Chúa Nhật 22 Thường Niên Năm A: Thập giá, con đường theo Chúa Giêsu

Truyện Tây du ký kể lại cuộc ra đi đầy gian nan của Thầy Tam Tạng. Những gian nan thử thách xảy đến cho vị thiền sư họ Đường không phải là những gai góc hiểm nguy của cuộc hành trình dài, nhưng là những tật xấu nơi 3 đệ tử thân tín của ông: Tôn Ngộ Không; Trư Bát Giới và Sa Tăng. Ba anh học trò này là biểu tượng của 3 tật xấu mà vị thiền sư kia cũng như mọi người đều phải vượt qua để đạt đến chính quả, đó là tính kiêu căng, lòng ham mê nhục dục và sự lười biếng.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại sự ra đi của Chúa Giêsu trên lộ trình tiến về Giêrusalem. Ngài lên Giêrusalem để đi vào con đường Thập giá và tiến nhận cái chết. Trong cuộc hành trình ấy, Chúa đã hy sinh từ bỏ tất cả, cho đến cả mạng sống. Đó cũng là con đường độc đạo, là lối bước duy nhất mà các môn sinh của Chúa phải can đảm dấn thân để đi vào. Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Bởi vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm đươc mạng sống ấy”. Lời mời gọi của Chúa hôm nay là thách đố lớn nhất đối với các tông đồ năm xưa, cũng như cho mọi người chúng ta ngày hôm nay.

Nghịch lý của thập giá

Thánh Phaolô đã viết “Tôi chỉ biết Đức Kitô, và là Đức Kitô bị đóng đinh trên Thập giá”. Cái chết tức tưởi và oan nghiệt của Chúa 2000 năm trước vẫn luôn là một ẩn số vĩ đại và không thể hiểu được đối với đầu óc con người. Một Thiên Chúa toàn năng và cao cả đã bị con người hạ xuống tận đáy bùn đen và bị kết án như một tên tội phạm đốn mạt nhất. Người Do Thái xem hình phạt thập gía như một sự sỉ nhục khủng khiếp và man rợ. Người Hy Lạp sánh ví những con người bị đóng đanh như là những tên khờ khạo và xuẩn ngốc. Nhưng Đức Giêsu đã tự nguyện chọn cái chết kinh hoàng ấy để mở toang cho chúng ta một chân trời mới, chân trời của ơn cứu độ. Nghịch lý của Thập giá cũng chính là nghịch lý của một tình yêu cao cả mà người đời không thể hiểu nổi. Các môn đệ năm xưa cũng không hiểu được. Vì thế, Phêrô đã ra sức can ngăn. Chúa quay lại nói với Phêrô: “Satan, hãy lui ra đằng sau Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người”. Những suy nghĩ của con người luôn khác xa với điều Thiên Chúa mong muốn. Vì vậy, nghịch lý của Thập giá mãi luôn là một ẩn số lớn nhất đối với tất cả mọi người chúng ta.

Từ bỏ tận căn – Đòi hỏi của con đường Thập giá

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và quyết tâm từ bỏ: Từ bỏ ma quỷ, từ bỏ thế gian cùng những cuốn hút dẫn đến tội lỗi. Trong đêm Thứ Bảy tuần thánh, chúng ta cũng lập lại lời tuyên tín này với ngọn nến thắp sáng cầm trên tay. Nhưng có bao giờ chúng ta bình tâm ngồi lại để lục soát lương tâm, xem chúng ta đã thực hiện tinh thần từ bỏ ấy như thế nào. Sự từ bỏ Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay không phải chỉ là sửa chữa một vài tật xấu hay những thói quen không lành mạnh, cũng không phải chỉ giới hạn trong một vài hy sinh khổ chế, nhưng đó chính là sự từ bỏ tận căn, hy sinh ngay đến cả mạng sống. Chúa nhắc lại một tiêu chí căn bản để chúng ta thực hiện cho mình sự chọn lựa “Nếu người ta được lời lãi cả thế giới mà thiệt mất linh hồn, thì nào có lợi gì” (c. 26). Tiêu chí ấy phải trở thành quy chuẩn căn bản trong sự chọn lựa của chúng ta mỗi ngày, kéo dài trong suốt cả cuộc đời.

Xã hội ngày hôm nay đầy những cám dỗ và thử thách. Nếp sống hưởng thụ theo hình thái duy vật đang dần gặm nhấm niềm tin của chúng ta đặt để nơi Thiên Chúa. Đây là một kiểu sống vô thần, không phải chỉ trên lý thuyết nhưng trên thực hành cách cụ thể. Chúng ta vẫn thường tôn kính Thánh giá, đặc biệt trong cử hành phụng vụ ngày Thứ Sáu tuần thánh. Ngoài ra, nhiều người vẫn hay đeo ảnh Thánh giá trên ngực, nhưng chỉ để trang trí hơn là để tôn thờ. Tại nhiều giáo xứ, người ta vẫn hay tổ chức tưởng niệm cái chết của Chúa với những bài ngắm nguyện, những nghi thức táng xác hay than mồ cách trang trọng kèm theo những tiếng khóc than ai oán. Nhưng quả là rất giả tạo khi chúng ta tổ chức những cuộc rước suy tôn Thánh giá một cách hoành tráng và rầm rộ bên ngoài, nhưng cuộc sống cụ thể lại đi ngược lại với những đòi hỏi của Thập giá, như Chúa Giêsu nói tới trong bài Tin mừng hôm nay.

Hiến dâng thân mình làm của lễ sống động

Sứ điệp mà Thánh Phaolô nói tới trong bài đọc 2 hôm nay tóm kết những gì chúng ta cần phải thực hành để tiếp bước dấu chân của Đức Giêsu trên con đường Thập giá. Thánh Tông đồ viết: “Anh em đừng có làm theo thế gian, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn”. Cũng như Đức Giêsu đã đón nhận cái chết để trở nên của lễ vô giá dâng lên Chúa Cha, thì những học trò của Ngài cũng phải sống mầu nhiệm Thập giá mỗi ngày để biến đời sống chúng ta trở thành của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa. Như vậy, tự bản chất, ơn gọi Kitô hữu luôn hàm ngậm cái chết tử đạo. Đây không phải là cuộc tử đạo bằng máu nơi pháp trường, nhưng là sự từ bỏ liên lỷ trong những hy sinh nhỏ bé và liên lỉ của cuộc sống hằng ngày. Trong xã hội duy vật vô thần hôm nay, lời mời gọi của Chúa Giêsu để sống mầu nhiệm tử đạo ngày càng khẩn thiết và quyết liệt hơn bao giờ hết. Đặc biệt, đứng trước sự cuốn hút của tiền bạc, của danh lợi, của một lối sống hưởng thụ và ích kỷ, giới trẻ ngày nay đang có nguy cơ rơi vào một cuộc sống vô thần rất nguy hiểm. Lời Chúa hôm nay cho dầu chúng ta đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần, nhưng vẫn luôn mang tính thời sự cho tất cả mọi người, đặc biệt đối với các bạn trẻ.

Kết luận

Có một đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau và dắt nhau đi hưởng tuần trăng mật. Đôi bạn khá nghèo và ước mơ có một căn nhà khang trang để ở. Hai anh chị thầm thì với nhau về ước mơ ấy khi ngồi nghỉ trên một ghế đá tại công viên. Một tỷ phú ngồi gần đó tình cờ nghe thấy. Ông ta hứa sẽ cho đôi vợ chồng một triệu đôla để thỏa mãn ước mơ với một điều kiện duy nhất, đó là cô vợ sẽ phải qua đêm với ông ta trong một khách sạn. Nghe vậy, cặp vợ chồng trẻ suy tính thật kỹ và chấp nhận. Hôm sau, họ đến văn phòng luật sư để làm giấy cam kết. Nhưng sau một đêm với nhà tỷ phú, cô ta bỗng thấy anh chồng của mình chỉ là một anh nhà quê cù lần và nghèo kiết xác, tài sản chẳng có gì đáng giá. Cô ta đổi ý, làm đơn xin ly dị với anh chồng mới cưới và về ở với chàng tỷ phú giàu có kia. Cuối cùng gia đình trẻ này bị tan vỡ. Cô gái trẻ về sống với ông nhà giàu cũng chẳng được bao lâu và cuộc sống mới của cô ta chẳng khác gì hỏa ngục. Thế là cô ta mất hết, tiền bạc không còn, tình yêu cũng vỗ cánh bay cao và cuối cùng cô nàng đã tự vẫn trong tuyệt vọng.

Câu chuyện hư cấu trên không phải chỉ có trong tiểu thuyết hay trong phim ảnh, nhưng vẫn đang xảy ra trong cuộc sống hôm nay nơi các bạn trẻ. Còn chúng ta, chúng ta có dám nói không trước sự cuốn hút của tiền bạc, của lạc thú hay lối sống hưởng thụ hôm nay hay không. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng ta sống tinh thần từ bỏ theo lời mời gọi của Chúa Giêsu.

Lm. GB Trần Văn Hào, SDB


Visited 9 times, 1 visit(s) today