TRUY TÌM SỰ KHÔN NGOAN CỦA CÕI LÒNG

Hẳn nhiên, bạn đã từng nghe khẩu hiệu rất thịnh hành: “con tim có những lý lẽ riêng mà lý trí không hiểu được.” Ai nấy đều tán thành và coi nó như một chân lý vĩnh cửu vượt xa mọi bối cảnh. Rồi người ta thường đưa ra những thí dụ để thấy tính cách nghịch thường của con tim, như thể con tim luôn hành động bất chấp chân lý. Tiếp theo lý luận đó, các bạn trẻ lại thường dùng nó để biện minh cho tính cách “bất chấp” của mình, nhất là trong lãnh vực yêu đương được hiểu nhiều hơn dưới khía cạnh cảm xúc; họ đề cao tình yêu không biên giới; một tình yêu được hiểu theo nghĩa đam mê của tính dục! Thế nhưng nhà tư tưởng Pascal chẳng hề muốn nói như thế. Đơn giản, ông cho rằng một mình lý trí thuần lý không đủ. Còn cần phải có tình nữa, vì nhân vị là toàn diện.

Cho phép tôi không đi sâu vào châm ngôn đó lúc này. Ở đây, tôi muốn đặt ra một câu hỏi cho mọi người, nhất là các bạn trẻ, qua lối nói của Đức Phanxicô “sự khôn ngoan của cõi lòng”: LÀM THẾ NÀO lý lẽ của con tim cho ta nghiệm được sự khôn ngoan chân thật THAY VÌ chỉ nếm được sự rồ dại giả trá? Ta cần hỏi như thế bởi vì sự khôn ngoan của cõi lòng thuộc một bình diện mới. Đức Phanxicô gọi nó là “một cách nhìn các sự vật được Thánh Thần phú bẩm vào tâm trí và cõi lòng của những ai nhạy cảm trước những đau khổ của anh chị em mình và có thể nhìn ra nơi những người đó hình ảnh của Thiên Chúa”.

Ồ, lạ nhỉ. Đã bao giờ bạn tưởng nghĩ rằng có một cách thức mới nhìn các sự vật không? Thế ư? Phải. Hạnh phúc đích thực hệ tại đây. Đức Phanxicô dẫn ta vào quĩ đạo rất hiện thực ấy khi nói đến dụ ngôn người Samari nhân hậu. Đối nghịch với cách hành động của vị tư tế và thày Lêvi, người Samari đã “để mình được cõi lòng của mình dẫn dắt và không bước qua bên kia đường mà đi: ông dừng lại, chăm sóc người bị nạn; ông tạm gián đoạn hành trình của mình chốc lát. Ông biến mình thành người lân cận bằng nhìn thấy, bằng cõi lòng và bằng đôi tay”. Ôi chao. Thách đố làm sao! Lợi nhuận và hiệu quả, tiện ích và ích kỷ, lý trí tính toán mách cho ông Samari ấy con đường yên thân. Nhưng sự khôn ngoan của cõi lòng chỉ ra niềm hạnh phúc ‘để cho mình thành đôi mắt cho kẻ đui mù” xuyên qua việc sẵn sàng để cho mình bị phiền nhiễu. Đúng, sự khôn ngoan của cõi lòng đích thực là đây: sẵn sàng để mình bị phiền nhiễu, bị bận rộn bởi những nhu cầu thực sự của con người, những con cái nghèo khổ của Thiên Chúa, theo những trạng huống cụ thể của luân lý, thể lý, tình cảm… Lối nhìn này thật giống với cách nhìn của Đức Bênêdictô XVI biết bao; vị chủ chăn này nói đến sự khôn ngoan của cõi lòng là một trái tim nhìn thấy. “Trái tim nhìn thấy nơi đâu tình yêu đang cần đến và hành động theo đó”.

Theo ánh sáng đó, Gióp nói đến lòng thương xót mang tính cách rất hiện sinh khi thốt lên: ‘Tôi là mắt cho người mù, là chân cho kẻ què”. Đó chẳng phải là cách thức Gióp đã tiên trưng dụ ngôn người Samari tốt lành hay sao? Thực thế, Gióp đã gánh vào mình tất cả những phiền toái của những người tàn tật đó. Ta biết mà, chăm sóc bệnh nhân không đơn giản chút nào. Nó đòi phải kiên nhẫn biết bao. Như thế, sự khôn ngoan của cõi lòng mang một tính chất rất đặc biệt. Nó đòi hỏi một cái gì khác hơn với lý luận theo tiêu chuẩn lợi nhuận. Phải hơn, nó đòi hỏi một lý luận khác. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “‘Sự khôn ngoan’ này không phải là kiến thức lý thuyết, trừu tượng, sản phẩm của lý luận. Đúng hơn, như thánh Giacôbê diễn tả, nó “trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình”. Nó là cách nhìn sự việc theo con mắt của Đấng Khôn Ngoan. “Sự khôn ngoan của cõi lòng là tặng phẩm của Thiên Chúa”. Những suy tư tìm được thửa đất phì nhiêu để thực hành nơi bệnh nhân và bộc lộ rõ sự khôn ngoan của cõi lòng đi liền với lòng thương xót, với tình yêu được minh chứng bằng hy sinh và từ bỏ chính mình. Bởi lẽ chăm sóc bệnh nhân liên hệ tới cả “tắm rửa, giặt rũ, ăn uống và nhiều lúc mệt nhọc và nặng nề. Giúp đỡ người bệnh vài ngày thì dễ, nhưng chăm sóc họ hàng tháng, hàng năm quả là khó khăn, và thậm chí trong cả những lúc họ không còn có thể biểu lộ lòng biết ơn. Đúng là một con đường nên thánh. Trong những lúc khó khăn đó chúng ta có thể tin tưởng cách đặc biệt vào sự gần gũi của Thiên Chúa, và chúng ta trở thành một phương thế đặc biệt hỗ trợ cho sứ mệnh của Giáo hội”.

Nếu vậy, sự khôn ngoan của cõi lòng có lối đánh giá hoàn toàn khác: “Thời giờ dành cho bệnh nhân là thời giờ thánh thiện. Nó là một cách ca ngợi Thiên Chúa đấng làm chúng ta nên đồng hình với Con ngài, đấng “không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Do vậy, ta cần xin Thánh Thần cho ta ơn biết trân trọng giá trị của sự sẵn sàng mà thường không nói ra được khi dành thời giờ cho các bệnh nhân. Nhờ chúng ta gần gũi và yêu thương, họ cảm nhận được yêu thương và kiện cường hơn. Ngược lại, một lời dối trá khủng khiếp ẩn núp đằng sau một số chủ điệu quá nhấn mạnh đến “phẩm chất đời sống” đến nỗi chúng làm cho ta nghĩ rằng những mảnh đời bị nhiễm các căn bệnh quái ác đều không đáng sống!”

Cõi lòng thấm nhiễm lòng thương xót này sẽ cho chúng ta thưởng nếm Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Không phải bằng trừu tượng, nhưng bằng hiện thực, một hiện thực mang đến phúc lành. “Ngay cả khi bệnh tật, sự cô đơn làm cho chúng ta không thể vươn  tới người khác, thì kinh nghiệm về đau khổ có thể trở thành một phương thế ưu tuyển để chuyển thông ơn sủng và là nguồn mạch để chiếm được và tăng trưởng sự khôn ngoan của cõi lòng. … Khi chấp nhận bệnh tật trong đức tin, những người ngập chìm trong mầu nhiệm đau khổ có thể trở nên những chứng tá sống động về một đức tin có thể ôm ấp đau khổ, ngay cả không thể hiểu hết ý nghĩa của nó.”

Ta rút được điều thú vị ở đây: chấp nhận đau khổ với đức tin. Điều ấy có nghĩa là sự khôn ngoan của cõi lòng không tự động mà đến. Nó phải đi liền với khóe nhìn chiêm  ngắm hơn là tổ chức. “Dù sao chăng nữa, hoạt động được ta đảm nhận để giúp tha nhân không bị kết án, nhưng nhất thiết phải nhấn mạnh rằng cần phải thấm nhiễm hoạt động đó với tinh thần chiêm ngắm.” Hay, “phục vụ tha nhân cách chân thực không cần nhiều điều – chắc chắn nó cần những điều thiết yếu – nhưng trên hết cần đến tình yêu chân thành của chúng ta và ánh sáng của Thiên Chúa.”.

Chúng ta cần chú ý đến câu cuối. Thật thế, các thánh có sự khôn ngoan của cõi lòng, vì đồng nhất và hòa hợp được làm việc và chiêm niệm: “Nó hệ tại chính ở tầm quan trọng của sự thủ tâm bên trong, của cầu nguyện để bảo vệ mình khỏi thứ hiếu động, bất kể ta trong điều kiện nào và bất kể ta thực thi công việc nào”. Đúng vậy, “không có cầu nguyện hằng ngày được sống với sự trung tín, hoạt động của chúng ta thật trống rỗng, chúng mất hẳn cái hồn sâu xa của mình, và bị giản lược vào thứ náo động mà rốt cục bỏ mặc chúng ta trong bất mãn”.

Hãy cho tôi dùng lời của Đức Bênêđictô XVI để tóm kết đôi điều về sự khôn ngoan của cõi lòng: “Khi cầu nguyện được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, chúng ta có thể nhìn thực tại với con mắt mới, với con mắt đức tin, và Chúa, đấng nói cho tâm trí và cõi lòng, ban ánh sáng mới cho hành trình vào mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.” Như thế, “Nếu lá phổi của cầu nguyện và Lời Chúa không nuôi dưỡng hơi thở của đời sống thiêng liêng chúng ta, chúng ta liều mình bị ngập chìm bởi vô số sự việc hằng ngày: cầu nguyện là hơi thở của linh hồn và đời sống”. Bạn muốn có được tấm lòng khôn ngoan ư? HÃY Ở TRƯỚC NHAN CHÚA TRONG MỌI GIÂY PHÚT.

Bài viết: Cha Am


 

Visited 9 times, 1 visit(s) today