Triết gia Bergson đã phát biểu: “Con người là một sinh vật xã hội”, hoặc nói như Karl Marx: “Con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”. Dưới một khía cạnh nào đó, những quan niệm này khá đúng, vì ‘Không ai là một hòn đảo’ (Thomas Merton), và chẳng ai trong chúng ta có thể sống cô lẻ một mình. Chúng ta chỉ có thể sống và tồn tại trong sự tương liên với những người khác. Để sống sự liên đới ấy, con người được Thiên Chúa phú ban một khả năng rất cao quý, đó là biết sử dụng ngôn ngữ. Chúng ta dùng ngôn ngữ hay lời nói của mình để diễn bày tư tưởng, biểu tỏ những cảm xúc, hầu kiến tạo sự hiệp thông với cận nhân chung quanh.
Thiên Chúa cũng chung hòa kiếp sống làm người với chúng ta. Ngài đi vào thế giới loài người bằng chính ‘Lời’ của Ngài. Để tiếp xúc, Thiên Chúa cũng ‘nói’ với chúng ta. Khởi đầu thư gửi tín hữu Do Thái, tác giả viết: “Thưở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua các ngôn sứ. Nhưng vào thời sau hết, Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Người Con”. Đức Giêsu là ‘Lời’ được Thiên Chúa ban tặng cho trần gian. Ngài là Ngôi Lời của Chúa Cha. Lời tác sinh vũ trụ, đã nhập thể, và cư ngụ giữa chúng ta. Lời của Chúa tự bản chất là lời hằng sống, đem lại cho con người sự sống trường tồn.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu vay mượn hình ảnh những hạt giống để sánh ví với Lời của Ngài, và đó là những hạt giống được gieo vào những thửa ruộng lòng người. Lời Chúa được trao ban cách nhưng không và rất hào phóng, như người đi gieo tung những hạt giống đến khắp nơi. Song, Lời có mang lại hoa trái hay không còn tùy thuộc vào thái độ nội tâm nơi mỗi người. Tâm hồn chúng ta có thực sự trở nên như mảnh đất tốt, hay chỉ là miếng đất cằn cỗi bên vệ đường đầy sỏi đá hay gai góc, điều đó hệ ở sự cộng tác của chúng ta nhiều hay ít. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại thái độ đức tin để biết cách tiếp cận Lời Chúa, hầu những hạt giống của Lời được trổ sinh hoa trái.
Lời Chúa đem lại sự sống
Lời nói của con người giống như con dao hai lưỡi. Nó có thể là phương tiện kiến tạo hòa bình, nhưng cũng có thể là một thứ vũ khí giết người thâm độc. Thời hoàng đế Antonius của đế quốc Rôma có một nhà hùng biện đại tài tên là Cicéron. Ông dùng khiếu ăn nói để thu phục nhân tâm và lôi kéo quần chúng chống lại sự cai trị hà khắc của tên bạo chúa. Cái lưỡi của ông như một vũ khí sắc bén rất lợi hại. Hoàng đế Antonius đã bắt ông và giam ông vào ngục. Bà vợ của Antonius sai lính chặt đầu Cicéron, và chính tay bà đã dùng dao cắt lưỡi nhà hùng biện. Bà ta còn điên cuồng lấy kim đâm nát cái lưỡi của Cicéron, vì bà nghĩ rằng chính vì cái lưỡi thâm độc ấy mà ngai vàng của chồng bà suýt bị sụp đổ tan tành. Lời nói của con người có thể gây nên chiến tranh, tạo ra những đổ vỡ hay khơi dậy sự oán thù. Nhưng Lời Chúa thì hoàn toàn khác. Tự bản chất, Lời Chúa sẽ phát sinh sự sống. Phêrô đã từng bày tỏ: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai. Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Đây là lời tuyên tín của vị tông đồ trưởng qua mạc khải của Thần Khí.
Tác giả sách Sáng Thế cũng thuật lại công cuộc tạo dựng. Tác giả viết: “Thiên Chúa phán, hãy có ánh sáng, liền có ánh sáng. Thiên Chúa phán hãy có vòm trời phân chia nước…, hãy có các sinh vật, có các loài chim trên bầu trời,… và đã có như thế” (St chương 1). Lời Thiên Chúa đem lại sự sống và ơn cứu độ. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn đòi hỏi chúng ta phải cộng tác, phải biến tâm hồn mình thành mảnh đất tốt, và Ngài luôn trân trọng tự do nơi con người.
Lời Chúa là một nghịch lý
Sau khi Đức Giêsu tuyên bố về Bánh Trường sinh, là chính thịt và máu Người, đám đông ngán ngẩm bỏ đi và nói với nhau: “Lời này chói tai quá, ai nghe cho nổi (Ga 6,60). Lời Chúa luôn là nghịch lý đối với đầu óc và sự suy tính của con người. Lãnh tụ Krouschev đã có lần nói với những tín hữu Kitô: “Tôi rất thích đọc những giáo huấn của Đức Giêsu, nhưng tôi không thể chấp nhận điều mà Đức Giêsu đã nói: “Ai tát ngươi má bên này, hãy giơ cả má bên kia, ai lột của ngươi chiếc áo ngoài, hãy ‘kính biếu’ nó luôn cả chiếc áo trong. Không đời nào tôi làm thế. Chúng ta phải kiên quyết chống lại kẻ thù để có thể tồn tại”. Cũng vậy, bài giảng trên núi được Thánh sử Matthêu ghi lại trong chương 5, đầy những nghịch lý mà con người với đầu óc suy nghĩ bình thường không thể chấp nhận. Thế gian đề cao sự giàu sang, Chúa lại nêu bật sự nghèo khó như một mối phúc. Người ta chủ trương phải chống lại kẻ thù, Chúa lại dạy phải yêu thương và đừng cự lại người ác. Nếu không cắm sâu vào mầu nhiệm Thập giá, chúng ta sẽ không thể cảm thấu được ý nghĩa của những nghịch lý mà Chúa Giêsu đã dạy. Thập giá là kết tụ và cũng là cao điểm của mọi nghịch lý nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Chúa Cha. Để trải nghiệm và sống nghịch lý này, chúng ta cần mở lòng để tin vào Ngài. Đây là đích nhắm được nói đến trong các sách Tin mừng, nhất là trong Tin mừng của Thánh Gioan.
Thái độ đối với Lời
Lời Chúa không phải là bảng tổng hợp những tư tưởng khuyến thiện, dạy chúng ta ăn ngay ở lành. Kinh thánh cũng không phải là bộ bách khoa tự điển để chúng ta lục tìm những kiến thức về khoa học. Chúng ta đừng xem Lời Chúa như một bộ sách làm giàu cho sự hiểu biết nơi đầu óc mình, cũng đừng trích những câu Kinh thánh chỉ giống như những câu danh ngôn của các bậc hiền nhân khác. Nhưng, chúng ta hãy tập thinh lặng lắng nghe Lời Chúa, bắt chước thái độ của ngôn sứ Giêrêmia: “Gặp được Lời Chúa tôi đã nuốt vào. Lời Chúa trở thành hoan lạc cho tôi, thành niềm vui của lòng tôi”. ‘Nuốt’ Lời Chúa chính là để cho lời hằng sống thẩm thấu vào thịt máu, vào tâm hồn và vào chính cuộc sống của chúng ta. Lời Chúa ngỏ với chúng ta qua các biến cố cuộc sống hằng ngày, qua các cử hành phụng vụ, qua các bài giảng huấn và nhất là qua các bài đọc sách thánh mỗi khi chúng ta đi tham dự Thánh lễ. Giáo hội khuyến khích mọi người năng cử hành ‘Lectio Divina’ mỗi ngày, đặt Lời Chúa vào tâm điểm cuộc sống, giúp chúng ta suy niệm và cầu nguyện. Có như vậy, chúng ta sẽ làm cho hạt giống Lời Chúa phát sinh hoa trái trong đời sống thiêng liêng của chúng ta.
Kết luận
Một thanh niên Do Thái khoe với thầy Rabbi: “Thưa thầy, con đã đọc trọn bộ Kinh thánh từ đầu đến cuối 5 lần”. Nghe vậy, vị đạo sĩ trả lời: “Điều quan trọng không phải là con đã đọc Kinh thánh được mấy lần, nhưng con đã sống và thực hành lời Chúa được bao nhiêu lần”. Chúng ta hãy nhớ lại lời dạy của Thánh Giacôbê: “Anh em hãy đem Lời Chúa ra thực hành chứ đừng nghe suông mà lừa dối lòng mình. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gia 1,22-25).
Lm. GB Trần Văn Hào, SDB