Có lẽ trong cuộc đời của ai đã từng trải qua một thời cắp sách đến trường thì hình ảnh về những hàng ghế đá dưới những tán cây um tùm, mát mẻ xen lẫn với những câu chuyện trẻ con rộn rã; hay những tiếng cười đùa của những nhóm bạn tụm năm tụm bảy vào giờ ra chơi hay những trò tinh nghịch “nhớ đời” của những cô cậu mới lớn vẫn còn đọng lại rất nhiều. Trong những kỷ niệm ấy, tôi lại nhận thấy những khuôn mặt tuy đã cách xa tôi đến nhiều năm rồi thế nhưng giờ đây lại làm cho tôi nhớ thật nhiều và lòng tôi chợt thầm để nói lên lời tri ân đến những con người ấy.
Tôi nhớ đến một thời tôi và các bạn còn mắc cở để cầm những món quà nho nhỏ cùng với những cành hoa bé xíu đến tận nhà của những thầy cô giáo để chúc mừng và tỏ lòng tri ân trong ngày 20-11. Trong ngày đó, không ai bảo ai, những đứa học trò lại có dịp để đến thăm những thầy cô yêu quý của mình, ngày mà truyền thống của những người Việt Nam đã dành cho thầy cô của mình một sự biết ơn đặc biệt. Những người học trò tỏ lòng kính trọng và bày tỏ những lời cám ơn chân thành đến những ai đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục; đó cũng chính là những người lái đò miệt mài, âm thầm và dành cả tình yêu, kiến thức của mình cho công việc hết sức thiêng liêng cao quý này.
Những câu tục ngữ ngày xưa dường như đã ăn sâu vào trong tâm trí của những con người Việt Nam: “Không thầy đố mày làm nên”; “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”; “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”… Chính những điều căn bản, những giá trị nền tảng đó đã làm cho người trò ý thức được về những gì mình nhận được, những gì mà mình đang thừa hưởng, những gì mình đang có chính là nhờ những người thầy, người cô đi trước truyền đạt lại. Con người đâu phải chỉ có thể sống bằng chính ý chí sức lực của mình mà thôi, nhưng đúng hơn đó là con người đã được sinh ra trong một mối tương quan với những con người khác và chịu mang lấy những ơn huệ từ người khác, trong đó có ơn giáo dục của những người thầy, người cô đáng kính.
Hồi ấy tôi chỉ mới học lớp 2. Tôi và đứa bạn cùng lớp đến nhà của cô giáo để chúc mừng ngày 20-11. Trên tay của tôi lúc ấy là một túi đường cát nho nhỏ, một gói bột ngọt và một vài thứ linh tinh mà tôi không thể nhớ được nữa. Tôi và bạn đã cẩn thận gói ghém cẩn thận vào trong một chiếc bao thật đẹp để biếu tặng cô trong ngày 20-11. Trước khi đi qua nhà cô, mẹ tôi dặn dò kỹ lưỡng: “Quà này mẹ mua để tặng cô đấy nhé, hai đứa vào gặp cô rồi nói chúc mừng cô, chúng em biết ơn cô trong ngày 20-11”. Tôi và bạn đến nhà cô và làm y những gì mẹ dặn. Khi đến nhà cô thì thật là bất ngờ, nhà của cô tuy nhỏ xíu: nền đất, vách nhà là những miếng ván gỗ ráp lại, nhưng thật rôm rả với đầy tiếng nói cười của những cô cậu học trò từ năm này đến năm khác đã đến thăm hỏi và tỏ lòng tri ân đối với cô và cùng ôn lại với cô những kỷ niệm đáng nhớ. Và những kỷ niệm “đáng phải quên” nữa! Ngày đó làm cho tôi ấn tượng nhiều bởi vì hình ảnh “cô giáo như mẹ hiền” đã in sâu vào trong tâm trí của tôi và các bạn lúc ấy, một hình ảnh mà đứa học trò thời nào cũng ao ước để được học cùng.
Nói đến đây, thì tôi chợt có một suy nghĩ, tôi tự hỏi: “Có phải chăng, những câu chuyện giữa thầy cô và học trò như thế này chỉ xuất hiện trong chuyện cổ tích ngày xưa 20 năm về trước thôi?” “Liệu rằng, trong một xã hội quá hiện đại như bây giờ có còn những tình cảm thân thương của thầy cô – học trò hay không?” Chắc có lẽ, nhiều học trò thời này cũng sẽ không phải cầm những túi quà với đường cát, bột ngọt… để biếu quà cho thầy cô của mình nữa rồi, nhưng ước gì lòng biết ơn, sự kính trọng, niềm tri ân vẫn luôn là những giá trị mãi mãi trong tâm hồn của mỗi con người, đặc biệt là những tâm hồn của những cô cậu học trò thời 4.0 này. Ước gì, chiếc smartphone mà của những người hiện đại sẽ không cướp mất đi tấm lòng chân thành, lòng yêu mến, lòng biết ơn nơi một con người cần phải có. Ước gì, những cú “chạm” trên chiếc smartphone không bị lạm dụng quá mức để rồi những người hiện đại đã “delete” luôn những cuộc gặp mặt thân tình với sự quan tâm, hỏi han, và những lời cám ơn mà đáng ra con người mới có được mà thôi. Ước gì, những icon chúc mừng, tỏ lòng tri ân sẽ không biến những người hiện đại thành những rôbốt để chỉ biết trao cho những thầy cô của mình những thứ tình cảm vô hồn mà thôi. Và ước gì, những người hiện đại cũng đừng biến lòng biết ơn dành cho thầy cô của mình thành những thứ vật chất tầm thường mà thôi vì đơn giản lòng biết ơn là một tấm lòng thiêng liêng cao quý, sâu thẳm trong của con người.
Dù sao đi nữa, chắc chắn, là một người sống trên đời, ai ai cũng sẽ phải đón nhận nhiều ơn huệ từ người khác, đặc biệt, trong ngày 20-11, ngày mà mỗi con người cần phải biết rằng, những người thầy cô đã cho chúng ta những gì quý giá nhất của họ, đó là kiến thức, là niềm tin, là kinh nghiệm, là tấm lòng của họ. Hãy luôn luôn biết ơn đến họ, hãy sống lòng biết ơn đó và hãy để cho lòng biết ơn luôn chiếm một chỗ quan trọng trong trái tim của mỗi người chúng ta dù là thời nào đi nữa.
(Cảm nghiệm của một sinh viên trong ngày 20/11)