Chúa Nhật 27 Thường niên năm C. Đức tin là gì?

Đức tin đi đôi với sự khiêm hạ.

Chúng ta vẫn được mệnh danh là tín hữu, tức là những người có đức tin. Với đức tin, nhiều người đã quảng đại từ bỏ tất cả, bỏ gia đình, bỏ quê hương xứ sở, bỏ bạn bè thân quen.. để dấn thân lên đường truyền giáo. Vì đức tin, biết bao anh hùng tử đạo đã can đảm chấp nhận cái chết để bày tỏ sự gắn kết với Đấng mà họ tín thác. Cộng đoàn quy tụ trong ngôi giáo đường để tham dự Thánh lễ mỗi ngày Chúa nhật cũng để diễn bày đức tin qua việc cùng nhau hướng về Chúa và cầu nguyện. Đức tin là ngọn đèn soi dẫn hầu giúp khám phá những chân lý được mặc khải mà đầu óc con người không thể lý giải. Các bài đọc lời Chúa hôm nay, đặc biệt bài Tin mừng nhấn mạnh về đức tin. Chúa nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: hãy bật rễ lên, xuống dưới biển mà mọc nó cũng sẽ vâng lời anh em.” Đức tin là chìa khóa then chốt để chúng ta có thể mở toang mọi cánh cửa, đi sâu vào thế giới của mầu nhiệm. Vậy đức tin là gì, và chúng ta cần hiển thị đức tin như thế nào?

Đức tin là gì?

Để trả lời câu hỏi này, Giáo hội dạy : “Tin là gắn kết trọn vẹn con người chúng ta với Thiên Chúa, đấng đã mặc khải chính mình. Đức tin được diễn bày qua 2 chiều kích: Tin vào Thiên Chúa và tin vào Chân lý đã được Thiên Chúa mặc khải (Sách Giáo lý Công giáo số 176,177)”. Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần và là nền tảng của đời sống Kitô hữu. Đó là một ơn nhưng không do Thiên Chúa trao ban và con người cần mở lòng ra để đón nhận.

Trong bài Tin mừng hôm nay, các tông đồ xin Chúa tăng thêm lòng tin cho họ. Chúa Giêsu dần dần đưa dẫn các học trò đến chân trời đức tin. Chân trời này không phải chỉ tóm gọn trong một định thức giản đơn hay một bài học đơn sơ, nhưng cần phải trải nghiệm dần để tiến sâu vào trong suốt cả cuộc đời. Chúa nói với Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban Con một, để ai tin vào Con của Ngài sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Vì vậy, đức tin là điều kiện duy nhất để được cứu độ.

Nhiều người vô thần hiện nay cho rằng tôn giáo chỉ là những gì mê tín. Karl Marx đã từng tuyên bố: “Tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ nhân dân”. Quan niệm này ngày nay đã trở nên quá lạc điệu và không thể chấp nhận. Con người ngày càng nhận thức nhu cầu tâm linh một cách sâu xa.

Ông Eyrien, một nhà xã hội học đã thống kê và cho thấy rằng trong số 432 nhà bác học có tên tuổi khắp nơi trên thế giới vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chỉ có 16 người tự nhận là vô thần, 34 người không có lập trường rõ ràng, còn lại 367 vị vẫn tin có Thiên Chúa. Như vậy, có đến 92% các nhà khoa học nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, tiêu biểu như Ampère, Copernic, Volte, Newton, Lavoisier, Pasteur, Pascal, J.J. Rousseau…Giáo hội vẫn khẳng định rằng đức tin không đối kháng với khoa học, nhưng ngược lại càng tìm hiểu khoa học con người lại càng khám phá sâu hơn về Thiên Chúa.

Ông D’Alembert là một bác học vô thần đã mất niềm tin hoàn toàn. Nhưng trên giường hấp hối, ông xin gặp một linh mục để trở về với Chúa và tìm lại đức tin cho mình. Triết gia Shaupenhauer, một triết gia vô thần người Đức thuộc thế kỷ 19, suốt cuộc đời đã nguyền rủa tôn giáo và chọc giận Thiên Chúa. Lúc gần chết, ông đau đớn thốt lên: “Chúa ơi, sao tôi khổ thế này”. Vị bác sĩ săn sóc ông ta đã ngạc nhiên và hỏi: “Ông cũng còn tin Thiên Chúa nữa hay sao?” Ông trả lời: “Vào lúc này khi đối diện trước cái chết, cái triết lý vô thần của tôi đã hoàn toàn trở nên vô tích sự, chẳng giúp ích gì cho tôi được cả.” Ông Voltaire cũng vậy, ông đã chối bỏ Thiên Chúa và ra sức tấn công Giáo hội. Trên giường bệnh, ông gào thét lên: “Kìa, tôi nhìn thấy bàn tay của Thiên Chúa đang giơ ra để trừng phạt tôi, và cửa hỏa ngục đang mở toang để đón tôi vào, vì tôi đã chống lại Thiên Chúa, chống lại Giáo hội của Ngài”. Một người bạn đứng đó chứng kiến và đã kể lại: “Nếu ma quỷ có chết được, nó cũng không phải trải qua cái chết ghê sợ như cái chết của Voltaire.”

Ngược lại, chúng ta thấy rất nhiều khoa học gia tài ba vẫn thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa một cách sâu xa. Ông Louis Amstrong cùng 2 người bạn Mỹ là những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969. Khi vừa đến nơi, việc đầu tiên họ thực hiện là quỳ gối xuống, khiêm tốn cầu nguyện với Chúa và tạ ơn Ngài.

Như vậy, đức tin không đối nghịch với khoa học. Có những điều khoa học không giải thích được, nhưng chỉ với đức tin, con người mới có thể cảm thấu. Chúng ta vẫn gọi đó là những phép lạ, là những sự việc siêu thường xảy ra do sự can thiệp nhiệm mầu của Thiên Chúa. Tương tự, Chúa nói hôm nay: “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải, anh em bảo cây dâu này dời xuống biển, nó sẽ vâng lời anh em”. Nói cách khác, với đức tin, phép lạ sẽ xảy ra.

Sống và vun trồng đức tin.

Thánh Giacôbê đã dạy : “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Đức Hồng Y Etchegarey khi đến thăm Việt Nam vào năm 1989 đã so sánh Giáo hội Việt Nam vói Giáo hội Pháp. Ngài nói, ở Pháp 90% dân chúng có đạo nhưng chỉ 10% trong số ấy thực hành đức tin, cụ thể là đến nhà thờ ít nhất mỗi tuần một lần. Còn tại Việt Nam, số người Công giáo chưa tới 10%, nhưng trong số này có đến 90% vẫn thực hành đức tin đều đặn. Song Ngài tiên báo, Giáo hội Việt Nam trong vòng 30 năm nữa cũng sẽ giống Giáo hội Pháp bây giờ. Khi con người bắt đầu lao vào cuộc sống duy vật và chỉ lo hưởng thụ, đức tin của họ sẽ dần dần bị sói mòn. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa dạy các môn đệ cách thức vun trồng đức tin, đó là phải sống thật khiêm hạ, luôn ý thức mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa. Chúa nói: “Khi anh em làm xong bổn phận, thì hãy nói, “Chúng tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận đấy thôi.”

Kết luận

Chúng ta nhìn vào Đức Maria như là khuôn mẫu và cũng là Thầy dạy đức tin. Mẹ đã khiêm tốn, coi mình như một tôi tớ, luôn để Thiên Chúa hướng dẫn đời mình và sẵn sàng thực thi những gì Chúa muốn. “Phúc cho bà là kẻ đã tin.” Xin Mẹ dạy chúng ta biết thể hiện và vun trồng đức tin giống như Mẹ năm xưa.

Văn Hào, SDB

Visited 4 times, 1 visit(s) today