Chữ Nhẫn Trong Giáo Dục

Nghệ thuật giáo dục không bao giờ là con đường bằng phẳng. Với tôi, nó là con đường gồ ghề hơn bất cứ nghệ thuật nào, vì nó chạm tới lòng người, vốn là nơi chẳng ai có thể đo được. Đôi lúc, lòng người nói ‘không’ thì lại  là lúc ta phải tìm ra cho bằng được chữ ‘có’; có khi lòng người nói ‘’ thì ta phải đi xa hơn để hiểu thấu được chữ ‘không’ nó muốn nói. Lòng người là thế. Chính vì vậy, trong giáo dục, người ta nói đến chữ NHẪẪ…Ẫ ẪN… như là chữ có chiều dài MÃI MÃI.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho chúng ta hiểu tại sao như thế. Ngài cho ta thấy chính Thiên Chúa đã mãi mãi kiên nhẫn với chúng ta. Chúng ta bất nhẫn với con cái, với các thanh thiếu niên vì ta nói mà chúng không nghe. Ta bất nhẫn với những trẻ cá biệt. Đúng. Nhưng chúng ta mới xét một chiều thôi. Chúng ta hãy nhìn lại chính mình: CHÚNG TA CŨNG CỨNG ĐẦU y như những thiếu niên cứng đầu, và còn hơn chúng nữa. Y như thánh Tô-ma tông đồ cứng đầu đòi cho tay vào lỗ đinh, những thương tích của Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng vậy. Nhưng may mắn thay cho ta. “Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta, ngay cả khi chúng ta bỏ mặc Ngài ở đằng sau! Thiên Chúa không bao giờ xa ta, và nếu chúng ta trở lại với Ngài, Ngài sẵn sàng ôm lấy chúng ta (Bài giảng ngày 7 tháng Tư tại Thánh đường Gioan Laterano). Đức Phanxicô nói tiếp: “Đức Giêsu không bỏ mặc Tôma trong sự bất tín cứng tin của ông. Ngài không đóng cửa lại trước Tôma. Ngài chờ đợi.” Lý do của sự kiên nhẫn là Thiên Chúa yêu thương chúng ta quá sức. Chỉ những người yêu mến mới có thể hiểu, hy vọng, khởi hứng sự tin tưởng, họ mới không bỏ cuộc, không đốt cháy cây cầu, và luôn có thể tha thứ.” Dường như với Đức Giêsu, không có chỗ cho sự mất kiên nhẫn. Vì thế , Ngài là nhà giáo dục đại tài mà thánh Phaolô đã đúc kết tất cả khoa giáo dục đầy tình yêu của Thiên Chúa trong phát biểu: “Đức ái thì kiên nhẫn.”

Chúng ta sẽ ra sao, nếu Thiên Chúa bất kiên nhẫn với chúng ta, giống như thái độ chúng ta đã có đối với học sinh hay đối với con cái, thì chúng ta đã bị tiêu diệt cả vạn lần rồi. Chúng ta đã chẳng nếm cảm sự thật này sao: bao nhiêu lần chúng ta đã tái phạm cùng một tội, cùng một khuyết điểm; 10 lần, hay 100 lần, hay hơn nữa. Hình như cho đến chết chúng ta vẫn mắc vào cùng một thứ tội ấy. Nhưng đằng sau tất cả, chúng ta kinh nghiệm được Thiên Chúa vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi chúng ta đứng lên, thay đổi. Đối nghịch với điều này, ma quỷ luôn cám dỗ chúng ta thất vọng. chúng luôn gieo những mầm giống bi quan và cay đắng, khiến chúng ta thốt lên “Đời là thế. Chẳng có gì tốt đẹp cả”.

Để trở nên mạnh mẽ trong đức kiên nhẫn, Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến “sự thinh lặng trong kiên nhẫn”. Ngài nói đến thái độ của Đức Giêsu trong khổ nạn: Đức Giêsu không nói nhiều và chỉ nói những lời cần thiết… Đây không phải là sự kiên nhẫn trong buồn tủi, buồn bực. Trái lại, là sự kiên nhẫn trong hân hoan. Mang lấy sức nặng của khó khăn, chống đối, bách hại trên vai trong nhẫn nại. Đây là một tiến trình. Một tiến trình trưởng thành qua lối đường kiên nhẫn. Không thể có trưởng thành mà không kinh qua con đường kiên nhẫn. Chúng ta cũng thấy cùng một điều nơi các vị tử đạo. Họ kiên nhẫn trong đau khổ, nhưng không bao giờ là kẻ khổ dâm (masochistic). “Lộ trình của kiên nhẫn giúp chúng ta đào sâu sự bình an Kitô hữu, nó làm chúng ta nên mạnh mẽ hơn trong Đức Giêsu.”

Mạnh mẽ như thế nào? Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chúng ta đừng bao giờ trở nên những người rên rỉ, phàn nàn, kêu trách và lẩm bẩm. Kiên nhẫn cho phép chúng ta đo lường và nhận ra được những tiến bộ bé nhỏ của những người thụ giáo. Bằng cách đó, chúng ta không sống và không đánh giá mọi sự theo tiêu chuẩn của tính hiệu quả. Đức Thánh Cha lưu ý chúng ta phải nhìn ra sự thay đổi quan trọng nhất nơi con người, đó là thay đổi cõi lòng. “Thiên Chúa thay đổi cõi lòng chúng ta. Ngài biến đổi chúng ta từ cõi lòng của một tội nhân thành một vị thánh… Chỉ ân sủng mới thay đổi được cõi lòng. Chúng ta vẫn là những tội nhân, yếu đuối, nhưng ân sủng làm chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa giàu lòng xót thương và chờ đợi chúng ta “trong kiên nhẫn.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục cho thấy sự sóng đôi không thể tách biệt của can đảm và kiên nhẫn. Đối diện với những khủng hoảng hay khó khăn, chúng ta phải can đảm tiến tới. Và khi không thể làm được gì, hãy kiên nhẫn chịu đựng. Can đảm tiến tới phía trước, mạnh mẽ làm chứng và chịu đựng mọi sự: mang lấy trên vai chúng ta những điều mà chưa thể thay đổi được. Nhưng luôn tiến tới với kiên nhẫn.

Vậy trong hành trình lớn lên của người thụ giáo, các nhà giáo dục, các bậc làm cha mẹ không thể mất đi niềm hy vọng, nhưng hãy luôn xây dựng chữ NHẪN để chu toàn bổn phận cao quý của mình.

Văn Am, SDB

Visited 3 times, 1 visit(s) today