
(ANS – Madrid) – Trong những ngày chờ đợi tang lễ của vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo và những dự đoán về Mật nghị Hồng y sắp tới, Hồng y Ángel Fernández Artime, Quyền Tổng trưởng Bộ Đời sống Thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ, đã được nhiều cơ quan truyền thông tiếp cận để kể lại kinh nghiệm trực tiếp của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô và lắng nghe những nhận định của ngài về hình mẫu vị Giáo hoàng mới.
Vị Hồng y người Tây Ban Nha đã gặp Đức Jorge Mario Bergoglio tại Buenos Aires khi ngài còn là Hồng y Tổng Giám mục thủ đô Argentina: ‘Tôi đã sống ở đó năm năm với tư cách là Giám tỉnh Dòng Salêdiêng và đó là nơi chúng tôi gặp nhau. Tôi nhớ mình đã bình thản đi tàu điện ngầm khi các toa tàu vẫn còn làm bằng gỗ, đã đến thăm các khu ổ chuột (Villas Miserias), và tôi nhớ những lần tôi đến tòa tổng giám mục, chính Đức Hồng y Tổng Giám mục đã ra mở cửa cho tôi. Ngài là một người đơn giản là một mục tử, một người có đức tin sâu sắc và xác tín’.
Ngài đã đón nhận tin Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời như thế nào?
Tôi đã không ngờ tới. Tôi là một trong những người đã tin và thấy rằng Đức Thánh Cha đang hồi phục, chậm rãi, nhưng chắc chắn là đang hồi phục. Đức Phanxicô rời bỏ chúng ta vào một thời điểm lịch sử quan trọng.
Ưu tiên bây giờ là gì?
Bây giờ, chúng ta phải bình tĩnh tiến hành trong những ngày tới việc an táng Đức Thánh Cha, tại nơi ngài mong muốn và với sự đơn sơ mà ngài mong muốn, đó là tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả. Nơi này chắc chắn rất thân thương đối với tôi, vì tôi đã được tấn phong giám mục ở đó.
Ngài đánh giá công việc của Đức Thánh Cha Phanxicô như thế nào?
Những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã mang lại thực sự là một sự quan phòng của Hy vọng. Đức Bênêđictô XVI, vào thời của ngài, đã có một đóng góp phi thường với tầm nhìn trí tuệ, triết học và thần học của ngài. Và đến một lúc, ngài nói: ‘Tôi đã đi đến đây, tôi nghĩ cần phải có một người khác đến’. Và đây là một vị Giáo hoàng đến từ tận cùng thế giới, như chính ngài đã nói. Một vị Giáo hoàng luôn muốn đối thoại giữa Giáo hội và thế giới. Một vị Giáo hoàng đã cố gắng bằng mọi cách, để đưa Giáo hội ngày càng gần hơn với những người bé mọn nhất, những người đau khổ nhất của nhân loại. Một vị Giáo hoàng đã rất mạnh mẽ phê phán việc lạm dụng quyền lực, chiến tranh và sự chết chóc. Một vị Giáo hoàng luôn có cái nhìn can đảm và mang tính tiên tri. Và tất nhiên, điều hợp lý là, không phải lúc nào cũng được mọi người chấp nhận.
Ngài có nghĩ rằng Đức Thánh Cha đã thấy trước kết cục này không?
Tôi nghĩ ngài đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ những gì tôi nghe ngài nói nhiều lần, để đón nhận giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, và ngài muốn phục vụ tốt đẹp cho đến cùng. Đối với tôi, dường như là một đặc ân khi vào một ngày ý nghĩa như Chúa Nhật Phục Sinh, ngài cũng đã có thể nói lời tạm biệt với dân Chúa, tất nhiên là không biết chắc chắn [về thời điểm cuối cùng]. Tôi không biết ngài cảm thấy thế nào, nhưng ngài đã cố gắng nói lời tạm biệt, chào mọi người bất chấp sự mệt mỏi, bất chấp khó khăn trong việc nói năng mà ngài đã gặp phải, nhưng vẫn cố gắng di chuyển giữa 50.000 người đang ở Quảng trường Thánh Phêrô.
Và sau tang lễ thì sao?
Các Hồng y sẽ được triệu tập vào mật nghị. Là một tín hữu, tôi thực sự tin rằng với tất cả những trung gian của con người và với tất cả các động lực nội tại của những người tự mình suy nghĩ và những người muốn làm mọi việc một cách ngay thẳng, một nỗ lực sẽ được thực hiện để bầu chọn vị Giáo hoàng tốt nhất có thể từ giữa các ứng viên cho thế giới ngày nay.
Sẽ có sự tiếp nối hay một sự đảo ngược?
Tôi không tin rằng sẽ có một ‘hiệu ứng quả lắc’. Mọi thứ chúng ta trải qua là một hành trình. Lịch sử của Giáo hội đã luôn như vậy. Quan điểm của tôi là một quan điểm đầy hy vọng lớn lao, đầy sự thanh thản. (…)
Nhiều người hỏi tôi liệu vị Giáo hoàng kế tiếp sẽ là cấp tiến hay bảo thủ, và tôi trả lời rằng vị Giáo hoàng của tương lai sẽ không phải là một trong hai khuynh hướng đó. Ngài sẽ phải luôn gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô, với Tin Mừng và truyền thống Tông đồ, bởi vì điều này đã nâng đỡ Giáo hội suốt 2000 năm qua. Nhưng ngài cũng sẽ là một người cố gắng giữ cho cuộc đối thoại với thế giới luôn sống động, bởi vì thế giới trong 10 năm nữa sẽ không giống như bây giờ.
Việc bước vào mật nghị có làm ngài cảm thấy choáng ngợp không?
Không, bởi vì ở đây tất cả chúng tôi đều bình đẳng với tư cách là thành viên của Hồng y Đoàn. Chắc chắn, đó sẽ là một trải nghiệm độc đáo. Rất ít người trải nghiệm điều này ở bất kỳ độ tuổi nào. Dù sao đi nữa, tôi sẽ trải nghiệm điều đó với sự tự do tinh thần và sự sẵn sàng lớn lao.
Nguồn: El Periodico, Cope
Visited 4 times, 4 visit(s) today