Bài giảng của Đức thánh cha Phanxicô thánh lễ phong thánh Gioan Baotixita Scalabrini – Artemide Zatti

Bài giảng của Đức thánh cha Phanxicô
thánh lễ phong thánh
Gioan Baotixita Scalabrini – Artemide Zatti[1]

Quảng trường thánh Phêrô
Chúa nhật 09/10/2022


Đang khi Chúa Giêsu đi đường, có mười người phung hủi đi tới gặp ngài, họ kêu lên với Ngài: “Xin thương xót chúng tôi” (Lc 17, 13). Tất cả mười người đều được chữa lành, nhưng chỉ có một người trong số họ trở lại để cám ơn Chúa Giêsu: đó là một người Samari, một loại lạc giáo đối với người Do thái. Ban đầu họ đi cùng nhau, nhưng rồi sau đó người
Samari có sự khác biệt, vì người ấy trở lại “lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa” (c. 15). Chúng ta dừng lại ở hai khía cạnh này để có thể đào sâu từ Tin Mừng hôm nay: cùng bước đi với nhau và tạ ơn.

Trước hết, cùng bước đi với nhau. Khởi đầu tường thuật, không có gì là phân biệt giữa người Samari và chín người kia. Đơn giản Tin Mừng kể lại là có mười người phung hủi, họ tạo thành một nhóm và không chia lìa, họ đi tới với Chúa Giêsu. Bệnh phung hủi, như chúng ta biết, không chỉ là một thương tích thể lý – kể cả ngày hôm nay chúng ta vẫn còn phải nỗ lực đánh bại – mà còn là một “bệnh có tính xã hội”, bởi vì thời ấy, vì sợ lây nhiễm, các người bị phung hủi phải ở xa cộng đoàn (x. Lv 13,46). Thế nên, họ không thể đi vào trong những nơi có người ở, họ phải ở ngoài xa, phải ở bên lề đời sống xã hội và ngay cả bên lề đời sống tôn giáo, bị cô lập. Cùng đi với nhau, các người phung hủi này bày tỏ tiếng kêu la đứng trước một xã hội loại trừ họ. Chúng ta lưu tâm rõ nhé: người Samari, ngay cả dù bị coi là lạc giáo, là “ngoại bang”, cũng ở trong nhóm với những người khác. Anh chị em thân mến, bệnh tật và sự mỏng dòn chung, khiến người ta phá đổ những rào cản và vượt qua mọi sự loại trừ.

Đây cũng là một hình ảnh đẹp cho chúng ta: khi chúng ta thành thật với chính mình, chúng ta sẽ nhớ được tất cả chúng ta đều có bệnh trong tâm hồn, tất cả chúng ta đều là tội nhân, tất cả chúng ta đều cần đến lòng thương xót của Chúa Cha. Và bởi đó chúng ta sẽ ngừng sự chia rẽ nhau vì dựa vào công trạng, dựa vào vai trò, chức vị mà chúng ta mang hay dựa vào một khía cạnh bên ngoài nào khác của cuộc sống, và như thế các bức tường, và các thành kiến sẽ sụp đổ. Như vậy, cuối cùng, chúng ta khám phá ra mình là anh chị em. Kể cả Naaman người Syri – mà bài đọc 1 nhắc cho chúng ta -, dẫu giàu có và quyền thế, để được chữa lành, ông đã phải làm một việc rất đơn giản: dìm mình trong giòng sông mà mọi người đều tới tắm rửa. Hơn nữa, ông còn phải cởi bỏ vũ trang, y phục (x 2V 5): thật tốt cho chúng ta khi cởi bỏ những vũ trang bên ngoài của chúng ta, những rào cản tự vệ của chúng ta để có thể tắm với sự khiêm nhường, nhớ rằng tất cả chúng ta đều mỏng manh tự bên trong, tất cả chúng ta đều cần chữa lành, tất cả mọi anh em. Chúng ta nhớ điều này: đức tin Kitô giáo luôn đòi hỏi chúng ta phải bước đi cùng với những người khác, và không bao giờ được bước đi một mình; đức tin ấy luôn mời chúng ta ra khỏi mình để hướng tới Thiên Chúa và hướng tới anh chị em, không bao giờ đóng lại nơi chính mình; đức tin ấy luôn đòi chúng ta nhìn nhận mình cần được chữa lành và tha thứ, và chia sẻ những nỗi yếu đuối mỏng dòn của những người ở bên chúng ta, mà không cảm thấy mình là cao cấp hơn họ.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy kiểm điểm xem trong đời sống chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong những nơi chúng ta làm việc và mỗi ngày trải qua, chúng ta có khả năng bước đi cùng với những người khác không, chúng ta có khả năng lắng nghe, có khả năng vượt qua cám dỗ rào mình lại trong sự tự đủ và chỉ nghĩ đến nhu cầu của mình không. Nhưng cùng nhau bước đi – tức là “hiệp hành” – đó cũng là ơn gọi của Hội Thánh. Chúng ta tự hỏi chúng ta thực sự là những cộng đoàn mở rộng và bao quát đối với mọi người không; chúng ta có làm việc được với nhau, giữa các linh mục và giáo dân, để phục vụ Tin Mừng không; chúng ta có thái độ tiếp đón – không chỉ bằng lời mà còn bằng những cử chỉ cụ thể – đối với người ở xa và đối với những người lại gần chúng ta, khi họ cảm nhận một sự bất tương xứng vì diễn biến cuộc sống đau thương đã trải qua không. Chúng ta có làm cho họ cảm thấy họ thuộc về cộng đoàn hay chúng ta loại trừ họ? Tôi thật khiếp hãi khi nhìn thấy các cộng đoàn Kitô hữu chia thế giới thành người tốt và người xấu, người thánh và tội nhân: để rồi rốt cuộc thấy mình tốt hơn những người khác và đẩy ra ngoài những người mà Thiên Chúa muốn ôm lấy họ. Xin làm ơn, hãy luôn luôn bao gồm họ, trong Giáo Hội cũng như trong xã hội, vốn còn ghi dấu bởi biết bao sự bất bình đẳng và gạt bỏ bên lề. Hãy bao gồm tất cả. Và hôm nay, trong ngày mà Scalabrini trở thành vị thánh, tôi nghĩ tới các người di dân. Thật là một gương mù gương xấu khi loại trừ người di dân! Ngược lại, loại trừ di dân là một tội phạm, vì để cho họ chết trước mặt chúng ta. Như vậy, ngày hôm nay chúng ta có biển Địa trung hải làm nghĩa địa lớn nhất trên thế giới. Sự loại trừ người di dân là điều ghê tởm, là tội lỗi, là tội phạm. Không mở cửa cho người cần. “không, chúng ta không loại trừ họ, chúng ta chỉ đưa họ đi nơi khác”: tới các trại tập trung, nơi họ bị bóc lột và bán đi như những nô lệ. Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta nghĩ tới các di dân của chúng ta, những người chết. Còn những người được đi vào, chúng ta có tiếp nhận họ như là anh em không, hay chúng ta bóc lột họ? Tôi chỉ để lại câu hỏi thôi.

Khía cạnh thứ hai là tạ ơn. Trong nhóm mười người, chỉ có một người, khi thấy mình được chữa lành, quay trở lại để ngợi khen Thiên Chúa và bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Giêsu. Chín người kia cũng được chữa lành, nhưng mà họ đi theo con đường của riêng mình, quên Đấng đã chữa lành họ. Quên những ơn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Thay vào đó, người Samari làm cho ân huệ đã nhận được trở thành một hành trình mới: trở lại với Đấng đã chữa lành mình, trở lại để biết Giêsu cách sát hơn, khởi sự một tương quan với Ngài. Thái độ biết ơn của người phung này không chỉ đơn thuần là một hành vi lịch thiệp, nhưng là khởi đầu cho một bước đường nhìn nhận: anh ta phủ phục dưới chân Đức Giêsu (x. Lc 17,16), anh thực hiện một hành vi thờ phượng: nhìn nhận Giêsu là Chúa, và điều này còn quan trọng hơn cả sự khỏi bệnh mà anh đã nhận được.

Và thưa anh chị em, đây cũng chính là bài học lớn lao cho chúng ta, là những người hằng ngày hưởng nhận các ơn lành của Thiên Chúa, nhưng rồi thường chúng ta cứ đi theo đường của chúng ta mà quên vun trồng một tương quan sống động, hiện thực với Ngài. Đó là một căn bệnh thiêng liêng xấu xí: coi mọi thứ là đương nhiên, kể cả đức tin, kể cả tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, tới độ mà việc trở thành Kitô hữu cũng không làm cho mình ngạc nhiên, không biết nói tiếng “cám ơn” nữa, không tỏ ra mình là người biết ơn, không biết nhìn ra những điều kỳ diệu của Chúa. Như một bà mà tôi quen biết đã nói rằng “đó là những Kitô hữu sống trong nước hoa hồng”. Thế đó, người ta dừng lại ở chỗ nghĩ rằng mọi sự mà chúng ta nhận được hằng ngày là hiển nhiên và phải như thế. Thay vào đó, lòng biết ơn, biết nói tiếng “cám ơn”, đưa chúng ta tới chỗ xác quyết về sự hiện diện của Thiên Chúa tình yêu. Và cũng giúp nhìn nhận tầm quan trọng của người khác, thắng vượt sự bất mãn và dửng dưng vốn làm cho tâm hồn chúng ta nên xấu xí. Biết cám ơn thật là một điều căn bản. Mỗi ngày nói tiếng tạ ơn với Chúa, mỗi ngày biết cám ơn giữa chúng ta: trong gia đình, về những điều nhỏ bé chúng ta nhận được mà nhiều khi chẳng tự hỏi từ đâu mà có; trong những nơi mà chúng ta đến mỗi ngày, về biết bao sự phục vụ mà chúng ta hưởng và những con người nâng đỡ chúng ta; trong các cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta, vì tình yêu Thiên Chúa mà chúng ta cảm nhận qua sự gần gũi của anh chị em mà thường họ thầm lặng cầu nguyện, cống hiến, chịu đau khổ, cùng đồng hành với chúng ta. Xin làm ơn, đừng quên lời chủ chốt này: xin cám ơn! Chúng ta đừng quên cảm nhận và nói tiếng “xin cảm ơn!”

Hai vị được phong thánh hôm nay nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc cùng bước đi và biết cảm ơn. Đức Giám Mục Scalabrini, người sáng lập hai Hội Dòng để chăm sóc người di dân, một dòng nam, một dòng nữ, đã khẳng định rằng trong việc cùng nhau bước đi của những người di dân, không được chỉ nhìn thấy những vấn đề, nhưng cũng phải nhìn thấy kế hoạch của Chúa quan phòng: “Chính vì sự di cư ép buộc do bị bách hại, mà Giáo Hội vượt qua biên giới Giêrusalem và Israel và trở thành “công giáo”; chính nhờ những cuộc di dân ngày hôm nay, mà Giáo Hội trở thành khí cụ bình an và hiệp thông giữa các dân tộc” (Người di dân lao động Ý, Ferrara 1899). Có một cuộc di dân, vào thời khắc này, ở đây tại Âu châu, làm chúng ta đau đớn rất nhiều và khiến chúng ta phải mở lòng ra: đó là sự di cư của những người ucraina bỏ quê hương vì chiến tranh. Chúng ta không quên một nước Ucraina đang đau khổ! Scalabrini đã nhìn xa hơn, nhìn lên phía trước, hướng tới một thế giới và một Giáo Hội không rào cản, không có người xa lạ. Về phần mình, người Sư huynh Salêdiêng Artemide Zatti, với chiếc xe đạp của mình, là một tấm gương sống động của lòng biết ơn: khi thầy được lành bệnh lao, thầy đã hiến dâng trọn cả đời sống để lo cho người khác được hạnh phúc, để chăm sóc các người đau bệnh bằng tình yêu và sự dịu dàng. Người ta thuật lại là đã thấy thầy vác trên vai mình thân thể một trong các bệnh nhân đã qua đời. Đầy lòng biết ơn về những gì đã nhận được, thầy muốn nói tiếng “cám ơn” của thầy bằng việc mang lấy những thương tích của người khác. Đó là hai mẫu gương.

Chúng ta hãy cầu xin hai vị thánh anh em của chúng ta, giúp chúng ta biết bước đi cùng nhau, không tạo ra những bức tường chia rẽ; và giúp chúng ta biết vun trồng lòng biết ơn vốn là sự cao quý của tâm hồn đẹp lòng Thiên Chúa.

Chuyển ngữ: Đức Dũng, SDB

 

[1] Dịch từ: https://www.vatican.va/content/francesco/it/homilies/2022/documents/20221009-omelia-canonizzazione.html

Visited 14 times, 1 visit(s) today