Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm B: Làm việc và cầu nguyện

Con người là một huyền nhiệm, được Thiên Chúa dựng nên có hồn và xác. Con người phải làm việc để có của ăn nuôi thân xác, nhưng chúng ta cũng cần cầu nguyện để có lương thực nuôi linh hồn. ‘Làm việc và cầu nguyện’ (Orare et laborare) là châm ngôn sống của Thánh Biển Đức, đồng thời cũng là sứ điệp mà lời Chúa nhắn gửi chúng ta hôm nay, đặc biệt qua 2 hình ảnh Mát-ta và Maria được phác vẽ trong Tin mừng.

Hai vị thánh với 2 dung mạo khác nhau

Sự thánh thiện của Mát-ta và Maria được biểu tỏ qua 2 dạng thức. Mát-ta thì lăng xăng phục vụ Chúa qua những bận rộn bên ngoài, còn Maria thì ngồi thinh lặng bên chân Chúa để nghe những lời Ngài ngỏ trao. Chúa Giêsu nói: “Mát-ta, con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. Không phải Chúa chê trách Mát-ta về những bận rộn bên ngoài, nhưng Chúa mời gọi tất cả chúng ta phải quy hướng mọi việc trong cuộc sống về với Chúa để diễn bày tình yêu đối với Ngài. Những hoạt động để phục vụ thì rất tốt, nhưng nếu không khởi nguồn từ tình yêu quy hướng về Chúa, thì đó chỉ là những công việc từ thiện, thuần túy mang chiều kích xã hội bề ngoài mà thôi. Đức Thánh Cha Piô 12 gọi đó là lạc giáo (hérésie de l’action), một loại chủ nghĩa duy hoạt động, thiếu vắng chiều kích linh thánh bên trong. Mẹ Têrêsa Calcutta dạy các con cái mình mỗi ngày phải dành ít nhất một tiếng đồng hồ để nguyện ngắm, hầu kín múc sức mạnh nơi tình yêu Thiên Chúa trước khi bắt tay vào công việc dấn thân phục vụ người nghèo.

Sa mạc hóa tâm hồn: Thinh lặng để lắng nghe

Hình ảnh của Maria được Chúa Giêsu đánh giá rất cao hôm nay. Maria đã rút lui vào trong cô tịch của sa mạc tâm hồn để nghe Chúa nói. Trong Thánh kinh, sa mạc là nơi Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người và cũng là nơi con người đến gặp gỡ Thiên Chúa. Trong sa mạc, Thiên Chúa ngỏ trao sứ mạng. Cũng trong sa mạc, con người được Thiên Chúa giáo dục và hướng dẫn. Đó là cách thế để chúng ta tìm lại cho mình sự bình an và sức mạnh vươn tới, giữa những bươn chải và chộn rộn của cuộc sống hằng ngày. Ngày xưa, Araham đã đi vào sa mạc Ả Rập để gặp Đức Chúa Giavê và đón nhận sứ mạng trở nên tổ phụ một dân tộc đông đúc. Môise cũng đi vào sa mạc Sua để được Chúa ban chỉ lệnh đưa dẫn đoàn dân ra khỏi Ai cập. Trước khi tiến vào đất hứa, dân Israel cũng phải kinh qua cuộc hành trình 40 năm trong sa mạc để được Thiên Chúa sửa dậy. Giữa những lo toan của cuộc sống đời thường hôm nay, Chúa cũng muốn chúng ta biến tâm hồn mình thành sa mạc để trong tĩnh lặng, chúng ta nghe được tiếng Chúa và được nuôi dưỡng bằng chính lời hằng sống của Ngài. Trong tĩnh lặng giữa đêm khuya, Samuel đã nghe thấy tiếng Chúa đang gọi ông. Cũng giữa đêm trường vắng lặng, Thánh Giuse đã nghe tiếng Chúa mời gọi để đón nhận Maria về nhà và sau đó dẫn đưa gia đình Nazareth trốn sang Ai Cập. Sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống, đặc biệt những lo toan về tiền bạc, về chức quyền, là những tiếng động ầm ĩ cản che đôi tai của cõi lòng, khiến chúng ta không thể nào nghe được những điều Thiên Chúa đang nói với chúng ta.

Cầu nguyện trước hết là biết nghe tiếng Chúa

Một nhà tu đức nọ đã phân định việc cầu nguyện gồm 4 cấp độ. Cấp độ sơ đẳng đầu tiên: Tôi nói Chúa nghe. Cấp độ cao hơn: Chúa nói tôi nghe. Cấp độ thứ 3: Không ai nói, cả 2 đều nghe. Và đỉnh cao của việc cầu nguyện là ở cấp độ sau cùng, chúng ta đến gặp Chúa, không ai nói, chẳng ai nghe, tất cả thinh lặng hoàn toàn để đi vào sự hiệp thông một cách trọn vẹn. Khi đến nhà thờ cầu nguyện, chúng ta vẫn thường đọc các câu kinh, lắm khi giống như một cái máy vô hồn, nhưng chúng ta dễ quên mất điều quan trọng là cần tập sống thinh lặng để nghe những điều Chúa muốn nói với chúng ta. Maria là hình mẫu tuyệt hảo về việc cầu nguyện. Cô đã gác lại nhưng chộn rộn vướng bận bên ngoài, không phải vì lười biếng hay thích đùn đẩy công việc cho người khác. Nhưng, lý do duy nhất như Chúa Giêsu đã nói, chính là: “Chỉ có một chuyện cần thiết hơn. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bao giờ bị lấy đi”. Ông Mahatma Gandhi đã từng bộc bạch: “Tôi không phải là một ẩn sỹ hay một khoa học gia nhưng tôi tự hào là một người biết cầu nguyện. Chính cầu nguyện đã cứu thoát đời tôi”.

Kết luận

Nơi các vị thánh lớn, chúng ta luôn thấy có sự kết hợp hài hòa giữa làm việc và cầu nguyện. Don Bosco vẫn được mệnh danh là con người ‘chiêm niệm trong hoạt động’. Trở nên một nhà thần bí (mystic) không phải chỉ là suốt ngày ngồi đọc kinh hay ngất trí trong nhà thờ, nhưng quan trọng hơn cả là biết kín múc tình yêu từ nơi Thiên Chúa trong chiêm nghiệm và đem tình yêu ấy dàn trải trong mọi hoạt động tông đồ hằng ngày. Maria và Mát-ta mà bài Tin mừng hôm nay nói tới đã trở nên mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta ngày hôm nay.

Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB

Visited 56 times, 1 visit(s) today