Suy niệm Lời Chúa – CN28 TNA – Bàn tiệc Nước Trời

     Bữa ăn là nhu cầu không thể thiếu đối với cuộc sống con người chúng ta. Tuy nhiên, các bữa ăn trong sinh hoạt cộng đồng còn là những cơ hội để diễn bày bầu khí gia đình, để liên kết tình thân hữu giữa bà con lối xóm và cũng là những dịp để khơi dậy mối hiệp thông huynh đệ. Ngày xưa, các bộ tộc hay các quốc gia vẫn thường ký kết thỏa hiệp trong các bữa ăn. Hiện nay, người ta cũng hay mượn khung cảnh những bữa tiệc sang trọng để thảo luận về việc làm ăn buôn bán, và ngay cả để bàn thảo những chuyện quốc sự trọng đại nữa.

Kinh Thánh thuật lại, trong suốt 3 năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu cũng thường xuyên hiện diện trong các bữa ăn để diễn bày tính năng cứu độ, theo nhãn quan thần học của các thánh sử. Ví dụ, Chúa đến dự tiệc cưới tại Cana để biến nước thành rượu, tiên báo một thứ ‘rượu mới’ sẽ được ban tặng để trở nên niềm vui ơn cứu độ. Ngài đồng bạn với bọn thu thuế và phường tội lỗi để công bố cho mọi người biết rằng, ‘Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, chỉ người bệnh tật mới cần’. Ngài đi ăn tại nhà ông Gia-kêu để khai mở chân trời cứu độ nơi tâm hồn ông khi nói rằng : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến trong nhà này”. Ngài còn đến dùng bữa tại Bêtania với những người bạn nghĩa thiết. Đặc biệt, Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong khung cảnh một bữa ăn để trao tặng cho chúng ta món quà vô giá, là chính thịt và máu của Ngài, trở nên thần lương trường sinh nuôi sống nhân loại.

Các bài đọc trong phụng vụ hôm nay cũng vén mở cho chúng ta viễn ảnh về ‘bàn tiệc cánh chung’, nhất là qua dụ ngôn tiệc cưới do nhà vua thiết đãi. Tất cả chúng ta đều là những thực khách được mời. Nhưng, để xứng đáng ngồi vào bàn tiệc cao quý này, chúng ta phải khiêm tốn trải rộng tấm lòng hầu đón nhận hồng ân Thiên Chúa trao ban một cách dư tràn.

Bữa tiệc thời thiên sai, dấu chỉ tình yêu đại độ nơi Thiên Chúa

     Trước hết, trong bài đọc một, tiên tri Isaia phóng một tầm nhìn về bàn tiệc thiên sai được thực hiện vào thời ân điển sau cùng. Bữa tiệc đó có hai đặc nét. Trước hết, đó là bàn tiệc phổ quát, dành cho tất cả mọi người và không dành riêng cho ai. Hạn từ ‘muôn dân, muôn nước, mọi người’,… được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Kế tiếp, bàn tiệc đầy ắp ‘thịt béo và rượu ngon’, là hình ảnh nói lên niềm vui tròn đầy do chính Thiên Chúa tặng ban. Niềm vui đó còn được diễn tả qua những biểu tượng cụ thể như ‘Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ; Ngài sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người. TC sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ muôn dân, và tấm màn trùm lên muôn nước’. Đó là những tấm khăn của tang tóc hay u sầu. Bữa tiệc ấy được dọn ra trên núi của Đức Chúa. Hình ảnh ‘núi’ ám thị về Ngai trời, nơi Thiên Chúa bày tỏ vinh quang và cũng là nơi ân phúc được trao ban. Cũng vậy, thánh vịnh 22 mà Giáo hội cất lên trong phần đáp ca cũng nhắc lại hình ảnh bữa tiệc mà tiên tri Isaia phác vẽ. Chúa như người mục tử chăn dắt đoàn chiên. Ngài dọn sẵn cho chúng ta một bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con Chúa xức dầu thơm. Ly rượu con đầy tràn chan chứa.. Nói tóm lại, bàn tiệc thiên sai mà phụng vụ hôm nay nói đến ám thị niềm vui ơn cứu độ. ‘Rượu làm hoan hỷ lòng người’, và rượu mới trong bàn tiệc này chính là niềm hoan vui mà Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta vào thời cánh chung.

     Cũng thế, trong bài Tin Mừng, thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta dụ ngôn về tiệc cưới Nước Trời. Đức Vua là hình ảnh nói về chính Thiên Chúa. Gia nhân đi mời là các ngôn sứ thời cựu ước. Khách được mời là dân Do Thái khi xưa, đặc biệt là các thượng tế, các kinh sư và các đầu mục trong dân, nhưng họ đã từ chối lời mời. Sau cùng, tất cả mọi người, bất luận tốt hay xấu cũng được triệu tập đến cho đầy phòng tiệc. Đây là hình ảnh nói về tính đại đồng của kỷ nguyên ơn cứu độ. Tuy nhiên, chúng ta cần dừng lại trên một chi tiết nổi bật được nhắc đến, là trong số thực khách có một người không mặc áo cưới. Số phận của anh ta rất bi thảm. Anh bị trói lại và bị quăng ra bên ngoài, nơi người ta sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Có lẽ, chi tiết này khiến chúng ta phải giật mình và tự nhìn lại chính mình, xem chúng ta có bị rơi vào tình trạng ấy hay không.

Bài học về lòng quảng đại của Thiên Chúa

     Mỗi khi chúng ta đến tham dự thánh lễ, chúng ta được tiên hưởng bàn tiệc cánh chung mà các bài đọc lời Chúa hôm nay nói tới. Bàn tiệc ấy quảng diễn tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa trao tặng. Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã phân thây xẻ thịt chính ‘Con Một’ yêu dấu để cho chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10b). Nhưng điều kiện duy nhất, là chúng ta phải mang y phục tiệc cưới, tức là cũng phải mang chở nơi mình tình yêu như Chúa đã nêu gương. Thánh Augustinô khi suy niệm về Bí tích Thánh Thể đã nói rằng : “Bánh mì nuôi sống con người, nhưng sẽ giết chết con chim diều hâu”. Diều hâu ăn bánh mì vào, bánh sẽ trương nở làm nó chết nghẹt. Vì thế, chúng ta cần phải lột bỏ bộ quần áo cũ kỹ mang nhãn hiệu ‘diều hâu’ khi ngồi vào bàn tiệc Thánh Thể. Y phục đám cưới là cách sống theo đức ái như Chúa Giêsu mời gọi. Đức ái đó đòi hỏi chúng ta phải loại bỏ  những tham lam bất chính, những ích kỷ ghét ghen, những gian dối lọc lừa để chúng ta không bị ném ra ngoài chỗ tối tăm, nơi con người phải khóc lóc và nghiến răng mãi mãi.

Kết luận

     Vào một đêm lạnh giá giữa tháng 01/1935, một phiên tòa được tổ chức trong khu phố nghèo nhất ở New York. Thẩm phán là ông Fiorello La Guardia, vị thị trưởng đáng kính. Đứng trước vành móng ngựa là một bà lão đã gần 60, áo quần cũ rách với dáng vẻ sầu khổ. Gương mặt tiều tụy của bà hiện lên vẻ xấu hổ vì bà đã bị bắt quả tang khi đang ăn cắp một ổ bánh mì. Ngài thị trưởng hỏi bà lão : “Bà đã bị tố cáo vì ăn trộm bánh mì, có đúng thế không”. “Thưa đúng”, bà ấp úng đáp. “Bà lấy trộm vì đói có phải không?” “Thưa quan tòa, tôi rất đói. Nhưng nếu chỉ vì đói, tôi đã không làm như thế. Đứa con rể của tôi đã bỏ nhà ra đi. Con gái tôi ốm liệt giường. Tôi cần chiếc bánh mì để nuôi hai đứa trẻ đang chết đói”. Nói đến đây bà bật khóc. Cả phòng xử im lặng. Ngài thị trưởng thở dài. Ông rảo mắt nhìn khắp gian phòng và quay sang bà lão, ông nói : “Bị cáo, tôi sẽ xử phạt bà. Luật pháp phải công bằng và không có ngoại lệ với bất cứ ai. Bà phải nộp phạt 10 đô-la hay sẽ bị giam 10 ngày. Bà chọn cái nào?

     Trong sự bế tắc, bà lão nghẹn giọng trả lời : “Thưa ngài, tôi xin chịu phạt. Nếu tôi có 10 đôla, tôi đã không đi trộm bánh mì. Vậy tôi xin chịu giam 10 ngày. Nhưng còn hai đứa trẻ, ai sẽ chăm sóc chúng bây giờ”. Nói xong, bà bật khóc.

     Ngài thị trưởng khẽ mỉm cười. Ông rút trong túi ra 10 đô-la và nói : “Đây là 10 đô-la tiền phạt và bà được tự do”. Sau đó, ông nhìn xuống và nói với cử tọa : “Bây giờ, xin mỗi người hãy đóng 50 xu tiền phạt, vì đã vô tâm để cho một người hàng xóm khốn khổ phải đi ăn cắp bánh mì nuôi hai đứa cháu. Ngài Baliff, ông hãy đi thu tiền phạt và trao số tiền đó cho bị cáo”.

     Bầu khí im lặng hoàn toàn. Mọi người tự động móc ra 50 xu. Tổng số tiền thu được là 47,5 đô-la. Ngài thị trưởng được người dân rất quý mến và dân chúng vẫn thường gọi  ông là Fiorello, có nghĩa là ‘Bông hoa nhỏ’.

     Có bao giờ chúng ta đã tỏ ra vô cảm trước nỗi đau của những cận nhân chung quanh chưa? Sự ích kỷ và vô tâm chính là chiếc áo bẩn thỉu mà chúng ta cần phải loại bỏ để mặc lấy y phục tiệc cưới, khi đến tham dự bàn tiệc Nước Trời.

Văn Hào, SDB

Visited 4 times, 1 visit(s) today