RMG – Nhìn Lại Các Tổng Tu Nghị Của Dòng Salêdiêng: Tổng Tu Nghị 15 Đến Tổng Tu Nghị 21

(ANS – Rôma) – Từ năm 1938 đến năm 1977: Đây là khoảng thời gian được bao trùm bởi các Tổng Tu Nghị của Tu hội Salêdiêng, từ Tổng Tu Nghị thứ mười năm đến Tổng Tu Nghị thứ hai mươi mốt. Trong giai đoạn dài này, với nhiều biến đổi lớn về địa lý, chính trị, xã hội và Giáo hội, Tu hội Thánh Phanxicô Salê – cũng như toàn thể Giáo hội – được mời gọi đổi mới, không chỉ vì nhu cầu hay xu hướng thời đại, mà còn tiếp tục giữ cho đoàn sủng của mình luôn sống động và ý nghĩa trong những bối cảnh mới. Thế Chiến Thứ Hai, với tất cả các biến động mà nó kéo theo cùng với sự tái cân bằng trật tự thế giới sau khi kết thúc, đã đặt nhiều quốc gia dưới quyền kiểm soát của các chế độ công khai thù địch với Giáo hội; các cuộc biểu tình của giới trẻ và các biến đổi xã hội trong thập niên 1960; Công Đồng Vatican II… Đây là bối cảnh mà trong đó các Salêdiêng đã phải hoạt động trong giai đoạn được đề cập. Vì thế, không ít thách đố đã đặt ra cho các Salêdiêng, những người liên tục được mời gọi, qua các Tổng Tu Nghị, để phân định hướng đi của Tu hội trong thời kỳ đó.

TTN15 được triệu tập vào năm 1938, sau khi nhiều Bề trên và các Salêdiêng từ khắp nơi trên thế giới đến Ý nhân dịp lễ phong thánh của Don Bosco vào năm 1934; TTN này tập trung đặc biệt vào những vấn đề đào luyện và, xét đến sự phát triển và lớn mạnh của Tu hội, đã quyết định tăng số Tổng Cố Vấn từ 3 lên 5.

Tổng Tu Nghị tiếp theo, theo dự kiến sẽ diễn ra vào năm 1944, nhưng chỉ có thể tổ chức vào năm 1947 do ảnh hưởng của Thế Chiến Thứ Hai. Bối cảnh hậu chiến tất yếu tác động đến chủ đề và các quyết định cần đưa ra, nhằm cung cấp những giải đáp cụ thể cho các thanh thiếu niên bị bỏ rơi ngoài đường phố, cho những người thiếu thốn mọi sự, cũng như cho các Salêdiêng đã bị cô lập trong một thời gian dài…

Cha Renato Ziggiotti đã được bầu làm vị Kế nhiệm thứ năm của Don Bosco tại TTN17, sau khi Cha Ricaldone qua đời vào tháng 11 năm 1951. Tổng Tu Nghị này, nơi đánh dấu sự trở lại của các nghị viên tại Valdocco, được tổ chức vào mùa hè để có thể tận dụng các cơ sở trường học vốn dành cho việc giảng dạy. Từ nhiều tỉnh dòng Salêdiêng tại Đông Âu, chỉ một số ít các đại biểu đặc biệt có thể tham dự, vì các Giám tỉnh và đại biểu chính thức bị các chế độ cầm quyền ngăn cấm không cho tham gia.

Tổng Tu Nghị 18, cũng được tổ chức vào mùa hè tại Valdocco, đã nghiên cứu các vấn đề như việc tuân giữ kỷ luật tu trì và sứ mệnh tông đồ Salêdiêng theo những hình thức truyền thống. Đồng thời, Tổng Tu Nghị này cũng bàn về việc áp dụng Tông Hiến Sedes Sapientiae của Đức Thánh Cha Piô XII liên quan đến đào tạo tu sĩ, giáo sĩ và tông đồ, cũng như việc cổ võ lòng sùng kính đối với thánh Đaminh Saviô, người vừa được tuyên thánh vào năm 1954.

Tổng Tu Nghị 19 có ý nghĩa quan trọng vì nhiều lý do: Đây là Tổng Tu Nghị đầu tiên được tổ chức tại Rôma (tại các cơ sở mới của Học Viện Giáo Hoàng Salêdiêng – Pontifical Salesian Athenaeum), mở ra một truyền thống kéo dài trong tám TTN tiếp theo; đây cũng là Tổng Tu Nghị kéo dài lâu nhất trong lịch sử (51 ngày); nó diễn ra khi Công Đồng Vatican vẫn đang tiếp tục; và với định hướng can tân, nó đã góp phần tái định nghĩa căn tính của người Salêdiêng “theo đúng bản chất họ phải có”. Chính vì động lực phải đổi mới này, đây cũng là lần đầu tiên một Bề Trên Cả mới được bầu chọn trong khi vị tiền nhiệm vẫn còn sống: Cha Ziggiotti đã xin không tái đắc cử để người khác có thể dẫn dắt Tu hội theo hướng đi mới, và Cha Luigi Ricceri đã được chọn thay thế.

Tổng Tu Nghị tiếp theo, tức TTN20, là một Tổng Tu Nghị “Đặc Biệt”, được tổ chức để tiếp thu sâu sắc những đổi mới của Công Đồng. Đây là Tổng Tu Nghị kéo dài lâu nhất từ trước đến nay (gần 7 tháng, trải qua hai năm), được tổ chức tại Rôma, nhưng lần này diễn ra tại Nhà Trung Ương mới ở Via della Pisana. Tổng Tu Nghị này dẫn đến việc phê chuẩn Hiến luật mới, Quy chế mới cùng các “Định hướng” mục vụ và hoạt động mới.

Cuối cùng, Tổng Tu Nghị thường kỳ 21 là TTN chứng kiến việc bầu chọn Cha Egidio Viganò, người đảm nhận chức vụ Bề Trên Cả gần ba nhiệm kỳ. Trong Tổng Tu Nghị này, được cử hành nhân dịp kỷ niệm 100 năm TTN đầu tiên (1877), đã nỗ lực về nguồn với Don Bosco, với mục tiêu trở thành những nhà loan báo Tin Mừng chuyên biệt cho giới trẻ; sống như những tu sĩ đích thực giữa sứ mệnh; và quan tâm đến việc đào luyện liên tục. Điểm nhấn quan trọng nhất của Tổng Tu Nghị lần này là việc khởi động “Kế hoạch Châu Phi”, được Cha Viganò – Bề Trên Cả đắc cử – cổ võ mạnh mẽ.

Dưới đây là bản tóm tắt về 7 Tổng Tu Nghị của Tu hội Salêdiêng Don Bosco (1938-1977), trình bày theo cấu trúc ban đầu với các chi tiết về Chủ tọa (Bề Trên Cả), điều hành viên, thành viên, địa điểm, thời lượng, các chủ đề chính, cùng những ghi chú đặc biệt hoặc những diễn tiến quan trọng.

  1. TTN 15 (1938): Đào Luyện Salêdiêng
  • Địa điểm: Turin, Rebaudengo
  • Thời gian: 15 ngày (23/6 – 7/7/1938)
  • Chủ tọa: Cha Peter Ricaldone
  • Điều hành viên: Cha Renato Ziggiotti
  • Thành viên: 105 Nghị viên
  • Chủ đề: Đào luyện nhân sự Salêdiêng (các nhà dành cho tu sinh, tập sinh, học sinh triết học và thần học).
  • Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Gia tăng số Tổng Cố Vấn từ 3 lên 5.  
  1. TTN16 (1947) – Canh Tân Hậu Chiến Tranh
  • Địa điểm: Turin, Valsalice
  • Thời gian: 19 ngày (24/8 -11/9/1947)
  • Chủ tọa: Cha Peter Ricaldone
  • Điều hành viên: Cha Renato Ziggiotti
  • Thành viên: 110 Nghị viên (trong số 112 người được mời)
  • Chủ đề: Điều chỉnh các hoạt động của Tu hội sao cho phù hợp với nhu cầu tái thiết sau chiến tranh.
  • Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Chấp nhận chữ “SDB” là tên viết tắt chính thức của Tu hội.
  1. TTN17 (1952) – Ơn gọi và Sứ mệnh
  • Địa điểm: Turin, Valdocco
  • Thời gian: 15 ngày (31/7-14/8/1952)
  • Chủ tọa: Cha Renato Ziggiotti
  • Điều hành viên: Cha Secondo Manione
  • Thành viên: 114 Nghị viên
  • Chủ đề: Sự phát triển của các trường nghề, các công cuộc truyền giáo và các nhà đào luyện.
  • Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Bầu chọn Cha Renato Ziggiotti làm Vị Kế Nhiệm thứ 5 của Don Bosco.
  1. TTN18 (1958) – Kỷ Luật Đời Tu và Công Cuộc Tông Đồ
  • Địa điểm: Turin, Valdocco
  • Thời gian: 14 ngày (27/7-9/8/1958)
  • Chủ tọa: Cha Renato Ziggiotti
  • Điều Hành viên: Cha Albino Fedrigotti
  • Thành viên: 119 Nghị viên (trong số 128 người được mời)
  • Chủ đề: Tuân giữ kỷ luật tu trì, áp dụng Tông Hiến Sedes Sapientiae, giáo xứ và nguyện xá.
  • Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Suy tư về công cuộc tông đồ Salêdiêng tại các giáo xứ và trường học.
  1. TTN19 (1965) – Thích Nghi với Công Đồng Vatican II
  • Địa điểm: Rôma, P.A.S
  • Thời gian: 53 ngày (19/4 – 10/6/1965)
  • Chủ tọa: Cha Renato Ziggiotti (đến khi ngài từ nhiệm) và Cha Luigi Ricceri
  • Điều hành viên: Cha Archimedes Pianazzi
  • Thành viên: 151 Nghị viên, 19 chuyên viên, 8 người dự thính.
  • Chủ đề: Đổi mới theo Công Đồng Vatican II và suy tư về hình ảnh người Salêdiêng.
  • Lưu ý và diễn tiến quan trọng: TTN đầu tiên được tổ chức tại Rôma; Cha Ziggiotti từ nhiệm, và Cha Ricceri được bầu làm Bề Trên Cả.
  • ________________________________________
  1. TTN20 (1971-72) – Tổng Tu Nghị Đặc Biệt về Canh Tân
  • Địa điểm: Rome, Pisana
  • Thời gian: 210 ngày (10/6/1971 – 5/1/1972)
  • Chủ tọa: Cha Luigi Ricceri
  • Điều hành viên: Cha Gaetano Scrivo
  • Thành viên: 202 Nghị viên, 12 quan sát viên, 4 chuyên viên.
  • Chủ đề: Canh tân Tu hội Salêdiêng (bản chất, đời sống thánh hiến, đào luyện, cơ cấu quản trị).   
  • Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Phê chuẩn Hiến luật (ad experimentum); Tổng Tu Nghị kéo dài nhất trong lịch sử Tu hội.
  1. TTN21 (1977) – Loan Báo Tin Mừng và Sứ Mệnh
  • Địa điểm: Rome, Pisana
  • Thời gian: 105 ngày (31/10/1977-12/2/1978)
  • Chủ tọa: Cha Luigi Ricceri (đến khi ngài từ nhiệm) và Cha Egidio Viganò
  • Điều hành viên: Cha Raffaele Farina
  • Thành viên: 184 Nghị viên, 10 quan sát viên, 7 thư ký, 8 phiên dịch viên.
  • Chủ đề: Loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng giữa người trẻ.
Visited 29 times, 11 visit(s) today