứng vững mãi mãi trước nhan Ta. Ngôi báu của Ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời”.
Lời Chúa hứa dành cho Đavid được dân Israel khắc ghi trong tâm khảm. Dân Do Thái coi đó như một giao ước rất rõ ràng và minh nhiên (Hc 45,25). Có phải Thiên Chúa đã hủy bỏ giao ước, khi vương quốc Đavid sụp đổ, và dân Chúa phải đi lưu đày? Thiên Chúa đã hứa, thế thì phải chăng Ngài đã hủy bỏ điều mà Ngài đã ký kết? Hay vì tội lỗi của dân quá lớn và quá nhiều, khiến Thiên Chúa bỏ rơi dân Ngài? Sau này Thánh Phaolô đã khẳng quyết: “Nếu ta không trung tín, Thiên Chúa vẫn luôn tín trung, vì Người không thể chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13). Nhưng dường như ở đây, xem ra có vẻ như Thiên Chúa đã không tín trung, đã thất hứa với lời thề thốt của mình. Có đúng như thế không? Chắc chắn không phải vậy.
Trong bài Tin Mừng, qua biến cố truyền tin cho Đức Maria, thần sứ đã nêu ra câu trả lời trước vấn nạn trên. Chuyện thất tín không bao giờ xảy ra. Thiên Chúa không bao giờ quên giao ước Ngài đã hứa. Trong phần đầu tiên, Gabriel đã chuyển tải sứ điệp để trả lời cho khúc mắc đó. “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ trao cho Người ngai vàng vua Đavid tổ tiên Người, Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô tận” (Lc 1,32-33). Tiếp theo, thần sứ nói với Đức Maria một điều vượt quá sức tưởng tượng: “Chúa Thánh Thần sẽ phủ bóng trên Bà, và hài nhi được sinh ra sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.
Từ lời hứa trong cựu ước, đến việc thực hiện khi Đức Giêsu đến trần gian, tất cả đã được Tân ước diễn bày qua những cách nói biểu trưng. Các tác giả Tân ước nhìn lại những biến cố của cựu ước như chìa khóa tiên báo và là những hình tượng tiên báo các thực tại sau này. Adam trong cựu ước là hình ảnh nói về Đức Giêsu (Rm 5,14). Elia là khuôn mẫu của Gioan Tẩy giả (Lc 1,17). Dân Israel là hình tượng biểu thị cho Giáo Hội (1 Ph 2,a). Chúng ta cũng có thể nói về Đức Maria với hình ảnh biểu trưng trong Cựu ước giống như thế. Đức Maria là hình mẫu tròn đầy nhất mà dân Israel đã phác vẽ. “Trinh nữ”, hoặc ý niệm về “Người Con Gái Trinh Nữ” là danh xưng ám thị Israel. Lời chào của Thần sứ “Chaire” trong tiếng Hy lạp có nghĩa là kính chào, hoặc “Hãy vui lên”, phác vẽ lại hai lời công bố trong cựu ước. Một, là loan báo quyền năng của Thiên Chúa sẽ xuất hiện để mang lại sự cứu thoát, và hai, là lời hoan vui “Mừng vui lên, hỡi thiếu nữ Sion”(Gio 9,9; Sop 3,14-17). Qua một hình ảnh khác, Đức Maria được loan báo cho biết “Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ phủ bóng trên Bà”. Đây là thuật ngữ mà bản Kinh Thánh 70 (septuagint) đã sử dụng để diễn tả sự kiện vinh quang của Thiên Chúa phủ ngập trên lều Chứng Ước. Trong căn lều đó, ánh sáng chói lọi và vinh quang của Thiên Chúa luôn luôn ngập tràn (Xh 40,35).
Maria là dung mạo hiển thị Israel trong Cựu ước. Sự trung tín của Đức Maria cũng tương hợp với sự trung thành của dân Chúa khi thực hiện giao ước. Đức Maria là đền thờ của Thiên Chúa. Tâm hồn Mẹ luôn tràn ngập vinh quang Ngài. Thiết tưởng, Đức Maria như một tấm gương, qua Ngài chúng ta có thể nhìn ngắm và phản chiếu niềm tin của chúng ta, từng cá nhân cũng như cả cộng đoàn. Tất cả mọi người chúng ta trong lòng tin, chúng ta sẽ là những giai nhân tuyệt mỹ, là con gái Israel không tỳ vết, là đền thờ của Đấng Tối Cao. Và như thế, chúng ta cũng như Đức Maria, là những người mang chở Thiên Chúa trong cung lòng mình. Có thể trong Giáo hội hiện nay, đa phần là những người nam nắm quyền lãnh đạo. Nhưng hình ảnh trên mang tính đặc thù để mời gọi chúng ta, nam cũng như nữ, chúng ta hãy mặc lấy căn tính cao quý này. Chúng ta có bao giờ nghĩ đến điều đó không? Đứng trước viễn cảnh mà thần sứ đã phác dẫn, Maria thực sự bối rối. Nhưng Ngài đã quy thuận Thánh ý Thiên Chúa và thể hiện căn tính cao trọng nơi mình, để trở nên đền thờ của Thiên Chúa. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta cũng có thể thực hiện giống như thế được không?
Peter Feldmeier
Văn Hào, SDB chuyển ngữ