Ấn Độ – Video Tưởng Nhớ Các Salêdiêng Bị Giết Ở Imphal Năm 2001

       (ANS – Imphal) – “Ba viên Kim cương Đỏ ở Kangleipak, cái giá phải chuộc” – là điều Kangleipak gợi nhớ về cái tên cổ xưa của Manipur – là tựa đề của đoạn phim phóng sự cha Thomas Josekuty Madathiparambil, là một Salêdiêng Ấn Độ đã thực hiện để tưởng nhớ tới ba Salêdiêng đã bị giết ở Imphal vì các ngài đã bảo vệ cho những người trẻ đang hiện diện ở nhà tập Salêdiêng lúc đó. Nhưng đây không đơn giản chỉ là một video, đây thật sự là một tặng vật tưởng nhớ: quả thật, cha Josekutty lúc đó là một trong số các tập sinh và ngài vẫn nhớ về biến cố đó rất rõ ràng, đây là một sự hy sinh quảng đaị nhằm chống lại sự hống hách và bạo động.

       Ngày 15 tháng 5, 2001

    Vào buổi sáng ngày 15 tháng 5, 2001 định mệnh đó, hai người đàn ông đã đến Nhà tập Salêdiêng ở Ngarian, rõ ràng giống như đến thăm. Thầy Shinu đã đưa họ đi thăm nhà. Sau đó họ đã bỏ đi ngay. Rồi khoảng 6:45 tối hôm đó, hai người đàn ông này đã trở lại với súng ống và có thêm một người đàn ông nữa, họ cùng đi trong một chiếc xe hơi Maruti màu trắng. Một người đã đứng gác ngoài cổng chính, trong khi đó hai người kia đã đi vào phía sau nhà và yêu cầu gặp cha phụ trách ở đây. Khi cha Raphael được thông báo, ngài đã tạm ngưng buổi huấn đức cho 12 Tập sinh năm hai và đi ra với cha Andreas (ngài mới được sai về đây được ba tuần) để gặp những người có trang bị súng ống ở sân bóng chuyền.

      Chỉ ít phút sau cha Raphael đã trở vào và nói với các tập sinh rằng bài huấn đức đã kết thúc và cho các tập sinh đi vô hội trường và không được ra khỏi phòng bất cứ vì lý do gì. Các tập sinh thấy ngài đi vào Nhà nguyện để cầu nguyện, rồi sau đó ngài đi tới phòng làm việc của ngài rồi lại đi xuống sân bóng chuyền. Dường như là cha Raphael đã lấy một ít tiền để đưa cho chúng. Người ta nghe thấy mấy tên có trang bị vũ khí la lên “bằng dó tiền không đủ”. Cha Andreas đã lại đi vào nhà. Một số tập sinh đã thấy cha Andreas lấy tiền trong phòng ngài và lại trở ra sân bóng rổ.

      45 phút sau, bốn người vẫn tranh luận. Người ta nghe mấy tên có trang bị súng ống yêu cầu cha Raphael phải đưa tất cả các tập sinh ra và phân chia ra những người Naga và những người không phải là Naga. Cha Raphael đã nói với họ rằng, “Các tập sinh là những người còn nhỏ: tại sao phải kêu các em ra? Mấy anh muốn nói gì với các em thì cứ nói với tôi, tôi sẽ nói lại.” Một lát sau, mấy tên có trang bị vũ khí yêu cầu thầy Shinu đi ra khỏi nhà. Cuộc đấu khẩu kéo dài thêm khoảng 10 phút nữa.

       Khoảng 7.50 tối, các tập sinh đang cầu nguyện trong nhà nguyện đã nghe tiếng súng nổ ngoài đường. Ngay lập tức mấy tên có trang bị vũ khí đã lia những làn đạn AK47 vào cha Raphael. Lúc đó, cha Andreas cúi xuống để cứu giúp cha Raphael và hứng chịu loạt đạn kế tiếp. Với tình hình như thế, tư giáo Shinu đã la lên và rồi mấy tên có vũ khí này cũng đã tuôn ra hàng loạt đạn vào thầy. Vài phút sau, những tên giết người đã biến mất vào bóng đêm. Những người con can đảm của Don Bosco đã hy sinh tính mạng của mình vì đàn chiên đã được trao phó cho các ngài chăm sóc. Họ đã đổ máu mình ra cho Chúa và cho đồng loại.

        Bối cảnh dẫn đên cái chết của hai cha Raphael, Andreas và tư giáo Shinu

       Những năm 2000 và 2001 là thời gian hỗn loạn nhất cho Tu hội và cho Giáo hội tại Imphal. Tình trạng hỗn loạn đã lên đến đỉnh diểm và chúng đưa ra nhiều yêu sách cho giáo hội cũng như các cộng đoàn trong giáo hội, đặc biệt các cơ sở giáo dục. Một số nhóm nổi loạn tại thung lũng Imphal đã đề ra những yêu cầu với các trường của các cơ quan truyền giáo Công giáo phải trả những khoản tiền khổng lồ cho chúng nếu như họ muốn tiếp tục làm việc tại thung lũng này. Đưa tiền cho chúng có nghĩa là ủng hộ công việc của chúng. Vì thế, một số hội viên của chúng ta, cụ thể là cha Manuel Paikada, SDB, cha Kunnathettu Vincent, SDB, cha Chazhisseril Stephen, SDB, và một số khác nữa đã nhận được những tin nhắn đe dọa vì họ không tuân theo những đòi hỏi của chúng.

       Vào tháng 3/ 2001, tất cả mọi người trừ cha cố John Med, SDB đã rời Imphal theo yêu cầu của cha Giám tỉnh vì mọi điều kiện không có lợi cho họ ở lại đó. Vì thế những kẻ nổi loạn không thể làm gì được các hội viên đang làm việc tại trường mà không sẵn sàng chiều theo những đòi hỏi bất chính của chúng. Mục đích của chúng là cho các linh mục, tu sĩ, đặc biệt những người không phải xuất phát từ địa phương này một bài học, vì nhắm tới các giáo sĩ và tu sĩ địa phương sẽ làm cho các cộng đoàn chia rẽ cũng như đổ máu. Chúng đã chú ý đến các nhà tập, một cái bia mềm vì chúng đã biết có rất nhiều người trẻ đang ở đó từ nơi khác đến. Vì thế chúng muốn dậy cho chúng tôi một bài học bằng cách tấn công nhà tập, dù cho cộng đoàn chúng tôi chẳng dính dáng gì đến trường học cũng như các hoạt động liên quan tới trường học. Thật rõ ràng khi chúng tranh luận với các cha. Chúng cũng lo sợ khi đụng đến các hội viên đến từ Manipur vì có thể sẽ gây nên rất nhiều khó khăn cho chúng. Chúng đã yêu cầu phân tách tất cả những tập sinh ở nơi khác đến với các tập sinh từ Manipur. Chúng muốn giết tất cả và dậy cho Giáo Hội cũng như Tu Hội một bài học.

       Tiểu sử

       Cha Raphael Paliakara sinh ngày 10 tháng 4, 1955 tại Chiyyaram – xưa thuộc giáo xứ Ollur của Giáo Phận Trichur, trong tiểu bang Kerala của Ấn Độ, trong gia đình của P.V. Varunny và Maria Paliakara. Ngài đã gia nhập đệ tử viện Salêdiêng tại Vaduthala năm 1969 và năm 1970 ngài tới Shilling để theo học trung học, và chuẩn bị đại học tại Savio Juniorate Mawlai. Ngài khấn lần đầu ngày 24 tháng 5, 1976 và trở thành thành viên của tu hội Salêdiêng. Ngài hoàn tất thời kỳ hậu tập viện năm 1979. Ngài đã đi tập vụ tại Trường Don Bosco Dibrugarh và tuyên khấn trọn đời ngày 24 tháng 5, 1982. Ngài đã hoàn tất chương trình thần học tại Trường Thần học Thánh Tâm, ở Shillong và được thụ phong linh mục ngày 29 tháng 12, 1984. Ngài được sai về Rua Home, ở Jorhat năm 1985. Năm 1991, ngài đã chuyển tới Don Bosco Dibruagrh làm Phụ tá Hiệu trưởng và cố vấn cho các đệ tử. Năm 1993 ngài được bổ nhiệm làm hiệu trưởng của Trường Trung học Salêdiêng Dibrugarh. Từ năm 1996 – 1999 ngài học chuyên hóa về sư phạm đào tạo tại Trường Đại học Giáo Salêdiêng ở Rôma. Rồi sau đó tiếp tục qua Kent, Vương Quốc Anh để theo học về phát triển Con người. Khi trở về lại Ấn Độ vào tháng 10, 1999 ngài được bổ nhiệm làm thuyết trình viên và quản thủ thư viện của Đại học Salêdiêng Dimapur. Vào tháng 7, 2000 ngài đã được bổ nhiệm làm Tập sư tại Ngarian, Imphal, Manipur.

       Cha Andreas Kindo sinh ngày 2 tháng 12, 1969 con của ông Albinus và bà Maria Lakra ở Charry Munda, Giáo xứ Kurdeg, Giáo Phận Simdega ở Jharkand. Ngài học xong trung học cơ sở ở Biha và trung học phổ thông tại trường Nirmala, Kahlijore 1985. Ngài đã bộc lộ lòng khao khát trở thành một linh mục ngay từ tấm bé. Ngài hân hạnh được sinh ra trong một gia đình Công Giáo sùng đạo và cha mẹ ngài rất đạo đức. Ngài đã gia nhập đệ tử viện Salêdiêng tại Rua Home Jorhat và hoàn tất kỳ thi tiền đại học vào tháng 2, 1989. Ngài đã khấn lần đầu và trở thành người Salêdiêng vào ngày 27 tháng 4, 1990. Ngài đã hoàn tất chương trình hậu tập viện tại Dimapur năm 1993. Ngài đi tập vụ tại Don Bosco Chingmeirong. Đến cuối năm 1994, ngài đã chuyển tới tập viện ở Ngarian làm thầy hộ trực và dậy học cho các tập sinh. Ngài đã hoàn tất chương trình thần học tại Đại học Thánh Tâm ở Shillong, và được chịu chức linh mục vào ngày 25 tháng 4, 2000. Vào tháng 5, 2000, cha Kindo đã được bổ nhiệm làm Phụ tá hiệu trưởng, Cố vấn và Phụ tá cha xứ Don Bosco Chingmeirong, Imphal, Manipur. Ngài thông hiểu cách làm việc ở Manipur. Ngài được dân chúng rất yêu mến, đến nỗi một gia đình ở Manipur đã đặt tên cho con của họ là ‘Kindo’. Ngài đã được chuyển tới Tập viện Salêdiêng ở Ngarian vào tháng 4, 2001.

       Tư giáo Shinu Joseph Valliparambil, SDB sinh ngày 27 tháng 3, 1978 ở Chakkittapara, thuộc giáo phận Thamarassery, của quận Kozhikode, bang Kerala, Ấn Độ. Thầy đã gia nhập đệ tử viện Salêdiêng ở Jorhat, Assam sau khi hoàn tất kỳ thi SSLC năm 1993. Thầy tuyên khấn lần đầu và trở thành Salêdiêng ngày 24 tháng 5, 1997 tại Ngarian, trong tập viện Salêdiêng. Thầy đã tiếp tục theo học triết học và đã tốt nghiệp tại Trường Đại học Salêdiêng ở Dimapur, Nagland. Thầy đã hoàn tất chương trình hậu tập viện với hạng nhất Văn bằng cử nhân Anh Ngữ tại Đại học Nagland năm 2000. Thầy được bài sai làm hộ trực và giáo viên dậy học cho các tập sinh tại Ngarian vào tháng 6, 2000.

Minh Tuấn, sdb chuyển ngữ

Visited 3 times, 1 visit(s) today