Hồng Thủy – Vatican News
Trước khi bắt đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói về cuộc chiến ở Ucraina, trả lời lá thư do Yuriy Pidlisnyy, người đứng đầu Ủy ban Gia đình và Giáo dân của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina, trưởng khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Công giáo Ucraina và người đứng đầu sáng kiến Giáo dục vì Dân chủ.
Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta thường nghe tin tức về chiến tranh, ở xa chúng ta. Nhưng bây giờ chiến tranh đang đến gần chúng ta. Khi chúng ta nói về giáo dục, và khi nói đến giáo dục, chúng ta nghĩ đến các trẻ em và những người trẻ. Ngài nói tiếp: “Chúng ta nghĩ về rất nhiều người lính được gửi ra mặt trận, những người lính Nga còn rất trẻ, thật tội nghiệp. Chúng ta hãy nghĩ về rất nhiều binh sĩ Ucraina trẻ tuổi, hãy nghĩ đến những cư dân, những người trẻ, những chàng trai, cô gái… Điều này đang xảy ra gần với chúng ta.”
Chúng ta làm gì?
Đức Thánh Cha nhắc nhở tất cả rằng đối mặt với cuộc chiến này, Tin Mừng nhắc nhở các Kitô hữu đừng “quay mặt đi”. “Tôi đang làm gì? … “Tôi có cầu nguyện không? Tôi có ăn chay không? Tôi có làm việc đền tội không? Hay tôi sống vô tư, như chúng ta thường sống qua những cuộc chiến xa xôi?” Ngài cho biết rằng có những trẻ em bị thương do các vụ đánh bom đang nằm tại bệnh viện Bambino Gesu ở Roma.
Ngài nhấn mạnh: “Một cuộc chiến luôn – luôn luôn! – là sự thất bại của nhân loại, luôn luôn. Chúng ta, những người được giáo dục, những người làm công tác giáo dục, bị đánh bại bởi cuộc chiến này vì mặt nào đó chúng ta phải chịu trách nhiệm. Không có cuộc chiến tranh chính nghĩa: chúng không tồn tại!”
Từ chối cộng tác trong công trình của Thiên Chúa là đánh mất phẩm giá của người con
Đức Thánh Cha lưu ý rằng dân chủ là một vấn đề rất thời sự và cũng là một vấn đề được tranh luận nhiều. Hội nghị khám phá đề tài dân chủ từ quan điểm của giáo dục, cách tiếp cận này đặc biệt thuộc về truyền thống của Giáo hội, cách duy nhất có khả năng mang lại kết quả lâu dài.
Dựa vào bài Tin Mừng của thứ Sáu tuần II Mùa Chay, dụ ngôn những tá điền giết người (Mt 21,33-43.45-46), trong đó Chúa Giêsu cảnh báo trước một cơn cám dỗ thuộc về mọi người và mọi thời đại: cám dỗ của sự chiếm hữu, Đức Thánh Cha nói rằng: dụ ngôn “nhắc nhở chúng ta rằng khi con người từ chối ơn gọi làm cộng tác viên của mình trong công trình của Thiên Chúa và tự đặt mình vào vị trí của Người, thì người đó đánh mất phẩm giá của một người con và trở thành kẻ thù của anh em mình.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Của cải của thụ tạo được cung cấp cho mỗi người và mỗi người tương ứng với nhu cầu của họ, để không ai tích lũy dư thừa cũng như không ai thiếu điều thiết yếu. Ngược lại, khi sự chiếm hữu ích kỷ lấp đầy trái tim, các mối quan hệ và các cấu trúc chính trị và xã hội, thì bản chất của dân chủ bị đầu độc.”
Chế độ chuyên chế và chủ nghĩa thế tục
Đức Thánh Cha nói về hai sự suy thoái: chủ nghĩa toàn trị và chủ nghĩa thế tục.
Nhắc lại thông điệp Centesimus Annus của thánh Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha lưu ý rằng một nhà nước chuyên chế là khi nó “có xu hướng nuốt chửng chính quốc gia, xã hội, gia đình, các nhóm tôn giáo và cá nhân”. Do đó, bằng cách áp bức về mặt ý thức hệ, nhà nước chuyên chế tước bỏ các quyền cơ bản và giá trị của con người và xã hội đến mức đàn áp tự do.
Còn “Chủ nghĩa thế tục cấp tiến lại làm biến dạng tinh thần dân chủ theo cách tinh vi hơn: bằng cách loại bỏ chiều kích siêu việt, nó làm suy yếu, và dần dần hủy bỏ mọi sự cởi mở đối thoại.” Mượn lời crua Đức Biển Đức XVI, Đức Thánh Cha cảnh giác: “Nếu không có chân lý tối hậu, thì những ý tưởng và niềm tin của con người có thể dễ dàng bị lợi dụng cho các mục đích quyền lực.”
Các đề xuất của Đức Thánh Cha
Để chống lại những suy thoái này, Đức Thánh Cha đề xuất với các nhà giáo dục ba ý tưởng. Trước hết là nuôi dưỡng khát vọng dân chủ trong giới trẻ, giúp họ hiểu và trân trọng giá trị của một hệ thống “luôn hoàn thiện, nhưng có khả năng bảo vệ sự tham gia của công dân, quyền tự do lựa chọn, hành động và biểu đạt”.
Tiếp đến, những người trẻ tuổi phải được dạy rằng “công ích được đan xen với tình yêu thương” và “không thể được bảo vệ bằng quân lực”. Một cộng đồng hoặc quốc gia muốn tự khẳng định mình bằng vũ lực sẽ làm tổn hại đến các cộng đồng khác hoặc các quốc gia khác, và trở thành kẻ tiếp tay cho bất công, bất bình đẳng và bạo lực. Con đường hủy diệt rất dễ đi, nhưng nó tạo ra rất nhiều đống đổ nát; chỉ có tình yêu thương mới cứu được gia đình nhân loại.
Cuối cùng, chúng ta cần giáo dục những người trẻ tuổi thực thi quyền bính như một công việc phục vụ. Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Tất cả chúng ta đều được kêu gọi để phục vụ quyền bính, trong gia đình, trong công việc, trong đời sống xã hội. Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa giao phó cho chúng ta những vai trò nhất định không phải để khẳng định cá nhân, nhưng để với việc làm của chúng ta, cả cộng đồng có thể phát triển”.
Đức Thánh Cha nói rằng, đây là ba con đường giáo dục được định hướng cho nền văn minh của tình yêu, và chúng đòi hỏi phải được theo đuổi với lòng can đảm và sự sáng tạo. (CSR_1112_2022)
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-03/dtc-phanxico-gravissimum-educationis-giao-duc-dan-chu.html