Trung ương – Những điều ý nghĩa nhất trong lá Thư Từ Roma ngày 10 tháng 5 năm 1884

     (ANS – Rome) – Hôm nay đánh dấu 139 năm kể từ khi Don Bosco viết bức thư nổi tiếng “Thư từ Rôma” cho các Salêdiêng của mình để cảnh báo họ về nguy cơ đánh mất bản chất đích thực của “Salêdiêng”: ở giữa thanh thiếu niên, giáo dục và rao giảng Tin Mừng cho chúng. Một cách hiện diện giữa những người trẻ bao hàm tình yêu, đòi hỏi khả năng thể hiện tình yêu này, biết cách khơi dậy những câu hỏi, tạo nên những khuân mẫu, làm nảy sinh những ước mơ, những kế hoạch và dự tính, và cuối cùng tạo ra những người nam nữ trưởng thành có khả năng xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa trong việc phục vụ anh chị em mình. Cách đây không lâu, Nguyên Bề Trên Cả, Cha Pascual Chávez Villanueva, đã đề xuất xem xét và cập nhật bức thư này, bức thư này đang và vẫn là nền tảng cuốn hút đối với toàn Tu Hội và Gia Đình Salêdiêng.

     Bức thư mơ ước của Don Bosco được viết từ Rôma vào tháng 5 năm 1884 làm rõ phép biện chứng (mối tương quan) giữa “sự hiện diện của đoàn sủng” và “các công việc phục vụ giáo dục hoặc xã hội”. Bởi vì rất có thể có sự hiện diện của đặc sủng mà không có công việc – như đã xảy ra ở Turin với Don Bosco, trước khi thực tại Valdocco được cơ cấu, hoặc như trong những thực tại mà vì nhiều lý do khác nhau, không thể thực hiện các công cuộc; cũng như có thể có một công cuộc không còn có sự hiện diện của đoàn sủng: một công cuộc tiếp tục thực hiện theo quán tính, mất đi khả năng chủ động và ý nghĩa, có lẽ có một quá khứ huy hoàng để kể, nhưng không còn gì để nói trong bối cảnh xã hội và Giáo hội ngày nay.

     Đứng trước nguy cơ này, Cha Chávez đề nghị đọc lại Bức thư từ Rôma, mà ngài định nghĩa là “Tin Mừng của Don Bosco”, trong bối cảnh thực tại ngày nay với những thách thức của nó, chẳng hạn như: “sự xâm nhập của công nghệ thông tin và công nghệ trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, sự tăng tốc chóng mặt của sự thay đổi và đổi mới; sự khủng hoảng của các giá trị, của những tiêu chuẩn vững chắc về đạo đức truyền thống và của các tổ chức đồng thuận xã hội; sự phức tạp ngày càng tăng của sự hiện diện, cá nhân và xã hội; sự đồng nhất văn hóa mà thị trường quốc tế và nhu cầu tiêu dùng dẫn đến; sự nghiền nát những suy nghĩ và quan điểm về hiện tại, dẫn đến khó khăn cho việc khắc ghi những quá khứ tốt đẹp và cho việc đưa ra các dự án dài hạn trong tương lai; sự tục hóa đời sống gia đình và xã hội… Và nhiều yếu tố tích cực khác cấu thành giới trẻ ngày nay”.

     Trong bối cảnh này, các Salêdiêng được mời gọi để có thể duy trì nét độc đáo trong linh đạo của họ, là nét đặc trưng của gia đình Nguyện xá, thích ứng các đề xuất với thực tại mà họ đang phục vụ. Do đó, các Salêdiêng được mời gọi “đón nhận những người trẻ dù họ là ai, ‘trong tình trạng của họ’ và vì vậy mỗi Salêdiêng có thể thích ứng với việc trình bày và đánh giá các đề xuất và biện pháp can thiệp phù hợp với thanh thiếu niên, và các tình huống đặc biệt. Đó là vấn đề tìm kiếm sự cân bằng hiếm có giữa các đề xuất cấp tiến về ý nghĩa và sự tôn trọng động lực cá nhân và tập thể mà mọi người cần để đạt được chúng”.

     Bài viết của Cha Chávez xác định sáu điểm quan trọng nhất trong Bức thư từ Rome:
     – Biết sử dụng ngôn ngữ của tình yêu – tức là nguyên tắc quan trọng nhất nằm ở “tính hữu hình của tình yêu”;
     – Thấu hiểu giới trẻ – yếu tố lý trí giúp xóa bỏ khoảng cách thế hệ;
     – Có hạnh phúc trong tâm hồn – như là mục tiêu ơn gọi của mỗi người và là một cách thức đặc biệt để rao giảng Tin Mừng;
     – Hiện diện – Sự hiện diện thể lý trong đối thoại và chia sẻ chân thành;
     – Vượt thắng chủ nghĩa hình thức – bằng cách nhìn nhận những thách đố giáo dục để cống hiến cho những người trẻ các hình mẫu cho sự phát triển;
     – Chia sẻ hoạt động – đồng hành và phát huy tinh thần đầu tàu của thanh niên.

     Sáu điểm này có sẵn – bằng tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và tiếng Bồ Đào Nha trên trang https://www.infoans.org/en/sections/special-reports/item/17955-rmg-letter-from-rome-of-may-10-1884-the-most-significant-elements

Chuyển ngữ: Lm. Đoàn Quốc Kỳ, SDB

Visited 7 times, 1 visit(s) today