Kính thưa Sư huynh Đa minh Nguyễn Đức Nam, Ủy Viên Cha Bề Trện Cả đặc trách Cộng Tác Viên Saledieng toàn thế giới, cha Giám tỉnh, cha Ủy Viên Gia đình Saledieng, quý cha, quý sư huynh, quý Sơ Ủy viên các Trung Tâm Cộng Tác Viên, quý cha Giám đốc,
1. Hôm nay con được vinh dự tham gia Đại hội CTV toàn quốc Việt Nam mừng 25 năm thành lập Hiệp Hội Cộng Tác Viên Việt Nam, qua sự khởi xướng mang tính chất hướng tới tương lai của Đức Cha Nguyễn Văn Đệ, nguyên Giám tỉnh Tỉnh Dòng Saledieng Don Bosco Việt Nam nhiệm kỳ 1992-1998. Phần đa kinh nghiệm của con là làm việc cho giới trẻ nghèo ở làng quê, các bạn trẻ đi học tại Thành phố Đà lạt, và nhất là lãnh vực đào luyện anh em tu sĩ Saledieng. Song, khi đang làm việc tại cộng thể Đà lạt, con có được may mắn hai năm đồng hành với Trung tâm Cộng tác viên Đà lạt. Là Ủy viên, nhiệm vụ của con là hiện diện để khích lệ các anh chị CTV, hỗ trợ cho việc đào luyện với những bài chia sẻ về cuộc đời Don Bosco, Linh đạo Saledieng, các hình thái giáo dục mục vụ. Bên cạnh đó, sự cộng tác với quý cha quý thày Saledieng của anh chị em Cộng tác viên trong việc hộ trực các bạn trẻ sinh viên tu sinh trong các lưu xá gắn kết với cộng thể Đà lạt, dạy giáo lý trong các giáo xứ, Giáo sở Don Bosco cách riêng, và mới đây, trong việc đồng hành với lớp Phổ cập. Và hơn thế nữa, sự khẳng định chỗ đứng của anh chị em Cộng tác viên trong lòng Giáo hội địa phương như là một Đoàn Thể tông đồ giáo dân, không hạn hẹp hoạt động và tầm ảnh hưởng của mình ở một giáo xứ, hoặc một cộng thể Saledieng, nhưng là lan tỏa cho cả vùng những nơi anh chị em hiện diện. Đoàn thể này có một tinh thần để hấp thụ và để hướng dẫn mình sống, một đường hướng để dấn thân, một phong cách làm việc chung và những tố chất cần thiết, và nhất là một đối tượng rất rõ rệt, đó là giới trẻ ở chính nơi họ sinh sống.
Tất tất những kinh nghiệm đó, tôi xin được trân quý và biết ơn các anh chị em Cộng tác viên nói chung, va những anh chị em tôi có cơ hội tiếp xúc và làm việc.
2. Tuy nhiên, ngược về quá khứ, những ngày đầu được các bề trên Saledieng tiếp nhận vào nhà Saledieng, tôi ngạc nhiên vì ngoài những cha, những thày Saledieng, chúng tôi còn được những giáo viên người đời dạy dỗ chúng tôi. Họ không phải là những tu sĩ, họ có gia đình, họ là những người Công giáo hoặc là những người thuộc tôn giáo bạn. Tính chuyên nghiệp của họ trong giáo dục, đã làm cho tôi ấn tượng sâu đậm và tôi đã học hỏi nơi họ thật nhiều điều. Cho đến khi lên Đà lạt, cha giám đốc Luy Massimino dạy cho chúng tôi sự hiện diện của người đời, người giáo dân trong đời sống va sứ mệnh của Dòng Saledieng là ngay từ ban đầu. Không có những người như Mẹ Margherita, thân mẫu của Don Bosco., không có ông Corleone, viên chức trong chính phủ, đã từng can thiệp để chính quyền thành phố không ngăn cản Don Bosco làm việc cho thanh thiếu niên di dân lên ở Thành phố. Nếu không có những linh mục, những chủng sinh trong giáo phận, sứ mệnh giáo dục mục vụ của Don Bosco sẽ không thành tựu.
3- Đến hôm nay, tôi không thể nào nghĩ được người Saledieng làm việc cho giới trẻ mà lại bỏ qua một đoàn thể tối quan trọng, tôi xin nhắc lại, tối quan trọng, là chính các Cộng tác viên. Một trong những đỏi hỏi của sứ mệnh Saledieng là sự hiện diện thể lý ở giữa những người trẻ, và phải nhân bội sự hiện diện đó theo kế hoạch phát triển. Số lượng các tu sĩ Saledieng, các Sơ luôn luôn có giới hạn. Nhưng giới hạn này có thể thắng vượt được nơi những Cộng tác viên. Các anh chị hiện diện trong mọi ngõ ngách của xã hội. Các anh chị em thuộc mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp, và có thể nói, mọi độ tuổi, thanh niên, thành niên, người có gia đình, cha mẹ hoặc là ông bà nội ngoại.
Về phần Tu hội, chúng tôi đã có những hướng dẫn khá rõ. Đã hơn 20 năm, tu hội đã có Tổng Tu nghị lần thứ 24, với chủ đề Chia sẻ Tinh thần và Sứ mệnh với người đời. Và mới đây, dưới sự hướng dẫn của Cha Bề trên cả Angel, Tổng tu nghị 28 vừa qua, kết thúc ngày 17 tháng 3, 2020, chủ đề Loại Người Saledieng nào cho người trẻ hôm nay, trong đó, nói đến để là người Saledieng hôm nay, thì người Saledieng đó phải làm việc, không những là làm việc chung với người đời, ưu tiên là các Công Tác viên, mà còn phải cộng tác với người đời, để người đời đồng trách nhiệm với mình và để mình đồng trách nhiệm với người đời. Cha Bề Trên Cả nói:
Việc đưa người giáo dân [người đời] vào trong đoàn sủng và sứ mệnh Salêdiêng không phải là việc ta nhượng bộ, một ân huệ ta ban cho họ, cũng không phải là phương thế để tồn tại-như nhiều hội viên thường hay nghĩ như thế. Đó là một quyền gắn với ơn gọi chuyên biệt của họ.
Những người giáo dân [người đời] là người đồng hành trong hành trình, không phải là người thay thế hoặc gánh đỡ cho các tu sĩ: họ và chúng ta có những chân tính chuyên biệt và những trách vụ liên quan tới sứ mệnh. Vì thế, những người đời cộng sự với chúng ta cần biết và kinh nghiệm Don Bosco thật sát và đó là điều được sống trong các nhà Salêdiêng nơi họ có mặt. Sự hiểu biết và đào luyện không được tiếp nhận chỉ qua những khóa học trường lớp, nhưng bằng một cách đặc biệt khác, qua suy tư, kiểm chứng và lập kế hoạch những gì được kinh nghiệm chung trong một nơi hiện diện.
Trong trường hợp là thành viên thuộc về Gia đình Salêdiêng, mức độ chân tính đoàn sủng là rất cao, và chúng ta cùng nhau sống một ơn gọi thực thụ trong đoàn sủng. Đây là một trong những lý do nữa để ưu tiên cho các thành viên Gia đình Salêdiêng trong những hiện diện của chúng ta.
4- Làm sao đạt được mức độ đồng trách nhiệm ấy, nếu như các Cộng tác viên không được đào luyện? Là người làm việc trong lãnh vực đào luyện nhiều năm, con xác tín rất mạnh đó là không ai có thể cho những gì mình không biết. Không ai có thể cam kết dấn thân nếu như mình không biết mình dấn thân cho ai, mình gắn bó, mình yêu mến những gì? Có nghĩa là, đã trải qua 25 năm hình thành và phát triển, chúng ta tự hào là một trong những tỉnh dòng có lực lượng Cộng tác viên đông đảo, nhiệt tình, xông xáo . . . Điều đó nói lên rằng, các Trung tâm đã có một chương trình đào luyện khả dĩ vững vàng.
Tuy nhiên, vẫn còn đó hiện tượng các Cộng tác viên sau một thời gian gắn kết, đã từ bỏ sinh hoạt, ít hay nhiều thì tùy trung tâm. Điều đó mời gọi chúng ta củng cố hợn nữa việc đào luyện của mình cho các thành viên mới, và tiếp tục đào luyện nơi những thành viên hiện hành.
5- Một trong những đường hướng mới Tổng tu nghị Saledieng 28 mời gọi, đó là việc đào luyện chung: người Saledieng và các Cộng tác viên, nếu có thể biêt loại nhóm người đời này giữa các nhóm khác, cần có những buổi đào luyện chung. Thông thường, chúng ta hiểu, như tôi đã hiểu, là chỉ có một chiều, người Saledieng cung cấp đào luyện về đoàn sủng và tinh thần, linh đạo Saledieng. Thế nhưng, hướng dẫn từ bề trên nhà dòng, là việc đào luyện đó cần phải là cả hai phía. Hai nhóm đều cần học hỏi, và cả hai nhóm đào luyện cho nhau. Hiện nay, dần dần chúng ta có đội ngũ CTV rất có khả năng chuyên môn, và họ đã có thể góp phần vào công việc đào luyện, không những giữa các CTV mà còn cho cả các hội viên Saledieng, nhất là những hội viên đang trong thời kỳ đào luyện ban đầu. Mới đây, con được biết, Trường thần học Rinaldi đã bắt đầu có những chương trình để đào tạo thần học cho những người giáo dân, con số năm nay gần được 80, chia thành 2 năm vào chiều thứ Bảy mỗi tuần, từ 2:00-5:30 chiều. Bên cạnh đó, khi con còn phụ trách đào luyện của Tỉnh dòng, cùng với anh em, chúng con đã dự định có những chương trình đào luyện ngắn hạn về Saledieng học, trước tiên là cho các vị Ủy viên, các anh em phụ trách tu sinh, rồi đến Ban điều hành các trung tâm CTV; đào luyện về nghệ thuật đồng hành với người trẻ cho những CTV phụ trách hộ trực, làm việc trực tiếp với người trẻ. Con hy vọng, cộng thể Don Rua Đà lạt sau này cũng có thể trở thành Trung tâm đào luyện như thế, không chỉ cho các thày, các tu sĩ, mà còn cho cả các giáo dân, trong đó phải nói đến các CTV.
Tại sao như thế, con xin liệt kê một số vấn đề người trẻ ngày nay đang gặp phải và cần có người đồng hành, mà anh em SDB và các chị em FMA không thể nào quán xuyến hết được:
- Những tình trạng nghèo khổ và bị khai trừ ra khỏi xã hội: nghèo khổ và khai trừ đưa tới sự lệ thuộc thường xuyên hơn vào ma tuý, lầm lạc và bạo lực;
- Tình trạng và cách hiểu về gia đình, kéo theo những vấn đề nhân sinh và đạo đức;
- Những vấn nạn về đời sống và khả năng truyền giao các giá trị;
- Bầu khí văn hoá ảnh hưởng mạnh mẽ đến lãnh vực tình cảm, cảm xúc, cảm nhận, cũng như những vấn đề liên quan đến thân xác;
- Những hệ thống giáo dục cùng phẩm chất và tính toàn diện của nền đào luyện chúng cống hiến;
- Văn hoá kỹ thuật số hậu thuẫn và đôi khi gây ra những thay đổi nhanh chóng và liên lỷ về não trạng, phong tục và hành xử;
- Một trong những khía cạnh phức tạp và hấp dẫn nhất của xã hội đương thời là tính đa văn hoá và đa tôn giáo của các dân tộc;
- Những tiền đề nhân học ẩn dưới những quyết định về xã hội và giáo dục;
- Những trào lưu tư tưởng nhấn mạnh đến việc phủ nhận Đấng Siêu Việt, và những cách hiểu sai lạc về cấu trúc tương quan nhân vị cũng như mối liên hệ đặt nền trên Thiên Chúa.
- Mục Vụ Ơn gọi: Ki-tô hữu và thánh hiến
BTT CTV