Hoa Kỳ – Ngày Quốc tế Xóa nạn mù chữ: Các chương trình giáo dục Salêdiêng dành cho người trẻ

 (ANS – New Rochelle) –Văn phòng Truyền giáo Salêdiêng ở New Rochelle tham gia với các tổ chức nhân đạo từ khắp nơi trên thế giới để kỷ niệm ngày quốc tế xóa nạn mù chữ. Ngày lễ kỷ niệm này được thành lập vào năm 1967, nhằm  nhắc nhớ tầm quan trọng của giáo dục và xóa mù chữ để hướng đến một xã hội bền vững hơn. Năm 2021, chủ đề được lựa chọn tập trung vào sự phân chia kỹ thuật số và muốn làm nổi bật lên những thách thức mà thế giới phải đối mặt để đảm bảo giáo dục trong  thời gian đại dịch.

Cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra đã làm gián đoạn việc giáo dục cho hàng ngàn trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Liên Hợp Quốc ước tính rằng có khoảng 773 triệu người không còn được tiếp cận với các kỹ năng đọc viết cơ bản và 617 triệu trẻ em và thanh thiếu niên không đạt được mức độ thành thạo tối thiểu về đọc chữ và tính toán.

Cha Gus Baek, Trưởng Văn phòng Truyền giáo Salêdiêng cho biết: “Các Salêdiêng tập trung phần lớn trong nỗ lực giáo dục của mình vào việc đọc viết và phát triển các kỹ năng cơ bản. Cha nói thêm: “Trong thời gian đại dịch xảy ra, họ đã nỗ lực làm việc để giải quyết những thách thức trong  giáo dục và cam kết đảm bảo rằng những người trẻ có thể tiếp cận với công nghệ để thực hiện công việc của họ từ xa.

Nhân Ngày Quốc tế Xóa mù chữ, “Salesian Missions” đã nêu bật một số chương trình của mình: Tại Ecuador, phối hợp với Đại học Bách khoa Salêdiêng, chiến dịch “Quyên góp máy tính ” đã được phát động, một dự án nhằm cung cấp các công cụ công nghệ cho các nhóm dân cư bị khủng hoảng ở 12 thành phố. Tổng cộng có 500 thiết bị công nghệ đã được cung cấp cho phép hàng trăm sinh viên tham dự các bài học online và tiếp tục gặp gỡ các bạn cùng lớp bằng kỹ thuật số. Giám tỉnh Ecuador, Cha Francisco Sánchez, giải thích rằng sáng kiến hỗ trợ này đã giúp cho những người trẻ bị khủng hoảng không bị tụt hậu trong việc học của họ.

Tại Ấn Độ, Các học sinh cũ – Lớp Tốt nghiệp năm 1997 của Học viện Egmore “Don Bosco”, thuộc tỉnh Chennai, Ấn Độ (INM) – đã giúp một số sinh viên bằng cách mua máy tính và máy tính bảng để học có thể theo dõi các bài học trực tuyến. Sáng kiến này, đã giúp một số nữ sinh không bỏ dở việc học của mình, được đặt tên là “Min Siragugal” (đôi cánh kỹ thuật số) và được điều phối bởi ông Deepu Antony.

Tại Ý, khoảng 40 học sinh từ cộng đoàn “Santa Chiara” ở Palermo đã nhận được đồ dùng học tập, gel khử trùng và khẩu trang, nhờ sự tài trợ từ “Salesian Missions”. Đối tượng được hỗ trợ là trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 6 đến 15, có cha mẹ thất nghiệp, làm việc mà không có hợp đồng thường xuyên hoặc bị giam giữ. Sáng kiến này đã hỗ trợ tổng cộng 12 gia đình.

Cuối cùng, tại quần đảo Solomon, dự án của Học viện Kỹ thuật Henderson “Don Bosco” tiếp tục ở thủ đô Honiara, nơi hỗ trợ những trẻ em sống gần bãi rác Ranadi. Những trẻ vị thành niên này, những người có tỷ lệ nghèo đói, thất nghiệp và mù chữ cao, có cơ hội đến trường và cải thiện kỹ năng đọc viết và tính toán của mình. Ngoài ra còn có một khóa học nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, để họ hiểu tầm quan trọng của việc cho con cái họ được giáo dục đầy đủ và có động lực để đưa chúng đến trường thay vì bắt chúng phải làm việc trong các bãi rác.

Giuse Bùi Phúc Hòa SDB, chuyển ngữ

Visited 1 times, 1 visit(s) today