Ai cho em mùa xuân

“Ngàn hoa thắm tươi khoe môi cười mừng đón xuân…”. Những lời hát biểu lộ bầu khí đón tết: Người người, nhà nhà chờ đón Tết cho dù mang tâm trạng vui hay buồn. Riêng tôi, rất háo hức vì chí ít cũng đã hơn 10 năm “không được ăn Tết” ở quê nhà. Tôi hiểu thế nào là “mong chờ”, là háo hức của người trông chờ ngày Tết. Mọi người con từ xa hay gần đều tụ họp trong buổi họp mặt gia đình, rồi niềm vui tuôn trào. Còn tôi chợt nghĩ: tết mình sắp đón ra sao nhỉ. Chắc là không có tiền lì xì đâu. Lớn rồi mà!

Chẳng phải nhà thơ, nhưng tôi rất ấn tượng bài ca “Anh cho em mùa xuân”, do nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết vào mùng 5 tết năm 1962, phổ từ lời thơ của Kim Tuấn.

Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ.
Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn vỉa phố, mắt buồn vịn ngọn cây.
Anh cho em mùa xuân, mùa xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá.
Lời thơ thương cõi đời, bầy chim lùa vạt nắng trong khói chiều chơi vơi…

Mỗi lời, mỗi ý toát lên tình yêu và niềm vui. Con người thật hạnh phúc trong khung trời mùa xuân. Tôi chợt thấy sàn sạn trong lòng, bởi có phải cuộc đời tuyệt đẹp khi tất cả là mùa xuân không?

Nghe một số em di dân tâm sự việc đón tết, tôi đau lòng nghĩ: chẳng lẽ có điều này ở thế kỷ Công nghệ? Các lý do đại loại là “vì không có tiền về quê”, “vì không còn ai thân thích”, “vì cha mẹ đang ở trong trại giam”, “vì công việc mấy ngày Tết có thể kiếm được nhiều tiền lương hơn những ngày khác trong năm!”. Hóa ra tết chỉ vui cho người giầu, người có cuộc sống đầy đủ, nhưng lại là nỗi lo lớn cho người nghèo. Tôi nghiệm ra một điều: xuân không ở tiết trời, mà xuân ở trong lòng người.

Ngày 20.01.2015, trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với các thiếu niên tại Trường Đại học Thánh Tôma, bé gái 12 tuổi Glyzelle Iris Palomar sau khi đã nói về hoàn cảnh bị bỏ rơi của mình, cùng nhiều tình trạng khốn cùng, nghiện ngập, mại dâm mà hàng ngày em chứng kiến, em đã hỏi Đức Thánh Cha trong nước mắt: “Tại sao Chúa lại để xảy ra như vậy”, và em cũng hỏi ngài: “Tại sao lại có ít người giúp chúng con như vậy?”. Và Đức Thánh Cha đã khóc.

Đọc sự kiện này, lòng tôi dậy lên niềm ngưỡng phục vô bờ bến với Cha Thánh Gioan Bosco, thường hay được gọi là Don Bosco. Ngài đã sinh ra cách đây 200 năm, và ngài cũng đã từng đổ lệ trước biết bao hoàn cảnh đáng thương của người trẻ, trong một đất nước sau chiến tranh. Gia cảnh nghèo khó, mất cha năm lên hai tuổi, những ngày tháng đi làm thuê ở tuổi niên thiếu, rồi nhiều lần phải gõ cửa nhà các hàng xóm để xin sự giúp đỡ hầu có điều kiện theo học để thực hiện ước mơ làm linh mục.

Chính những khổ cực đã nếm trải như sự thiếu thốn cơm áo, giá lạnh mùa đông, cô thế nơi phố thị đều là trường tôi luyện để Gioan Bosco hiểu được giá trị của cơm bánh, nỗi khổ đau của người nghèo hơn. Khi trở thành linh mục, Don Bosco có thừa cơ hội để chọn những cơ may hầu có một đời sống an nhàn, sạch sẽ, hoặc thu quén để bù lại thời gian thiếu thốn. Nhưng ngài đã chọn sự vất vả, nghèo khó, lao nhọc, dấn thân không mỏi mệt để hoàn toan lo toan cho trẻ nghèo.

Vị linh mục nghèo ấy đã trả lời cho tiếng kêu gào của người trẻ, tiếng kêu của người trẻ cách đây 200 năm và cũng là tiếng kêu của ngày hôm nay: “Tại sao lại có ít người giúp chúng con như vậy?”.

Chính ngài đã mang lại “mùa xuân” cho cuộc đời của nhiều bạn trẻ nghèo, bị bỏ rơi, gặp nguy hiểm về đời sống và luân lý. Mùa xuân đó không là nắng, là hoa, là bướm vàng, là chồi non xanh tươi. Mùa xuân đó là mái nhà đơn sơ của ngài, nơi hàng nghìn bạn trẻ có thể trú ngụ, có cơm ăn qua ngày, được học nghề nghiệp để có thể tự kiếm sống cách lương thiện, được dạy dỗ để biết luân thường đạo lý. Đó là sân chơi bình dị, nơi các bạn trẻ có chỗ để tụ họp nhau và vui chơi, nơi họ tìm thấy tình bạn, sự cảm thông, niềm vui và hạnh phúc vì được chia sẻ sức sống trẻ của mình. Đó là một góc yên tĩnh để họ có thể đắm mình với lời kinh nguyện đơn giản phát sinh từ chính cõi lòng; nơi đó người trẻ, với ngổn ngang trăm mối đường đời, với hàng nghìn lời mời mọc của thế gian mà họ phải chọn lựa và tranh đấu, có thể bình tâm hơn để biết mình là ai, đang đi về đâu và mình cần thực sự điều gì.

Không chỉ có một mùa xuân của Don Bosco, mà ngài còn phấn khích để có đông đảo những con người đi theo vết chân ngài, làm nên mùa xuân ở nhiều xứ sở và nối tiếp qua nhiều thời đại. Đó là Gia đình Salêdiêng sống theo tinh thần của Don Bosco, phục vụ cho người trẻ trong nhiều môi trường khác nhau trong Giáo Hội và Xã hội.

Cho tới hôm nay, nhiều bạn trẻ vẫn tiếp tục được cuốn hút bởi lời mời gọi trao ban mùa xuân này. Đâu đó vẫn còn những mảnh đời không có mùa xuân. Đâu đó vẫn có những người trẻ không có sức sống vì họ bị người khác đánh cắp hay tự mình đánh mất. Họ sẽ còn cần đến một ai đó. Và biết đâu khi đọc được những dòng này, chính bạn sẽ cảm nhận từ trong tâm hồn mình lời tâm sự này: “Bên em đã có ta! Tôi sẽ cố gắng để cho em – một người trẻ nghèo – có được mùa xuân!”.

Lê An Phong, SDB

Visited 3 times, 1 visit(s) today