Truyền Thông Của Giáo Hội Trong Giai Đoạn Chuyển Giao Kỷ Nguyên

Giới thiệu

Nói về một kỷ nguyên mới đôi khi làm cho những người trong Giáo Hội cảm thấy lo lắng, trong khi có lúc lại khiến họ cảm thấy hào hứng. Một giai đoạn lịch sử mới mang theo sự thay đổi về suy nghĩ, hành động, hoạch định và rao giảng Tin Mừng. Mỗi kỷ nguyên mới giới thiệu những quy trình và công cụ sáng tạo riêng biệt gắn liền với sự hiện đại hoá trong truyền thông và việc chuyển biến toàn bộ nền văn hoá. Một số cấu trúc truyền thông đang trở nên linh hoạt hơn, số khác đang trở nên cố định và rõ ràng hơn, ngay cả trong Giáo hội, khi công chúng có được những kỹ năng từng có và kỳ vọng đổi mới ngày càng cao.

Kỷ nguyên truyền thông trước đây đặc trưng với các thông điệp một chiều – người nhận có ít công cụ để phản hồi lại tin nhắn nhận được. Trong thời đại truyền thông mới, người nhận tương tác với nội dung được đề xuất, và người gửi phải mong đợi người nhận tương tác. Thỉnh thoảng, một kỷ nguyên truyền thông mới lại xuất hiện, và sự thay đổi này chính là bằng chứng điển hình ngay bây giờ. Không còn nghi ngờ gì nữa, một số cách thức tạo ra nội dung từ vài năm trước xem ra đã trở nên lỗi thời, bởi vì truyền thông, đặc biệt là truyền thông xã hội, đang thay đổi một cách năng động.

Một kỷ nguyên truyền thông mới

Kỷ nguyên kỹ thuật số đã thay đổi thế giới truyền thông và sẽ tiếp tục cách mạng hoá nó. Người sử dụng truyền thông thiết yếu liên tục kết nối với thế giới, bạn bè, gia đình, tin tức và các sự kiện.

Công nghệ buộc các khán giả trở nên chủ động hơn và tìm kiếm sự đổi mới. Ngược lại, các công ty trên toàn thế giới đang xâm nhập vào kỷ nguyên truyền thông mới với sự chuyên nghiệp đáng kinh ngạc, cung cấp cho người dùng các sản phẩm liên quan đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống con người. [1]

Hơn nữa, trong thời đại truyền thông mới, mọi người dùng đều có thể là nguồn tin tức. Công nghệ thông tin và truyền thông làm điều đó thành khả thể, theo nguyên tắc, để một người sử dụng truyền thông đơn lẻ trở thành một đại lý tin tức tư nhân có khả năng ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới.[2] Các kỹ năng trong việc sáng tạo nội dung, hiểu biết về truyền thông xã hội và Internet (SEO, thuật toán) đủ để lan truyền thông tin như một loại virút, mà sớm hay muộn cũng vươn đến mọi ngóc ngách trên thế giới.

Chuyên gia tư vấn quảng cáo (PR) Anastasiya Golovatenko nói rằng năm 2021, trong suốt cơn đại dịch Covid-19, đánh dấu sự bắt đầu của kỷ nguyên truyền thông xã hội mới. Nhà tư vấn chỉ ra 5 xu hướng thay đổi trong thời đại thông điệp: nhấn mạnh nhiều hơn đến các chiến thuật kỹ thuật số và SEO (Tối ưu hoá Công cụ tìm kiếm), tạo ra khối lượng lớn nội dung, các sự kiện ảo sẽ trở thành một phần của truyền thông doanh nghiệp, doanh số bán hàng online sẽ tăng nhanh, trong khi các nhà quản lý truyền thông cấp cao (CEOs) sẽ đứng ở vị trí hàng đầu. [3] Và Michelle Marasch Ouellette, một chuyên gia trong lĩnh vực PR, Truyền Thông Giai Đoạn Khủng Hoảng [Crisis Communications], Lập Kế Hoạch Chiến Lược, và Kể chuyện, cho rằng thế giới đang thay đổi cách chúng ta giao tiếp sau cơn đại dịch một cách nhanh chóng. Đây là một số quy tắc thay đổi phong cách truyền thông: cần phải chân thật, lắng nghe khán giả một cách chủ động, nói một ngôn ngữ mới, làm việc chặt chẽ với khán giả mục tiêu và đưa ra một thông điệp gắn liền với các giá trị.[4] Vào năm 2017, chuyên gia về thương hiệu Andy Stalman (Mr. Branding) nói rằng chúng ta không ở trong một kỷ nguyên thay đổi, nhưng chúng ta đang trải qua một thời kỳ chuyển giao kỷ nguyên, và mỗi kỷ nguyên mới trao tặng cuộc sống cho một con người mới. Theo ông, bản chất của một con người mới là humanoffon, một “hữu thể người” sống đồng thời trong cả thế giới trực tuyến và ngoại tuyến, những thế giới trước đây cách biệt, nhưng giờ đã không còn như vậy.[5]

Sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong truyền thông đề cập đến sự tiến hoá đang diễn ra trong cách nhân loại giao tiếp và nhận thông tin. Sự biến chuyển của truyền thông ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của xã hội – chủ đề trên được tìm thấy trong một số lý thuyết truyền thông. [6] Những thay đổi công nghệ, xu hướng và thói quen là một tác động nền tảng trên những biến chuyển này. Sự phát triển công nghệ của điện thoại thông minh, các video online, Internet ngày càng nhanh, cá nhân hoá nội dung hay marketing online đang đưa người dùng và người phát sóng vào một kỷ nguyên mới. Cuộc gặp gỡ giữa các tiến trình toàn cầu hoá và truyền thông mang đến các hình thức mới cho truyền thông và gia tăng tốc độ chúng. [7] “Công nghệ mang tính thống trị và đối tượng hoá nhất của tương lai, không nghi ngờ gì nữa, chính là Internet, được định nghĩa là một nền tảng truyền thông, không gian mạng và xã hội mới.” [8]

Truyền thông trong kỷ nguyên mới nổi bật bởi sự chú ý đến khán giả mục tiêu cần tiếp cận, nhằm tạo ra nội dung phù hợp, trong bối cảnh tương lai của truyền thông ngày càng nằm trong thế giới số. Hơn nữa, trọng tâm phải là tạo ra một loạt nội dung được điều chỉnh cho các kênh truyền thông cụ thể, từ đó vai trò của người sáng tạo nội dung trở nên quan trọng. Bước tiếp theo là xem xét việc sử dụng các kỹ thuật kể chuyện trong việc sáng tạo nội dung, kết hợp các sự kiện, câu chuyện và cảm xúc, đồng thời thúc đẩy một ngôn ngữ truyền thông hiện đại trong các thông điệp.

Một kỷ nguyên mới trong Giáo hội

Công nghệ mới và sự phát triển của Internet đang thay đổi cách thức Giáo hội tiếp cận việc truyền giảng Tin Mừng. Nhờ có các thiết bị không được biết đến vài năm trước đây, Giáo hội đã bước vào những toà giảng được hàng triệu người trên thế giới nhìn và nghe thấy. Ví dụ, theo lý thuyết, gần 3 tỷ người có thể theo dõi một mẩu tin tức đăng bởi một người trong Giáo hội trên Facebook. Kỷ nguyên truyền giảng Tin Mừng mới này đôi khi gây bối rối và đôi khi là một thách thức mà nhiều người đang đón nhận như một ân ban của Chúa Thánh Thần. Cũng đáng lưu ý rằng một trong những thách thức lớn nhất cho Giáo Hội đầu thế kỷ 21 là truyền thông tương tác và hai chiều, điều này đã trở thành một hiện tượng hằng ngày trong lĩnh vực truyền thông. Kết quả là thần học truyền thông không chỉ quan tâm đến lĩnh vực tôn giáo, mà còn giúp hiểu được các dạng thức thế tục của truyền thông trong thế giới đang biến đổi. Nó chỉ ra tính trung tâm của nhân vị như một thái độ nền tảng và nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng của truyền thông. [9] “Chúng ta đang trải qua một thay đổi mang tính bước ngoặt: không chỉ về văn hoá mà còn về nền tảng nhân học, tạo ra các kiểu ngôn ngữ mới và sự loại trừ, mà không có sự phân định, các nguyên tắc được truyền lại bởi lịch sử.” [10]

Trước mắt chúng ta, một sự thay đổi kỷ nguyên đang diễn ra, và cùng với nó là một sự định hình lại các nguyên tắc.

Các biến chuyển về truyền thông bao gồm thay đổi về cách thức chúng ta tiếp cận mọi người với thông điệp Tin Mừng, vốn đã không thay đổi trong nhiều năm. Đức Thánh Cha Phanxicô hiểu rõ tình hình này và đang cố gắng thuyết phục các giáo hữu thích ứng với thực tại mới này. “Tất cả những điều này có một giá trị đặc biệt trong thời đại chúng ta, bởi vì những gì chúng ta đang trải qua không đơn thuần chỉ là một kỷ nguyên thay đổi, nhưng nó là một sự thay đổi kỷ nguyên. Do đó, chúng ta đang ở trong một trong những khoảnh khắc mà những thay đổi không còn mang tính tuần tự, nhưng là bước ngoặt”. [11]

 

Nền văn hoá của gặp mặt diện đối diện trước đây đang nhường chỗ cho giao tiếp thông qua các công cụ công nghệ. Con người giao tiếp nhanh hơn mà không cần gặp mặt trực tiếp. Ranh giới về thời gian và không gian trong truyền thông hai chiều đang dần biến mất và một cảm thức quyền lực đang nổi lên nhờ vào sự phát triển của công nghệ. Điều này đặt ra một vấn đề trong lĩnh vực tôn giáo: Thiên Chúa phải chăng cũng hiện hữu trong thế giới ảo? Câu trả lời khá rõ ràng: Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và do đó Ngài cũng có thể được nhận biết trong thế giới số qua các dấu hiệu, biểu tượng và hình ảnh. Một hình ảnh trong không gian ảo chẳng hạn, vẫn là một công cụ, nhưng, giống như các hình ảnh trong các nhà thờ và viện bảo tàng, nó có thể trở thành một cách để thiết lập một mối tương quan liên nhân vị với Đấng Tạo Hoá. Các công cụ truyền thông trong thế giới số thuộc về thế giới thực và tạo điều kiện cho các tiến trình rao giảng Tin Mừng nơi ngọn đồi Areopagus rộng lớn của thời hiện đại.

Tổng kết

Thế kỷ 21 nổi bật với một kỷ nguyên mới của việc trao đổi thông tin, đang bước vào địa hạt chưa được biết đến. Ngày nay, con người giao tiếp khác biệt với 10 năm trước, và 10 năm sau, tình hình còn có thể thay đổi nhanh hơn. Cách thức chúng ta giao tiếp và nhận nội dung đang thay đổi. Đó không chỉ là một sự thay đổi mang tính chất trọng đại mà là một sự chuyển mình của kỷ nguyên, cả ở cấp độ tổ chức lẫn cá nhân. Mạng Internet, truyền thông xã hội hay trí tuệ nhân tạo đã cách mạng hoá cách con người tương tác, đặc biệt với các công cụ hiện đại, tạo ra các nội dung khác biệt và khám phá các kênh truyền thông mới.

Các phương tiện truyền thông trong bức tranh văn hoá-tôn giáo-giao tiếp đang xác định những xu hướng tiến bộ, gắn liền với thế giới số. Đối với Giáo hội, thách thức là tìm ra sự cân bằng giữa truyền giảng Tin Mừng, việc truyền đạt các giá trị và việc sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại để chuyển tải thông tin trong một không gian truyền thông đông đúc. Về vấn đề này, Giáo hội cần truyền thông tương tác và đa kênh, đồng thời thích ứng với những thực tại đang biến đổi, vì Giáo hội đang nhận từ Chúa Giêsu trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới, bao gồm cả “lục địa số”, vốn không hề nhỏ.

Tác giả: Maciej Makula, SDB

Visited 49 times, 1 visit(s) today