Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật 7 thường niên năm C: Đức ái vô điều kiện

Đã có một thời, người ta luôn nêu cao khẩu hiệu ‘Đấu tranh để sinh tồn’(Struggle for life) của triết gia Darwin. Quan điểm này cũng tương thích với câu tục ngữ dân gian ‘Giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh’. Hơn nữa trong bối cảnh của đất nước Việt nam với bề dầy lịch sử cả ngàn năm ‘Kháng chiến chống ngoại xâm, chống Tầu, chống Pháp, chống Mỹ…’, người ta lại càng cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần đấu tranh như nêu ở trên. Với trào lưu tư tưởng đó, thiên hạ dễ nhìn vào đạo Công giáo của chúng ta như 1 thứ tôn giáo lạc hậu, vì nó cổ súy 1 thái độ sống xem ra có vẻ nhu nhược, thụ động, không có tinh thần đấu tranh và còn mang dáng vẻ vong thân nữa. Chính ông Stalin cũng từng tuyên bố rằng, những giáo huấn của Đức Giêsu mang đậm tính nhân văn, nhưng điều mà Đức Giêsu dạy rằng ‘Ai tát ngươi má bên này, hãy chìa má bên kia cho người ta tát tiếp; Ai lột của người chiếc áo ngoài, hãy kính biếu nó luôn cả chiếc áo trong’ là một thái độ rất tiêu cực mà ông ta không thể nào chấp nhận được. Nếu chỉ đứng trên góc độ thuần lý và không đi sâu vào mầu nhiệm Thập giá, chắc chắn chúng ta cũng sẽ đồng quan điểm như thế. Đức ái Kitô giáo hoàn toàn đặt nền tảng trên linh đạo Thập giá. Nó không dựa vào quy chuẩn thuần lý theo suy luận của đầu óc con người. Đức ái ấy luôn mang tính nghịch lý và rất khó hiểu. Nó đòi hỏi sự quyết liệt cũng như tính tuyệt đối một cách vô điều kiện. Đây là nội dung của sứ điệp mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm và thực hành.

Tha thứ vô điều kiện

Một vị truyền giáo từng làm việc tại Phi châu có kể lại một giai thoại sau. Có 2 bộ tộc kia mang mối thù truyền kiếp không bao giờ đội trời chung. Hai vị tộc trưởng của cả 2 bộ lạc luôn tìm cách để sát hại lẫn nhau . Một bữa nọ, 1 trong 2 vị bắt được cô con gái của đối phương và chặt đứt một ngón tay của cô ta. Sau đó anh ta vui sướng hét to : “Ta đã trả thù được rồi”. Thời gian trôi qua,  cô gái lớn lên, lấy chồng, sinh con và mở 1 quán ăn bên đường. Bỗng một ngày, có 1 người hành khất nghèo xác xơ đến quán để ăn xin. Trong nháy mắt cô gái nhận ra ngay, người hành khất đó chính là kẻ đã chặt đứt ngón tay của cô khi cô còn nhỏ, nhưng ông ta không nhận ra cô gái đang đứng trước mặt mình chính là con của kẻ cựu thù năm xưa. Thoạt đầu, cô gái nghĩ rằng đây là dịp rất tốt để cô ta trả thù, nhưng bây giờ cô đã là một Kitô hữu, đã thấm nhuần giáo lý của Chúa Giêsu và ý tưởng trả thù đã mau chóng bị gác lại. Cô lặng lẽ và khiêm tốn đến phục vụ người hành khất với 1 bữa ăn khá thịnh soạn. Trước khi tiễn vị khách ra về, cô còn tặng ông ta một số tiền khá lớn. Người hành khất rất cảm động và vẫn chưa hiểu lý do tại sao cô gái lại hành xử cách quảng đại và khó hiểu đến như thế. Sau khi vị khách rời quán, cô gái cũng nhẩy cẵng lên và hét lớn “Bây giờ, ta cũng đã trả được mối thù rồi”. Người hành khất há hốc miệng, nhìn kỹ vào bàn tay cô chủ quán và chợt nhận ra cô nàng chính là cô gái năm xưa mà ông đã chặt đứt 1 ngón tay chỉ do sự thù hận.

Sự ‘trả thù’ là một ý niệm khá phổ biến trong xã hội ngày nay, nhưng hạn từ đó sẽ mãi mãi không bao giờ xuất hiện trong pho tự điển Kitô giáo. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nhắc lại nguyên tắc này : “Hãy yêu mến kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em…Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ lại”. Đức ái mà Chúa Giêsu mời gọi thực hành luôn mang tính tuyệt đối và vô điều kiện. Mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta cũng lập lại lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dậy ‘Xin Cha tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có lỗi với chúng con’. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết nhuốc khổ để tha thứ tội lỗi cho mọi người, trong đó có từng người trong chúng ta. Trước khi tắt thở Ngài còn cầu nguyện với Chúa Cha ‘Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm’.

Đạo nào cũng là đạo

Đây là câu nói rất phổ biến người ta thường phát biểu nhằm trân quý giá trị của mọi tôn giáo, bất kể tôn giáo nào. Trong tuần lễ từ ngày 03 đến 05/02/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đến Abu Dhabi, thuộc Vương quốc Ả rập thống nhất để tham dự một hội nghị liên tôn, đặc biệt để cổ súy tinh thần đối thoại đại kết (oecumenism) với các anh em Hồi giáo. Công đồng Vatican cũng để lại 2 văn kiện quan trọng : Nostra Aetate và Lumen Gentium, đề cập đến tinh thần đại kết liên tôn mà Giáo hội luôn cổ súy. Như vậy, đức ái Kitô giáo do Chúa Giêsu khởi xướng có nét gì ưu việt hay có điểm nào nổi bật so với các tôn giáo khác ? hay là chúng ta có thể cào bằng mọi tôn giáo và chấp nhận điều mà thiên hạ vẫn thường nói ‘Đạo nào cũng là đạo, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành’ cả thôi ?’

Chúng ta không phủ nhận giá trị của tinh thần ‘Từ bi hỷ xả’ theo giáo lý Phật giáo, hoặc chủ trương sống ‘Từ bi – Bác ái – Công bình’ theo giáo lý của đạo Cao đài… Tuy nhiên, chúng ta cũng nên đọc kỹ lại Tông huấn ‘Tiến về thiên niên kỷ thứ ba’(Tertio Milennio Adveniente) của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 và tìm hiểu lý do, tại sao Ngài vẫn chỉ xem những tôn giáo khác như là những hệ phái triết học mang tính ‘vô thần’ (athéist), tức là không quy hướng về Thiên Chúa một cách trọn vẹn. Cũng vậy, đức ái Kitô giáo mà Chúa Giêsu khai sáng đều vượt trên những lý luận thông thường chỉ thuần mang tính nhân bản. Đức ái tuyệt đối do Chúa Giêsu khởi dẫn nhằm triển khai linh đạo Thập giá, là công cụ chính Ngài đã sử dụng để hiển thị tình yêu một cách tròn đầy nhất. Chúng ta sẽ không thể nào hiểu được những điều Chúa nói trong bài Tin mừng hôm nay nếu chưa đi sâu vào linh đạo Thập giá để sống mầu nhiệm tự hủy như Chúa Giêsu mời gọi.

Bảy mươi lần bảy

Đây là thuật ngữ Aram ngày xưa, ám thị tính cách tuyệt đối của sự tha thứ. Trong cựu ước, sự tha thứ cũng được nhắc đến như chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất. Sa –un tìm cách giết Đa vít, nhưng Đa vít đã không trả thù mặc dầu ông có cơ hội trước mắt. Tuy nhiên luật cựu ước vẫn còn có những giới hạn, vì Đức Kitô chưa đến để hoàn thiện hóa lề luật. Ngài đến trần gian không phải để xóa bỏ luật cũ của Môisen, nhưng là để kiện toàn. Chúa kiện toàn bằng 1 giao ước mới được ký kết bằng chính máu của của Ngài, máu đổ ra trên Thánh giá. Thập giá Đức Giêsu là bộ luật về Đức ái hoàn hảo nhất, được Đức Giêsu soạn thảo và viết ra bằng máu hiến tế trên Thánh giá năm xưa. Không một vị sáng lập tôn giáo nào có thể làm được điều này, cho dầu các Ngài là những nhân vật rất lỗi lạc hoặc tài giỏi đến mấy. Nói chính xác hơn, 2000 năm trước, Đức Giêsu đã đến trần gian không phải để sáng lập một tôn giáo như nhiều người vẫn thường hay nghĩ. Ngài đến để công bố cho thế giới một tin mừng. Đó là tin mừng về việc ‘Giải án tuyên công’, về kỷ nguyên cứu độ được thực hiện qua cái chết của Chúa trên Thập giá. Đồng thời cái chết của Đức Giêsu đã viết nên một bộ luật mới của tân ước, bộ luật về Đức ái trọn hảo như được nói đến trong bài Tin mừng hôm nay.

Kết luận

Văn hào Léon Tolstoi đã viết một câu truyện ngắn khá thâm thúy. Một gã ăn mày đến gõ cửa nhà 1 người giầu có để xin giúp đỡ. Anh chàng nhà giàu rất keo kiệt, không cho cái gì, còn đứng trong nhà ném ra 1 hòn đá để xua đuổi. Người hành khất né được và nhặt hòn đá ấy lên, đem cất vào trong cái bị của mình. Quay về phía anh nhà giầu, anh ta giơ cao cục đá và nói “Tao thề rằng, sẽ đến một ngày kia, tao sẽ cầm hòn đá này ném vào mặt ngươi để trả thù cho bõ ghét. Bẵng đi một thời gian, gã nhà giầu làm ăn thua lỗ và sa cơ thất thế. Trong một thương vụ phi pháp, anh bị bắt và bị tống giam. Gã hành khất năm xưa hay tin vội tìm đến. Đây là thời cơ thuận lợi để anh có dịp trả lại mối thù năm xưa. Trong tay anh lăm lăm cầm chặt hòn đá mà anh vẫn cất mãi trong bị. Khi quân lính áp giải phạm nhân đi ngang qua, lão hành khất cố mở to cặp mắt để nhìn thật kỹ khuôn mặt mà anh luôn nhớ để rắp tâm trả thù, nhưng anh ta không tài nào có thể giơ cao hòn đá để ném vào kẻ thù của mình như anh ta đã toan tính. Nhìn khuôn mặt tiều tụy và hốc hác của can phạm, gã hành khất nghèo khổ nhủ thầm : “Bây giờ, hắn ta cũng hoàn toàn trắng tay và cũng bi thương giống như mình thôi. Ta trả thù nào có ích gì”. Cầm hòn đá trên tay, anh ta vội quẳng đi thật xa và nói : “Vậy mà ta đã nhọc công ôm giữ cục nợ này đằng đẵng suốt cả hằng chục năm qua. Rất mệt nhọc, rất nặng nề và chẳng được tích sự gì cả.

Mỗi người trong chúng ta vẫn thường mang theo mình nhiều hòn đá lớn nhỏ, là những hận thù nhỏ nhen trong cuộc sống. Chúng ta có sẵn lòng vất đi những hòn đá ấy hay vẫn khư khư ôm giữ nó như ôm những cục nợ vào thân? “Hãy yêu thương mọi thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét anh em”. Đây quả là một thách đố rất nhức nhối Chúa đặt ra hôm nay cho tất cả mọi người chúng ta.

Văn Hào, SDB

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Visited 32 times, 3 visit(s) today