Chén Thánh Nên Làm Bằng Chất Liệu Gì

Trả lời của cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư Phụng vụ và Khoa trưởng Thần học Đại học Nữ Vương các Thánh Tông Đồ.

Hỏi: Ít năm trước đây, Vatican đã phát hành bản hướng dẫn liên quan tới các chất liệu phù hợp để làm chén thánh. Nói ngắn gọn, kim loại được phê chuẩn và những chất liệu dễ bể (bao gồm cả pha lê hay gốm sứ) đều bị cấm. Tuy nhiên, hầu như mọi giáo xứ tôi có dịp ghé thăm đang sử dụng các chén làm bằng pha lê hay là gốm sứ cho các thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường cho giáo dân rước Máu Chúa, trong khi vị linh mục thì dùng chén bằng kim loại. Điều này có vẻ mâu thuẫn, hay ít nhất cũng là không kiên định. Tôi có dịp nói chuyện với một vài linh mục thì các vị cũng góp ý là luật này nên mềm dẻo hay là thay đổi. Một vị linh mục than phiền về giá cả mắc mỏ của chén kim loại, ngài cũng muốn sử dụng những chén bằng kim loại, nhưng hiện tại thì chưa thể. Và rồi, trong đời sống tại thế, Chúa chúng ta cũng đã sử dụng chén làm bằng đất trong Bữa Tiệc Ly, vì vậy có vẻ hơi lạ khi loại chén Chúa đã sử dụng và coi là giá trị thì ngày nay Giáo Hội lại không chấp nhận. Có ý định hay thảo luận nào nhằm thay đổi quy luật này không thưa cha? – M.P., Indianapolis, Indiana.

Trả lời: Chúng tôi đã trả lời câu hỏi tương tự như vậy ngay khoảng đầu năm 2003. Lúc đó, mặc dù tôi đã trả lời rằng các chén thánh bằng thủy tinh hay là gốm sứ không nên được sử dụng vì nó dễ bể, tôi đã nói thêm rằng luật lúc đó vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Vấn đề này về sau trong hướng dẫn Redemptionis Sacramentum vào năm 2005 đã được giải quyết, cách chung nó đã phủ định vấn đề:

“[117] Các vật dụng thánh để đựng Mình và Máu Chúa phải được làm tuyệt đối tuân theo các quy tắc truyền thống và các sách phụng vụ. Các Hội đồng Giám mục có chức năng quyết định nó có phù hợp hay không, một khi các quyết định của họ đã được Tòa Thánh nhìn nhận recognitio, thì các vật dụng thánh cũng có thể làm bằng các vật liệu chắc chắn khác. Tuy nhiên, nó tuyệt đối đòi hỏi là các chất liệu như thế phải thật sự quý theo như đánh giá chung trong vùng của họ, để khi sử dụng thật sự dành cho Chúa sự tôn kính, và phải tránh đi tất cả những gì nguy hại tới tín lý về sự Hiện diện Thật của Đức Kitô trong hình Bánh và Rượu. Vì thế, đều là không phù hợp trong bất kỳ một việc thực hành nào trong việc cử hành Thánh Lễ với các vật dụng không đủ chất lượng, hay là không có thẩm mỹ, hay là đơn giản chỉ là những đồ đựng mà thôi, hay là những vật dụng khác làm bằng thủy tinh, bằng đất, đất sét, hay các chất liệu khác dễ bể. Quy tắc này được áp dụng ngay cả với các kim loại và các chất liệu khác dễ bị gỉ sét hay là hư hỏng.”

Trong trường hợp này từ “không phù hợp” có nghĩa là những tập quán không phù hợp, không thể đạt được sức ép buộc của luật, dù cho thực hành này có lâu đời rồi đi chăng nữa.

Một vài hội đồng giám mục đã sử dụng chức năng cho phép từ các sách phụng vụ có đầy đủ chi tiết trong việc quyết định các chất liệu làm vật dụng thánh.

Vì vậy, bản Hướng dẫn Tổng quát trong Sách Lễ Rôma Hoa Kỳ nói:

“327. Trong số những điều kiện tất yếu để cử hành Thánh Lễ, các vật dụng thánh phải có tính cách tôn kính đặc biệt, và trong các vật dụng này thì đặc biệt là chén và dĩa thánh, trong đó đựng bánh và rượu được dâng tiến để truyền phép, và được rước từ trong những vật dụng này.”

“328. Các vật dụng thánh nên được làm từ kim loại quý. Nếu như được làm bằng kim loại có thể gỉ sét, hay là bằng chất liệu ít quý hơn vàng, thì cách chung các vật dụng này nên được mạ vàng phía bên trong.”

“329. Ở các Giáo phận tại Mỹ, các vật dụng thánh cũng có thể được làm bằng các chất liệu cứng khác mà theo phán đoán chung của từng vùng thì chúng là những chất liệu quý, ví dụ như là gỗ mun hay các loại gỗ quý khác, nhưng phải biết rằng nó phù hợp để sử dụng trong việc linh thánh. Trong trường hợp này, luôn đặt ưu tiên với những chất liệu không dễ vỡ và hư hại. Quy tắc này áp dụng cho tất cả các vật dụng có ý định để đựng mình thánh, như là dĩa thánh, chén thánh, mặt nhật, hay là những vật dụng khác tương tự.”

“330. Liên quan tới chén thánh hay các vật dụng khác có ý định để làm vật đựng Máu Chúa, chúng phải có phần chén là không thấm chất lỏng. Mặt khác, chân đế cũng có thể làm bằng các chất liệu cứng và quý khác.”

“331. Để truyền phép bánh thánh, có thể sử dụng một cái dĩa lớn phù hợp, trên dĩa này đặt bánh cho cả linh mục, phó tế, cũng như các thừa tác viên khác và giáo dân.”

“331. Liên quan tới hình dáng của các vật dụng thánh, tùy vào nghệ nhân thiết kế theo tính cách sao cho phù hợp với các phong tục của từng vùng, và từng loại vật dụng phù hợp với mục đích sử dụng trong phụng vụ, và phải có tính cách phân biệt rõ ràng với các đồ dùng thường ngày khác.”

“333. Về việc làm phép các vật dụng thánh, các nghi thức được soạn thảo trong các sách phụng vụ phải được tuân thủ.”

“334. Cũng nên thực hành việc xây dựng trong phòng thánh một nơi nhằm để đổ các loại nước giặt và rửa các vật dụng thánh cũng như khăn thánh (xem số 280).”

Đây là quy luật phải tuân giữ. Gần đây, cũng có cuộc tranh luận về khả thể của các kỹ thuật mới sản xuất ra các loại thủy tinh và gốm sứ rất cứng, quả thật còn cứng hơn cả kim loại hay là gỗ. Nếu như các kỹ thuật này được thẩm định, thì tôi nghĩ câu hỏi này sẽ có thể được đưa ra bàn thảo lại. Việc cấm sử dụng các vật thủy tinh và gốm sứ như đề cập ở trên vì chúng dễ vỡ, dễ bị sứt mẻ, hay vỡ nát nếu như bị rơi, và dĩ nhiên là không thể sửa chữa được.

Câu hỏi không đề cập tới giá trị nội tại như là thủy tinh đẹp, cũng như các loại gốm sứ quý, có giá trị cao. Quả thật là các vật dụng thánh được làm bằng thủy tinh đã được sử dụng trong thời quá khứ.

Tuy nhiên, không đồng ý với việc một số nhà thờ sử dụng những vật dụng chưa được chấp nhận cho các thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường. Các vật dụng dùng để đựng chính Chúa, và vì vậy tất cả đều phải xứng đáng với chính Chúa, cho dù ai là thừa tác viên bí tích đi chăng nữa.

Chẳng ai biết chắc chắn Đức Ki tô đã sử dụng vật dụng gì trong Bữa Tiệc Ly. Thật không chắc đã là những chất liệu quý, nhưng đây không phải là điểm chính. Các nghi thức của Giáo Hội tiến triển. Nguyên thủy của việc thiết lập Thánh thể đưa ra cho chúng ta những yếu tố nền tảng, nhưng rồi thời gian ngày càng làm thêm đẹp và biến đổi thành nghi lễ, trong đó các Kitô hữu khao khát có được những gì tốt nhất trong việc thờ phượng Thiên Chúa.

Có lẽ điều tượng trưng cho chúng ta là vào năm 303, vào thời bắt đầu bắt đạo cuối cùng của Hoàng Đế Diocletus, một phái đoàn của các quan chức chính quyền Rôma vào thăm nhà thờ Cirta ở Numidia (ngày nay là Constantino ở Algieria), và yêu cầu xem các sách và tài sản của nhà thờ. Họ đã làm một bản kiểm kê như sau:

“Hai chén bằng vàng, sáu chén bằng bạc, sáu bình bằng bạc, một nồi nấu bằng bạc, bảy đèn bằng bạc, hai bình đựng bánh thánh, bảy chân nến ngắn bằng đồng với nến có sẵn, mười một đèn bằng đồng có dây xích, 82 áo áo đồng phục nữ, 38 bộ áo choàng, 16 áo đồng phục nam, 13 đôi giầy nam, 47 đôi giầy nữ, và 19 móc đồ nông dân. Kiểm tra kỹ hơn, có một đèn khác bằng bạc, và một thùng bằng bạc, rồi có bốn bình lớn, sáu cái vại trong nhà cơm, và cũng có một bộ sách viết tay lớn.”

Nếu như đây là một nhà thờ tương đối không có tiếng tăm trong thời bách đạo mà đã có và sử dụng những vật dụng như thế để cử hành phụng vụ một cách bí mật, thì chẳng ngạc nhiên gì cho chúng ta khi Giáo Hội vẫn tìm cách dâng tiến cho Đức Kitô những gì tốt nhất trong những thời gian sau này, cũng như trong những thời gian chúng ta được tự do hơn.

Minh Tuấn, SDB chuyển ngữ

Visited 229 times, 1 visit(s) today