BƯỚC ĐỘT PHÁ CỦA KHẢ NĂNG TƯ DUY NƠI TUỔI THIẾU NIÊN

“Tại sao con lại phải làm?”, “Tại sao con phải nghe lời?”, “Tại sao thế này… tại sao thế kia…?”. Đây là điệp khúc tuổi thiếu niên luôn đặt ra trước mọi mệnh lệnh, khiến không ít nhà giáo dục cảm thấy khó khăn khi đối diện với các em. Và rất nhiều phụ huynh cảm thấy bất lực trước “tính ngông” của tuổi này. Nhưng đơn giản, theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Jean Piaget, chữ tại sao của các em có thể hiểu được vì đây là lúc trí não của các em bắt đầu đạt đến đỉnh cao của sự phát triển.

Nhờ khả năng tư duy mà giờ đây thiếu niên có thể lý luận và đặt vấn đề trên mọi sự, các em luôn cố đi tìm “cái tại sao” của vấn đề nên hay lý sự, lý luận. Những ai chưa hiểu về tuổi thiếu niên sẽ dễ dàng kết tội cho em là ngang bướng khi thấy em khó thuần phục, khó tỏ ra “tâm phục khẩu phục”.

KHẢ NĂNG LÝ LẼ NƠI TUỔI THIẾU NIÊN

Khả năng lý lẽ là gì? Để giải thích, tôi xin lấy ví dụ về việc làm tổ của loài ong. Những con ong không cần đến trường để học về kiến trúc mà chúng vẫn có thể làm những cái tổ đúng khuôn mẫu, tuyệt đẹp. Tuy nhiên, chúng chỉ biết làm ra mọi cái tổ giống hệt nhau, không biết phân biệt cái gì là chính, cái gì là phụ. Lý do là ong không có lý lẽ mà chỉ làm theo bản năng. Còn con người chúng ta thì khác hẳn: Chúng ta làm nhà với những kiểu dáng, mầu sắc khác nhau. Và tất cả những điều này cho thấy đó là một sự chọn lựa, vì chúng ta biết phân biệt giữa cái chính và những thứ phụ thuộc của một căn nhà. Sự khác biệt này có được là nhờ khả năng suy tư và lý lẽ của chúng ta.

Tuổi thiếu niên được xem là hay lý lẽ, nhưng thực tế, em có khả năng suy phục trước ‘cái đẹp’. Chẳng hạn, khi hỏi các em về cái đẹp, câu trả lời sẽ rất đa dạng và trải ra trong nhiều lãnh vực như âm nhạc, thiên nhiên, hội họa, hoặc trong những tố chất tốt lành của một con người …, chứ nhận định của các em không còn bó hẹp như tuổi nhỏ, và đôi lúc ta thấy hơi ‘hoang tưởng’. Lý do khiến trí tưởng tượng của các em bay bổng và không bị giới hạn trong những điều cụ thể là do sự phát triển đột phá của trí não của độ tuổi này. Do chưa bị điều kiện hóa bởi ‘thực tế sống’, nên các em thích thả hồn trong những mơ ước tương lai, những lý tưởng cuộc sống và cả những giá trị nhân văn nữa. Các em vận dụng triệt để khả năng trí tuệ bởi đó là một chân trời rộng và mới đối với các em.

Tuy nhiên, quý phụ huynh nên nhớ sự phát triển trí não này diễn ra cách tiệm tiến nên các em cần có sự đồng hành, chỉ bảo của người lớn để có thể đạt đến sự trưởng thành, có khả năng vươn tới các giá trị cao và sâu hơn, từ đó các em sẽ học biết định hướng cho tương lai và cuộc sống.

KHẲNG ĐỊNH CHÍNH MÌNH BẰNG MỘT CHUỖI “KHÔNG”

“Không! Không, và không!”. Câu nói đầu môi của người thiếu niên. Thông thường nhiều cha mẹ bối rối không biết phải hành xử thế nào trước một chuỗi “không” cứng ngắc của em. Một số phụ huynh sầu muộn vì dường như vai trò ba mẹ bị coi nhẹ. Nhưng như đã biết, ở tuổi này, nhu cầu về tha nhân phát triển mạnh nên  các em mở ra hơn với các mối tương quan mới, với nhóm, bạn bè và cả những bạn khác giới nữa.  

Thêm vào đó, các thiếu niên thường không hài lòng với những gì đã xắp đặt sẵn. Các em muốn tự khám phá, quyết định nên trong tất cả mọi vấn đề, em luôn muốn biết “Tại sao?”. Trong khi đó, cha mẹ và các nhà giáo dục nào có phong cách giáo dục bằng quyền bính và áp đặt sẽ dễ làm cho các các em cảm thấy ngán ngẩm và có thái độ chống đối.

Muốn khẳng định mình, khẳng định những suy tư lý lẽ của mình, và cố bảo vệ đến nỗi không muốn theo bất cứ khuôn mẫu nào là đặc tính tuổi thiếu niên. Các phụ huynh thường bắt gặp biện pháp quen thuộc mà các em thường dùng là nói ngược lại, chẳng hạn mẹ nói là hôm nay trời lạnh cần mặc thêm áo, em sẽ trả lời là trời nóng; nếu ba nói em không thể ra ngoài, em vẫn cứ đi; nếu thầy giáo nói là phải học thì em trả lời là học chẳng để làm gì… Nói chung, tất cả những gì là khác người đều là những thứ gây hứng thú cho tuổi thiếu niên như nhuộm tóc đỏ, tóc xanh, xăm mình, xỏ bông tai, quần trễ cạp…

ĐỂ MẢNH ĐẤT PHÌ NHIÊU TRỔ SINH NHỮNG TIẾNG “VÂNG”

Lứa tuổi ‘ngang tàng’ này rất cần một người hướng dẫn để các em có một sự phát triển quân bình về tâm lý và tình cảm, hầu có được sự trưởng thành trong khả năng tự lập, khả năng sáng tạo và sự tự tin vào cuộc sống.

Để giáo dục lứa tuổi này về mặt lý trí, cần giúp các em biết bộc lộ suy nghĩ và tình cảm của mình trong mức độ cho phép, nhất là giúp các em lý luận và hiểu được ý nghĩa đích thực của tự do. Nhà giáo duc nên tránh những câu nói mang tính áp đặt: “Em phải làm như vậy vì từ trước đến giờ người ta vẫn làm”, hoặc “Đó là luật của Giáo Hội buộc mọi người phải tuân theo”, bởi các em dễ dị ứng trước những gì là khuôn phép. Điều cần hơn cả cho lứa tuổi này là có những người lớn khả tín, luôn sẵn sàng và kiên nhẫn lý lẽ với các em cả trên những sự bất đồng quan điểm, có thế thì mọi sự sẽ hướng về chiều tích cực, vì các em muốn đi đến tận cùng của vấn đề bằng chính cái đầu của các em chứ không hài lòng chấp nhận những mặc định. Nếu những người lớn hiểu được điều này và sẵn sàng tạo điều kiện cho các em bộc bạch và đối chiếu những cảm nghĩ của mình, thì tự bên trong các em sẽ nảy sinh những tiếng vâng tự nguyện.

NHÓM – MẢNH ĐẤT TỐT

Một mảnh đất tốt khác để ươm trồng khả năng suy tư đúng đắn đó chính là nhóm. Vì nhóm bạn tốt cũng là môi trường thích hợp mà có thể giúp các em phát triển nhân cách và xây dựng các mối tương quan lành mạnh. Tôi xin đan cử một nhóm bạn trẻ có tên “Bạn Chuá Giê-su”. Cơ bản các thành viên là những học sinh tuổi thiếu niên, khá ngổ ngáo. Các em muốn có một nhóm riêng cho mình, khởi đầu với khoảng trên 10 em. Tự viết lên nội quy cho nhóm, các em thường xuyên gặp gỡ nhau. Với chiếc laptop các em cùng tập những bài nhảy hiện đại, vui quay cuồng theo từng nhịp chân.

Nhận thấy nhóm cần có một mục tiêu, các em xin một nữ tu giúp về tinh thần. Rồi xa hơn, các em thấy mình có nhu cầu phải tốt hơn mỗi ngày, thế là có những buổi thảo luận về tư cách các thành viên, thăng tiến nhóm, sửa lỗi cho nhau, giờ tâm linh, giờ huynh đệ và còn có những hoạt động tông đồ giúp người nghèo tự nguyện hay những công việc thiện ích.

Sau hai năm hoạt động, con số thành viên lên tới trên 30 thanh thiếu niên nam nữ. Và quan trọng hơn, các bạn luôn gắn bó với nhóm, rất dân chủ, tích cực xây dựng nhóm và vui vì mình tốt hơn mỗi ngày. “I LOVE JESUS” là châm ngôn và là nhựa gắn kết các thành viên.

Kết luận

Tuổi thiếu niên, tuổi chưa tròn… vì thế, có nhiều khiếm khuyết. Và những khiếm khuyết ấy cần được làm tròn bởi những nhà giáo dục tâm huyết. Với con tim giáo dục, chúng ta hiểu những con tim nổi loạn ấy rất sợ bị bỏ mặc “để cho muốn làm gì thì làm”; những cái đầu lý luận ấy rất hoang mang, đơn giản vì các em đang vươn tới sự trưởng thành nhưng chưa đạt tới. Các em đang khám phá thế giới xung quanh với sự hăng say nhưng các em chưa nhìn thấy sự chắc chắn. Các em cần có người có khả năng lắng nghe và kiên nhẫn giải thích cho các em tất cả.

Các em cần có những người đồng hành kinh nghiệm và có con tim rộng như bờ đại dương.

Nhật Tâm

Visited 3 times, 1 visit(s) today