Chúa Nhật 2 Phục Sinh: Niềm tin có tính toán cẩn thận

“Ngài thổi hơi vào các ông và nói với họ: Hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,22)

Để xác định một người đã chết, ngày xưa người ta thường đặt một tấm gương dưới hai lỗ mũi của thi hài người quá cố để xem người đó còn thở hay không. Ngày nay, với phương pháp đo điện tâm đồ và kiểm tra hoạt động của phổi, người ta sẽ kết luận một người đã chết thực sự khi họ ngưng thở hoàn toàn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô Phục Sinh đã ‘thổi hơi  sự sống’ vào buồng phổi nhỏ bé của cộng đoàn những người tin, giải thoát họ khỏi sợ hãi, làm cho họ được lưu thông huyết mạch đức tin để họ có thể cùng nhau ‘thở’ và sống cách sung mãn cho sứ mệnh được gửi trao.

Các môn đệ đầy sợ sệt đang ngồi co rúm lại với nhau trong căn phòng đóng kín vì ‘sợ người Do Thái’. Sau khi Đức Giêsu bị hành quyết, nỗi khiếp sợ này cũng dễ hiểu, vì họ lo lắng sẽ đến lượt mình. Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, hạn từ ‘Người Do Thái’ đồng nghĩa với những con người không tin vào Đức Giêsu và chống đối Ngài, cho dầu chính Đức Giêsu và những học trò đầu tiên của Ngài cũng là người Do Thái. Đối tượng sự sợ hãi nơi các môn đệ, chính là những người cũng giống họ về người gốc dân tộc, nhưng khác họ ở niềm tin vào Đức Giêsu.

Đôi khi, điều làm chúng ta khiếp sợ nhất, là phải trực diện những gì chúng ta không muốn xảy đến cho mình như đã từng xảy ra cho người khác. Giữa cơn sợ hãi cao điểm như thế nơi các tông đồ, Chúa Giêsu đã hiện ra và đến với họ, mời gọi họ đón nhận sự bình an mà Ngài mang đến cho họ. Đó không phải là sự bình an cất giấu đi sự tàn bạo hằn sâu nơi thân thể Ngài, khi Ngài vạch mở cho họ thấy những vết thương lồ lộ vẫn còn nguyên trạng nơi thân xác. Ngược lại, đây là sự bình an với nhận thức đầy đủ về sự khủng khiếp với những gì đã xảy ra nơi cái chết của Chúa. Tuy nhiên, bình an sẽ đến trong tiến trình chữa lành những vết thương ấy, trong tinh thần tha thứ và hoà giải chứ không phải qua bạo lực hay oán thù. Ngắm xem những vết tích nơi thân thể Chúa, phải có một cái nhìn khác. Đó không phải là một cái nhìn mang tính thù hận, nhưng là một thái độ được Chúa Kitô khởi dẫn để chữa lành, với tinh thần và bình an của Ngài, để giúp các môn đệ thoát vượt sợ hãi, vươn tới niềm vui thực sự.

Kết quả, chính là sự hồi sinh của cộng đoàn. Cũng giống như Đấng Tạo Hoá ban đầu đã thổi hơi vào lỗ mũi của nguyên tổ để trao ban sinh khí (St 2,7), Đức Kitô Phục Sinh cũng đem lại sự sống cho cộng đoàn những kẻ tin và theo Ngài, đang chìm trong khiếp sợ. Đây không phải là một tiến trình dễ dàng và giản đơn.

Tôi có một người bạn bị viêm phổi nặng, sự đau đớn ghê gớm mà người bạn đó đã kinh qua khi buồng phổi đang bị tàn phá khủng khiếp, khiến tôi liên tưởng gần sát với những khó khăn mà những học trò của Đức Giêsu đã trải qua trong tiến trình biến đổi đức tin. Trước khi thụ nạn, Đức Giêsu đã nói với họ về những thống khổ như là nỗi đau quặn của một phụ nữ khi sinh nở, để sau đó có được niềm vui khi một mầm sống mới được khai sinh (Ga 16, 20-22).

Đối với vài người trong nhóm họ, sự tái sinh này xảy ra vào ngày thứ nhất trong tuần sau khi Đức Kitô đã Phục Sinh. Nhưng không phải tất cả đã hiện diện ngày hôm ấy và đã cảm nghiệm được giai điệu huyền nhiệm này. Tuần sau, vài người trong họ vẫn còn sợ và cửa vẫn còn đóng kín. Họ đưa ra những điều kiện dường như bất khả thi để có thể tin. Tôma đã lên tiếng bộc lộ sự nghi ngại: “Tôi cần phải thấy tận mắt, sờ tận tay, mới tin.” Đây không phải là một sự phản kháng ngoan cố trước những gì các bạn hữu khác đã trải nghiệm và truyền đạt lại, nhưng thực sự Tôma muốn nói lên rằng mọi người và từng mỗi người cần được tiếp cận trực tiếp với Đức Kitô để có thể tin.

Ở đây, không có chuyện Tôma đã thể hiện một thứ đức tin hạng hai, và càng không phải Ngài là kẻ cứng lòng tin. Chứng tá của các bạn khác dẫn ông đến với Đức Giêsu, nhưng không thay thế cho  kinh nghiệm của chính bản thân để ông có thể thấy được tận mắt. Ông cần phải gặp gỡ Đức Giêsu một cách trực tiếp, cũng như riêng từng người trong nhóm họ. Tin Mừng cho phép người ta có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau để có được đức tin. Một vài người có thể thủ đắc đức tin bằng việc nhìn thấy, những người khác có thể không cần. Cả hai thái độ này đều tốt và được Chúa chúc lành. Cách thức đến với đức tin, điều đó không quan trọng, giữa một cộng đoàn mà đức tin luôn được toan tính cẩn thận, nhưng trong đó mọi người cùng “thở” chung với nhau bằng hơi thở của Thần Khí, Đấng sẽ đẩy lùi mọi sợ hãi bằng khí cụ của bình an, của sự tha thứ và của sự giao hoà.

Nữ tu Barbara E. Reid, O.P
Văn Hào SDB chuyển ngữ

Visited 4 times, 1 visit(s) today