“Thuở ban đầu đã có Ngôi Lời” (Jn 1,1)
Lời nói là cách diễn đạt sự tương kính của chúng ta đối với một ai, trân trọng họ hay khẳng định sự hiện hữu của họ. “Lời” là một ý niệm sâu xa, phong phú và rất mạnh mẽ. Lời nói để đổi trao, để tiếp cận mọi người, và cũng là một phương cách mà ai ai cũng sử dụng. Nhiều tín đồ Ấn giáo cho rằng, vũ trụ được hình thành và duy trì bằng sức mạnh của Lời (Sanskrit). Cũng thế, triết gia Platon cho rằng Lời (logos) là nguyên lý chủ đạo, nhờ đó thế giới được tạo thành cách linh thiêng. Philo, một học giả lỗi lạc thuộc thế giới Do Thái cổ xưa, đã xem Lời như là nguyên lý vận hành mà Thượng đế đã dùng để điều quản vũ trụ.
Cựu ước cũng diễn tả sức mạnh của Lời với những dạng thức kỳ diệu khác nhau. Lời khiến moi sự được tạo thành. Trong sách Sáng thế, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ bằng Lời của Ngài. “Hãy có ánh sáng” và liền có ánh sáng. Giacóp đón nhận phúc lành từ Isaac thế chỗ của Esau. Khi lời chúc phúc được ban ra, lời đó không thể rút lại, và Giacóp hưởng nhận sự chúc lành từ thân phụ mình. “Lời” còn có một ý nghĩa khác. Đó là sự mạc khải của Thiên Chúa, và sâu xa hơn, “Lời” chính là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cuộc sống con người.
Hiểu ý nghĩa sâu xa của hạn từ này, chúng ta sẽ không lạ gì khi Gioan khởi đầu Tin Mừng bằng xác quyết: “Thuở ban đầu đã có Lời, và Lời ở với Thiên Chúa, Lời chính là Thiên Chúa”. Sau đó Thánh Gioan giải thích: “Mọi sự đều có qua Ngài. Nhờ Ngài, có sự sống, và sự sống chính là ánh sáng cho nhân loại”. Hơn nữa, đó chính là nguồn mạch sự khôn ngoan của vũ trụ.
Thánh Gioan nói tiếp về một điều rất kỳ diệu và khó hiểu: “ Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Đây không phải là sự đánh đố đối với đầu óc con người. Ở đây, Gioan nói về một việc xem ra có vẻ bất khả thi, nhưng đã thành sự thật, đó là “sự kết hợp tuyệt đối giữa Đấng Tạo Thành với thụ tạo, giữa vĩnh cửu với hữu hạn, giữa thực thể hay chết với Đấng Hằng Sống”, vì ‘đối với Chúa, không có gì là không thể làm được’ (Mt 19,26) . Thần học gia Karl Rahner SJ đã có lần suy tư như sau: “Thiên Chúa là Đấng chúng ta không thể hiểu biết, và cũng là đấng mạo hiểm trong tình yêu. Ngôi Lời đã quá mạo hiểm và liều lĩnh khi đi vào thời gian để trở nên một người phàm giữa chúng ta”.
Với suy nghĩ đó, câu nói “Tôi ngỏ lời với bạn” mang một chiều kích tổng thể khác sâu xa hơn. Thiên Chúa ban Lời của Ngài cho con người, không chỉ nói về sự tương kính, hay nói về sự hiện hữu của Ngài, nhưng còn sâu xa hơn rất nhiều. Lời đã tạo thành mọi sự, và Lời chính là ánh sáng đã đến cư ngụ giữa chúng ta. Đây chính là quà tặng của Thiên Chúa, quà tặng trao ban chính Ngài cho con người.
Khi chiêm ngắm Hài Nhi tại máng cỏ Bêlem, chúng ta cũng phải suy nghĩ về cuộc mạo hiểm trong tình yêu của Thiên Chúa với cách thái độc đáo của Ngài. Thiên Chúa đã trở nên người phàm, một sinh linh mỏng dòn yếu ớt để mang ánh sáng soi dọi những chỗ tăm tối nơi phận người. Thiên Chúa đã liều lĩnh, và sự liều lĩnh đó đáng giá biết bao. Gioan đã từng nói về sự nhập thể của Thiên Chúa như là sự đối kháng giữa tình trạng trở nên con Thiên Chúa so với tình trạng một con người bị lạc mất giữa bóng đêm. Gioan cũng nói cho chúng ta biết rằng, những ai tin vào Ngài sẽ được thấy ánh sáng, được đầy tràn ân sủng và sự thật, đầy dư ân sủng trong chính nguồn ơn sủng vô biên, và những ai ở trong bóng tối ‘sẽ không biết Ngài’. Ngôi Lời của Thiên Chúa thách đố chúng ta trước những chọn lựa cho cuộc sống mình khi chiêm ngắm thực tại này.
Thánh Gioan vạch rõ cho ta thấy, sứ điệp ngày lễ Giáng sinh không phải chỉ là sự giáng sinh của Ngôi Lời đến giữa chúng ta, nhưng còn đề cập đến sự sinh ra của chính mỗi người chúng ta trong Thiên Chúa. Trong dịp lễ Giáng sinh, không phải chúng ta chỉ dừng lại nơi máng cỏ Belem. Niềm tin mời gọi chúng ta rộng mở tâm hồn để đón nhận ánh sáng. Cuộc sống chúng ta được ngập tràn ánh sáng, và chúng ta sẽ sống trong ánh sáng đó. Ánh sáng thần linh sẽ rực lên khi chúng ta diễn bày lòng yêu thương đối với cận nhận chung quanh. Ánh sáng đó sẽ chói lọi khi chúng ta đem lòng trắc ẩn, bảo vệ những người cùng khổ, bị gạt ra bên lề xã hội, những người thấp cổ bé họng, những người lang thang không nhà cửa. “Hãy nhớ, anh em cũng đã từng là những khách ngoại kiều” (Xh 22,21). Ánh sáng đó cũng thắp lên niềm vui được sẻ chia, khi chúng ta ý thức rằng Thiên Chúa cũng đang mời gọi chúng ta sao chép lại tình yêu của Ngài, Đấng đã tự hư vô hóa mình để chúng ta được thông dự vào Thần Khí thánh thiêng và được chia sẻ vinh quang của chính Thiên Chúa.
Với lời cầu nguyện trong đêm Giáng sinh, chúng ta xin Ngôi Lời, Đấng đã tác thành chúng ta, cũng soi dọi ánh sáng vào cuộc sống mỗi người, để Ngài cũng đến và cư ngụ dồi dào trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta xin Ngôi Lời của Thiên Chúa “Nói” trong chúng ta, và qua chúng ta, tỏ hiện ánh sáng của Ngài vào chính cuộc sống chúng ta ngày hôm nay.
Peter Felmeier.
Chuyển ngữ : Văn Hào SDB