ÁNH DƯƠNG VÀ 12 VỊ THẦN

Ngày xưa, có một người phụ nữ ở trong một căn nhà giữa rừng cùng với hai cô con gái tên Ánh Dương và Diệu Huyền. Ánh Dương có vẻ đẹp trong sáng của mặt trời, dịu dàng và tế nhị, còn Diệu Huyền tính tình sôi nổi, hay nhõng nhẽo và đôi khi cáu bẳn, nhưng bà mẹ lại cưng chiều cô út Diệu Huyền hơn.

Diệu Huyền ghen tương với vẻ dịu ngọt của chị, cô hay gây sự và tạo dịp để Ánh Dương bị đòn oan. Đôi khi, dựa vào mẹ, cô lên tiếng trách cứ nặng lời người chị.

Mười hai vị thần lạ lùng

Vào ngày đầu năm, trong khi mọi người hân hoan mừng tuổi, Diệu Huyền dậm chân la hét đòi phải có bó hoa tím làm vòng hoa đội đầu ngày tết. Thế là, bà mẹ vội vã ra lệnh cho Ánh Dương đi vào rừng tìm.

Không dám trái lời, ngay lập tức Ánh Dương vào rừng, trên mình chỉ khoác một bộ đồ mong manh. Chiều buông xuống, sương ngập lối, trời trở lạnh như giữa đêm đông. Ánh Dương thất thểu bước đi và cô bị lạc trong đêm vắng. Thấy phía đỉnh đồi có ánh lửa bập bùng, Ánh Dương vội bước tới. Chung quanh đống lửa, có 12 người diện mạo kỳ lạ. Đó là 12 Tháng của năm. Người thứ nhất ngỏ lời với Ánh Dương là một lão ông có bộ râu dài, trắng xóa.

Ngồi trên tảng đá lớn hơn của mọi người, ông cầm trên tay chiếc gậy quyền năng. Đó là Thần tháng Giêng, tháng đầu tiên của năm, mái tóc bạc như tuyết mùa đông nhưng nhìn ông trẻ trung và mới mẻ như năm mới. Phía sau ông, mười một vị thần ngồi trên mười một tảng đá.

Những bông hoa tím nở kỳ diệu

Sau khi mời Ánh Dương đến gần lửa để sưởi ấm. Nhìn thấy bé gái buồn bã, thần tháng Giêng hỏi vì sao cô lại vào rừng một mình trong ngày mùng Một đầy ý nghĩa này. Ánh Dương kể ra mối bận tâm tìm cho được bó hoa mầu tím trong ngày lạnh giá. Mười hai vị thần cẩn thận lắng nghe.

Các vị hiểu rằng không thể có hoa mầu tím ấy trong tháng 1, nên thần tháng Giêng quay sang thần tháng Ba xin trợ giúp. Thần tháng Ba gật gật mái tóc hung đỏ, tỏ vẻ hạnh phúc được giúp đỡ cô bé. Ông cầm cây gậy quyền năng, chỉ vào đống lửa. Những tia lửa bừng cháy rực rỡ, cả một vùng dần ấm nóng lên, mặt đất lạnh cứng bỗng tràn đầy mầu xanh của cỏ, rồi những cây hoa mọc lên, nở những chùm hoa tím rạng rỡ, tỏa hương ngào ngạt. Ánh Dương vui sướng hái một bó hoa to, cảm ơn các vị thần và tìm đường trở về.

Bà mẹ vui mừng đón lấy bó hoa đưa cho con gái út, nhưng ngay lúc ấy, cô út chẳng quan tâm đến hoa, mà cô đòi ăn dâu rừng cơ. Thế là, Ánh Dương lại phải tất tả quay vào rừng, không kịp lấy thêm áo khoác.

Những trái dâu như những viên hồng ngọc

Lần này, Ánh Dương nhanh chóng tìm được 12 vị thần. Thần tháng Giêng chào đón cô bé với nụ cười tươi. Ông dẫn cô đến gần đống lửa, Ánh Dương buồn đến nỗi không cất lên lời. Mãi sau, khi người đã ấm lên, nhất là với sự tế nhị của 12 vị thần, cô bé mới có thể tâm sự về đòi hỏi của bà mẹ và em gái. Hoa tím không cần nữa, nhưng bây giờ Ánh Dương cần những trái dâu rừng trái mùa.

Mười hai vị thần nhanh chóng hội ý. Thần tháng Giêng như người anh Cả đề nghị thần tháng Sáu ra tay, vì dâu chỉ ra trái vào tháng sáu. Đứng lên khỏi tảng đá của mình, với vẻ thân thiện vốn có, thần tháng Sáu mỉm cười, ông giang rộng tà áo màu vàng rực, tay cầm chiếc gậy quyền năng mà thần tháng Giêng đưa cho, ông làm cho khu rừng nhuốm sắc mầu mùa hạ.

Bầu trời trở nên trong xanh, một vài đám mây trắng điểm nhẹ. Vài cây xanh trĩu nặng những trái dâu đỏ mọng như những viên hồng ngọc. Ánh Dương vui sướng hái đầy giỏ dâu, rồi cảm ơn thần tháng Sáu và nhanh chóng trở về.

Một trái táo thơm ngon

Nhìn thấy giỏ dâu, thay vì vui mừng, Diệu Huyền bỗng trở nên cắm cảu, khó chịu. Cô phụng phịu dậm chân: “Bây giờ em muốn ăn táo cơ. Một trái táo thật ngon”. Ánh Dương lại cắm cúi đi vào rừng, vừa đi, cô bé vừa tủi thân, thất vọng. Trời thật lạnh, nhưng Ánh Dương cố gắng tìm đến đỉnh đồi.

Rất ngạc nhiên khi thấy Ánh Dương trở lại, nhưng 12 vị thần vẫn vui vẻ giúp cô. Vị thần tháng Chín đảm nhận việc này. Ông giơ chiếc gậy quyền năng, một vùng đất bỗng trở nên ẩm ướt, cây táo mọc lên xum xuê, kết trái và cả một vùng lừng hương. Ánh Dương hái hai trái táo lớn, cảm ơn vị thần tháng Chín và chạy về nhà, trong lòng dậy lên niềm hy vọng mẹ và em gái sẽ hài lòng. Không ngờ, Diệu Huyền chẳng vui, lại lớn tiếng trách cứ tại sao cô lại chỉ hái hai trái táo. Sau đó, vì tò mò, Diệu Huyền đòi cô cho biết vì sao lại có thể tìm ra những thứ hoa trái vào mùa này.

Ánh Dương kể lại tất cả. Người mẹ cho rằng công việc quá đơn giản này Diệu Huyền cũng có thể làm được. Và cô lại còn có thể ăn bao nhiêu táo tùy thích. Người mẹ ngay lập tức chuẩn bị đầy đủ mũ áo, bao tay, giầy bốt cho con út và để cô vào rừng, với hy vọng sẽ gặp được 12 vị thần.

Vốn sẵn tính ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình và hay ra lệnh, vừa khi gặp 12 vị thần, cô bé lên tiếng: “Cây táo ở đâu rồi? Hãy nói cho ta cả những trái dâu và cây hoa tím ở đâu? Ta cần nó!”

Thần tháng Giêng, khôn ngoan và trịnh trọng giải thích cho Diệu Huyền biết rằng chỉ trong trường hợp bất thường mới có thể làm đảo lộn trật tự của các tháng và các mùa. Sau đó ông hỏi cô: “Con có lý do gì để xin có hoa và có quả lúc trái mùa không?”. Cô út hỗn xược đáp: “Ta biết lý do là đủ rồi”.

Trước thái độ đó, để dậy cho cô bé một bài học, vị thần tháng Giêng đưa cây gậy lên đống lửa, tất cả tự nhiên biến mất, cả 12 vị thần. Người mẹ sốt ruột đợi chờ. Không thấy cô út trở về, bà tự mình nhủ: “Chắc là con gái hái quá nhiều táo nên không thể đem về một mình, ta phải đi giúp nó”.

Bà đi vào rừng và không trở về. Tại căn nhà nhỏ, Ánh Dương ngong ngóng đợi chờ. Cuối cùng, cô đóng cửa vào rừng tìm kiếm, may mắn, cô tìm thấy mẹ và em gái đang rũ mình trên vùng đất hoang vắng như sa mạc. Ánh Dương tìm cách đưa họ về nhà, và cả hai đã thay đổi, không còn đòi hỏi những điều vô lý nữa.

NHỮNG CHỈ DẪN SƯ PHẠM

Bài học sư phạm ẩn giấu trong câu chuyện

Trong câu chuyện, thời gian (12 tháng) được giới thiệu như những vị thần tốt lành và quảng đại. Ánh Dương vì biết tôn trọng nhịp điệu thời gian, nên đã được giúp đỡ vượt trên mơ ước, còn Diệu Huyền vì ép thời gian như mình muốn nên đã làm hỏng mọi sự. Thời gian là người bạn, nó mang chở những quà tặng cho con người.

Ngày nay, các thanh thiếu niên rất khó hiểu được ý nghĩa và nhịp điệu của thời gian. Những chộn rộn trong cuộc sống như lễ hội, học hành, bè bạn đã làm cho các em rơi vào kinh nghiệm của sự rời rạc, cuồng nhiệt do quá nhiều hoạt động. Chưa khi nào các em có kinh nghiệm về việc “làm chủ thời gian” của sự kiên nhẫn. Trong lăng kính sư phạm, việc giúp trẻ nhận ra giá trị thời gian là rất quan trọng, đây là quà tặng không lặp lại và là cơ hội để hành động với sự thông minh. Ngay từ nhỏ, các em cần được giáo dục về việc phân chia thời gian, làm việc hiệu quả và biết đúng giờ, biết kính trọng thời gian.

Câu hỏi gợi ý

  • Tại sao Ánh Dương được ban thưởng trong khi Diệu Huyền bị phạt?
  • Nếu bạn biết được con đường dẫn đến chỗ 12 vị thần thời gian, bạn sẽ yêu cầu họ điều gì?
  • Theo các bạn, các tháng trôi qua nhanh hay chậm? Khi nào thời gian có vẻ chậm nhất?
  • Có ai đã từng nói với bạn “Đừng mất thời gian”, “Đừng hoang phí thời gian” chưa? Câu này có nghĩa gì?
  • Bạn hình dung về thời gian thế nào? Theo bạn, có thể ví thời gian với cái gì hay với ai? Tại sao bạn lại không thử vẽ xem thời gian là thế nào?

Những hoạt động gợi ý

  • Trong kinh nghiệm dân gian, có rất nhiều câu tục ngữ ca dao nói về thời gian. Giáo lý viên có thể cho học sinh sưu tập dưới sự giúp đỡ của cha mẹ, ông bà.
  • Thời biểu của ngày sống. Giáo lý viên có thể cho học sinh vẽ hình chiếc đồng hồ trên giấy, sau đó cho học sinh vẽ kim, tô mầu từng khoảng hoạt động của cá nhân. Ví dụ khoảng thời gian ngủ tô mầu xanh, đi học tô mầu đỏ, chơi tô mầu vàng…

Kinh Thánh cũng kể lại

Chúa Giê-su kể lại có một người kia phải đi xa, ông trao cho các đầy tớ những nén bạc. Khi trở về, ông đòi họ phải tính sổ … (Mt 25, 14-30)

Visited 30 times, 1 visit(s) today