BIẾT MUỘN

Nó ngồi đó, hồi tưởng. Dòng đời như dòng phim chảy qua trong trí, có lúc nhanh lúc chậm, có lúc da diết… nhưng tất cả đều có chung một điểm: đều mới, đều rõ, tưởng chừng mới xảy ra ngày hôm qua thôi.

Con đường đất bạc phếch, khô cằn của ngôi làng nghèo, nhỏ, là quang cảnh quen thuộc bày ra trước mắt nó. Đâu đó nơi cuối hẻm í ới tiếng khóc của mấy đứa trẻ con. “Tội nghiệp, ba nó là làm thợ hồ, làm thuê làm mướn cho người ta, bị sập dàn giáo chết tốt rồi, mấy đứa con bơ vơ chẳng tìm ra người nuôi. Thật là chán cái nghèo”. Mấy bà lên tiếng ta thán. Chính cái nghèo ấy đã thúc đẩy bước chân người dân bỏ làng ra đi, lên thành phố hy vọng tìm vùng đất hứa. Gia đình Thùy Dương cũng thế, cả nhà dắt díu nhau lên Sài Gòn, thuê căn phòng trọ nhỏ làm nơi trú chân, với ước muốn đổi đời. Nhưng không may, ba Thùy Dương ngã bệnh do lao lực, chỉ còn một mình mẹ bươn chải nuôi sống cả gia đình. Ấy vậy mà hai đứa con nhỏ bé vẫn hằng ngày được đến trường.

Xe ôm. Mẹ Thùy Dương làm nghề xe ôm, một nghề mà hiếm phụ nữ nào dám nghĩ tới. Nhưng tình thương đối với hai đứa con gầy và người chồng bệnh tật đã khiến người mẹ trẻ 25 tuổi can đảm cầm lấy tay lái. Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu tủi hờn, người mẹ trẻ cố gắng vượt qua. Có lẽ ai đã từng đón xe ôm mới chứng kiến được cái truân chuyên khổ cực này, nhất là với thân phận phụ nữ. Cái dù ở quán nước đầu ngã tư đã trở thành ‘trụ sở’ của mẹ. Từng ngày, không quản mưa gió hay ngày đêm, chỉ cần có người gọi là dù đang ở đâu, mẹ cũng sẵn sàng cưỡi “con ngựa sắt” đến.

Mới đấy mà đã gần 20 năm trôi qua. Cái tên “Chị Tư xe ôm” đã trở thành thương hiệu của mẹ. Mẹ đã có nhiều mối hơn, nhưng mẹ cũng dầy dạn, già đi trong thấy. Hai mươi năm, từng ấy thời gian mẹ chăm chút để hai con không thiếu gì. Nói thật, dù nhà nghèo, nhưng hai chị em Thùy Dương chẳng thiếu thốn gì. Nhìn nước da trắng nõn, dáng người cao ráo của cô sinh viên năm thứ ba trường Kinh tế, có ai tưởng tượng ra được mẹ của cô đang hành nghề xe ôm. Một bà mẹ đen nhẻm, dáng gầy săn sắt, nhanh nhẹn, đi như chạy, nói rổn rảng như đàn ông.

– Mẹ, bọn bạn con rủ đi Vũng Tầu, mẹ cho con tiền nhé!

– Ừ! Nhưng sao dạo này con hay đi chơi thế? Mới tuần trước…

– Mẹ này. Cứ xin tiền tí tiền là thế nào mẹ cũng ca với cẩm. Chẳng đứa bạn nào khổ như con. Thiếu thốn mọi sự…

– Thùy Dương! Sao con lại nói thế… Tiếng bố rên rỉ trong phòng vọng ra.

– Mẹ có nói gì đâu mà con nói ca cẩm… Bữa trước con mới xin hơn một triệu…

– Tiền đó là con xin để mua cái điện thoại mới. Cái điện thoại cũ cùi quá rồi. Bạn bè của con đứa nào cũng xài iphone. Bố mẹ nó còn cho nó mấy cái nữa… Còn mẹ lúc nào cũng tiền, cũng tính toán… mẹ tính toán với cả con nữa…

Lời nói của Thùy Dương rơi tõm vào im lặng, một sự im lặng đầy hụt hẫng của dòng không khí bị hút theo bước chạy của mẹ, sự im lặng của lời nói vô ơn gióng lên bỗng bị đập tan tành trước tiếng rên đau khổ của người cha hằng ngày nằm yên bất động, chứng kiến từng giọt hy sinh của vợ cho chồng, cho các con…

Nhớ đến đây, hai dòng nước mắt hối hận tuôn chảy ào ạt trên má của Thùy Dương. Đêm ấy, mẹ không về. Đêm ấy là một đêm mưa, mưa tầm tã. Và cũng đêm ấy, mẹ ra đi vĩnh viễn. Người ta tìm thấy mẹ, chiếc xe đè trên người, một chiếc mũ bảo hiểm vỡ nát một bên, chiếc thứ hai dành cho khách văng thật xa. Hiện trường chỉ có một nạn nhân… Người ta đoán mẹ bị té do trơn trượt trên đường, do bất cẩn… Tuy nhiên, Thùy Dương biết rõ điều này hơn ai hết: mẹ nó té bởi lời nói vô ơn vô tình của nó.

Đám tang của mẹ cũng là ngày kết thúc “tuổi mộng mơ” của Thùy Dương. Cô sinh viên ngày nào chẳng còn được thảnh thơi ăn sáng, nhẹ nhàng cắp sách đến giảng đường. Chẳng còn những giờ phút rong chơi cùng bạn bè, chẳng có lúc nào mà lướt web, lên ‘phây’… Giờ đây, ngày sống của nó khởi đầu đến ý nghĩ về hũ gạo, đến cái giỏ thức ăn, đến quần áo, đến những chi phí không tên, đến tiền nhà trọ, và nhất là đến thuốc của ba, hằng ngày. 

Một ngày của Thùy Dương chật vật với những giờ học trên lớp, nó ráng tập trung để hiểu và nhớ ngay, khỏi mất thời gian coi lại bài. Ngay sau đó, nó ăn vội miếng bánh mì kẹp hay hộp cơm chuẩn bị từ nhà rồi chạy bay đến mấy chỗ dậy kèm. Buổi tối, nó còn nhận bài dịch thuê do bạn bè cám cảnh kiếm giùm.

Tối nay, trời mưa như trút, như chính cái đêm định mệnh ngày ấy. Mưa đầu mùa hết cơn này đến cơn khác nối tiếp, làm cho nước mắt Thùy Dương rơi, giống như những giọt nước mắt muộn phiền từng rơi của mẹ. Run run cầm lá thư tìm được từ trong chiếc gối đầu giường của mẹ, nó vuốt thẳng, đọc từng chữ đã từng thuộc lòng:

Thùy Dương yêu dấu của mẹ. Chắc là con phải cố gắng lắm để đọc những tâm sự mẹ viết, vì tay mẹ giờ này cứng lắm, mẹ cũng chẳng còn nhớ được bao lâu rồi mẹ không đụng đến cây bút. Mẹ viết những dòng chữ này vào ngày con được vào đại học. Ai tin được rằng mẹ đã có thể nuôi hai chị em con ăn học, đặc biệt hôm nay con được vào trường đại học, mà lại là trường Kinh tế cơ đấy. Với mẹ, nó giống như câu chuyện cổ tích ấy, con ạ. Thấy con ngày càng xinh đẹp, mẹ mừng nhưng lại lo. Mẹ lo con bị dụ dỗ rồi bỏ học, vì thế hôm nay con chính thức trở thành cô sinh viên, mẹ bớt lo rồi. Con có biết mỗi ngày mẹ cỡi chiếc xe chở khách mà mắt cứ đăm đăm tìm kiếm trên đường, vì sợ rằng có lúc nào đó con của mẹ trốn học đi chơi, nhưng con đã không làm thế. Con làm cho mẹ tự hào… Nghĩ đến con, mẹ quên đi nỗi nhọc nhằn. Con có biết một phụ nữ thiệt thòi thế nào khi làm việc của nam giới không? Đầy bất trắc, bị ăn hiếp, bị coi thường, và nhất là nguy hiểm nữa. Nhưng tất cả có là gì so với phần thưởng con tặng cho mẹ?

Mẹ không có gì để lại cho con, ngoài vốn liếng chữ nghĩa đầu tư cho con. Con nghĩ xem, mẹ sẽ thế nào nhỉ ngày con ra trường, con ‘vinh quy bái tổ’…”

“Mẹ ơi…” tiếng nấc của Thùy Dương lạc vào tiếng mưa, lạnh giá. Nỗi ân hận dầy vò tâm hồn nó mỗi khi đọc đến đoạn này. Mẹ đánh đổi cả cuộc đời để nó được hạnh phúc, mẹ buông lỏng cây bút đời mình để cho nó có thể cầm chắc cây bút mà viết lên tương lai, ấy thế mà chưa bao giờ nó nói lên được một tiếng “con yêu mẹ”. Lý do đơn giản là nó đã thờ ơ xem như mọi hy sinh của mẹ là điều tất nhiên, rằng mọi thứ nó phải được cung ứng như một bổn phận. Nó thường nghe nói “biết thì chưa muộn” nhưng cái biết của nó lần này sao muộn màng.

Thắp một nén nhang, Thùy Dương hứa với mẹ sẽ sống tử tế, chăm cho ba và lo cho em. Niềm tự hào xin dâng lên mẹ, là một đời sống có trách nhiệm, là lòng biết ơn với đời với người, là hết lòng quan tâm đến người thân và sẵn sàng hy sinh cho người khác. Nó mắc nợ gia đình, mắc nợ đời một mối nợ “Biết muộn!”.

Ngọc Diệu

Visited 2 times, 1 visit(s) today